Ngoại trưởng Mỹ tới châu Âu đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran

Chuyến công du châu Âu bắt đầu từ cuối tuần này của Ngoại trưởng Mỹ để gặp người đồng cấp Iran được nhìn nhận là mang tính quyết định nhằm trả lời câu hỏi liệu có đạt được thỏa thuận hạt nhân không?
Ngoại trưởng Mỹ tới châu Âu đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran ảnh 1Đại diện P5+1 và Iran tại một cuộc họp tại Lausanne, Thụy Sỹ ngày 2/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyến công du châu Âu bắt đầu từ cuối tuần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif được nhìn nhận là mang tính quyết định nhằm trả lời câu hỏi liệu có đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran hay không.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke, cho biết mục tiêu của cuộc gặp ngày 30/5 tại Geneva, Thụy Sĩ giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Iran Zarif không gì khác ngoài việc cả hai bên đều nỗ lực nhằm đạt được thêm những tiến bộ hướng tới ký kết một thỏa thuận toàn diện trước hạn chót 30/6 về chương trình hạt nhân của Tehran.

Nội dung chính của cuộc gặp giữa ông Kerry và ông Zarif là thu hẹp các bất đồng xung quanh bản thỏa thuận toàn diện cuối cùng. Cuộc gặp diễn ra khi cả các quan chức châu Âu lẫn các quan chức Iran đều bóng gió nói rằng tiến trình đàm phán giữa Tehran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) có thể cần thêm thời gian qua hạn chót 30/6. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama  hiện chưa xem xét bất kỳ sự kéo dài nào.

Trước đó, ông Kerry bày tỏ lạc quan rằng nỗ lực của chính quyền Barack Obama, cùng với năm nước lớn khác, có thể giúp đạt được một thỏa thuận "ngăn chặn tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran" để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống quốc gia Hồi giáo này.

Về phần mình, phát biểu ngày 28/5 khi đang ở thăm Hy Lạp, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif cũng bày tỏ hy vọng trước hạn chót 30/6 có thể ký kết được một hiệp định “bền vững, cùng tôn trọng lẫn nhau." Tuy nhiên, ông Zarif cũng cảnh báo về “những đòi hỏi quá mức” của các nước lớn.

Một trong những đòi hỏi đó là việc Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 27/5 tuyên bố Paris sẽ phản đối mọi thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu Tehran không cho phép thanh sát các cơ sở quân sự. Cho tới nay, Iran vẫn bác bỏ mọi hoạt động thanh sát của nước ngoài đối với các cơ sở quân sự của nước này nhằm bảo vệ “những bí mật kinh tế và quân sự” quốc gia. Thỏa thuận khung hồi tháng Tư cũng chỉ nói tới “một sự tiếp cận nào đó” chứ không phải là thanh sát các cơ sở quân sự của Tehran.

Liên quan tới cuộc đàm phán với Iran, ngày 27/5, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran, sẽ từ nhiệm sau khi kết thúc tiến trình đàm phán với Iran. Trong khi đó, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Marie Haff ngày 26/5 đã được bổ nhiệm làm Cố vấn cấp cao về thông tin chiến lược cho Ngoại trưởng John Kerry, trong đó gồm cả những thông tin liên quan cuộc đàm phán với Iran.

Trong chuyến công du châu Âu lần này, ngoài cuộc hội đàm ngày 30/5 với người đồng cấp Iran, ngày 31/5 và ngày 1/6, ông Kerry sẽ thăm Tây Ban Nha, sau đó ngày 2/6 sang Paris dự hội nghị liên quan tới cuộc chiến chống nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục