Ngư dân ven biển hợp lực xây dải đê xanh chắn sóng

Phục hồi rừng ngập mặn là giải pháp quan trọng để tạo nên dải đê thiên nhiên, giúp ngư dân “vững bước” trước thiên tai, gió bão.
Theo Theo đánh giá của Viện Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong 60 năm qua, diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam đã giảm hơn một nửa, hiện chỉ còn khoảng 156.000ha. Do vậy, việc phục hồi hệ thống rừng ngập mặn là một trong những giải pháp quan trọng để tạo ra dải đê thiên nhiên, giúp ngư dân ven biển ngăn chặn thiên tai, ổn định an ninh lương thực và phát triển sinh kế về lâu dài.

Trên cơ sở đó, tại 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau một thời gian dài rừng ngập mặn bị tàn phá kiệt quệ, gần chục năm trở lại đây, cùng với cố gắng của các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hàng nghìn hécta rừng đã được tái tạo, giúp người dân các xã ven biển “vững bước” trước thiên tai, gió bão.

Mang rừng xuống biển!

Sau gần 2 tiếng đồng hồ “phiêu” trên dòng sông Lạch Sung qua hai xã Nga Thủy (Nga Sơn) và Đa Lộc (Hậu Lộc), đoàn công tác về rừng ngập mặn có dịp ngắm những khu rừng được xem là “bức tường xanh” đang vươn dài “cánh tay” ra biển tới hàng cây số. Ở sau những dải đê, hàng dãy nhà vững chãi và cả trăm đầm nuôi trồng thủy sản như những “ô bàn cờ” yên bình trước phố biển.

Là một trong những người đầu tiên tham gia phong trào “mang rừng xuống biển,” ông Trần Văn Diện, ở xóm 9, xã Nga Thủy cho biết, hơn chục năm trước rừng bị chặt phá kiệt quệ, nên ở đây cây cối thưa thớt lắm.

“Cũng vì thế mà thiên tai, bão, gió và sóng biển cứ hoành hành dữ dội, khiến người dân trong xã, đặc biệt là những hộ sống bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản luôn phải sống trong cảnh bất an. Thậm chí, không ít gia đình còn bị trắng tay sau mỗi lần biển dữ,” ông Diện nói giọng trầm buồn.

Cũng theo lời ông Diện, khi chưa có rừng, mỗi năm bờ đê bao bằng bê tông xung quanh đầm nuôi thủy sản của bà con ở trong vùng bị vỡ 3-5 lần. Mỗi lần như vậy, thiệt hại về kinh tế lên tới hàng chục tỷ đồng.

“Thậm chí, đã có lần, hàng chục hộ gia đình còn rơi vào cảnh trắng tay, tưởng chừng phải bỏ nghề. Thế nhưng, khi ngộ ra được tác dụng của rừng ngập mặn, bà con trong vùng đã tham gia trồng rừng, tạo ‘dải đê xanh’ cho các đầm nuôi trồng thủy sản,” ông Diện chia sẻ.

[Khôi phục rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu]

Nhìn ở góc độ chuyên gia, ông Cao Vĩnh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn môi trường và tài nguyên giảm nghèo nông thôn cho biết, qua sự mất mát trên, người dân Nga Thủy cũng bắt đầu nhận ra tác dụng của rừng ngập mặn. Đó là “dải đê xanh” để ngăn "cơn điên" mỗi khi Mẹ Biển nổi giận.

“Tuy nhiên, phải đến năm 1994, phong trào trồng rừng ngăn sóng với sự tài trợ của Đan Mạch, Quỹ nhi đồng Anh thông qua Hội chữ thập đỏ, đặc biệt sau này (năm 2006) có thêm tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, khoảng 1.000ha rừng ngập mặn mới lần lượt sinh sôi và phát triển xanh tươi,” ông Hải nhấn mạnh.

Về phía đơn vị triển khai dự án hỗ trợ cộng đồng trồng rừng ngập mặn và phát triển sinh kế (CARE quốc tế tại Việt Nam), ông Nguyễn Viết Nghị cho biết, ngay từ khi phát động phong trào “đưa rừng xuống biển,” CARE đã thống nhất với chính quyền huyện Nga Sơn và Hậu Lộc về việc giao quyền quản lý rừng cho cộng đồng dân cư ven biển.

“Trên cơ sở đó, cộng đồng tham gia toàn bộ vào tiến trình lập kế hoạch quản lý rừng ngập mặn, xây dựng các quy định về quản lý phù hợp với điều kiện của địa phương và luật pháp hiện hành. Ngoài ra, cộng đồng còn được giao quyền quản lý rừng ngập mặn theo quyết định của Ủy ban Nhân dân huyện,” ông Nghị nói.

Thông qua phương thức hỗ trợ trồng và quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng, trong đó thành viên cốt cán là “nhóm xanh” và các Hội: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, từ năm 2007 đến tháng 8/2013, CARE đã hỗ trợ người dân xã Nga Thủy và xã Đa Lộc trồng mới được tổng cộng 412ha rừng ngập mặn, tổng chi phí bình quân cho mỗi ha là 950 USD.

Giờ đây, những dải đê xanh do cộng đồng dân cư địa phương chung tay trồng mới đã bạt ngàn cây xanh trên 2 bờ sông Lạch Sung, trở thành “bức tường thành” bao bọc, chở che cho các tuyến đê biển dài hàng chục km trước mỗi trận triều cường, lũ quét.
Rừng ngập mặn đang được trồng mới tại hai xã Nga Thủy và xã Đa Lộc. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Tạo sinh kế sau “dải đê xanh”

Cùng với việc tạo lập dải đê xanh chắn sóng, rừng ngập mặn ở Nga Thủy và Đa Lộc cũng đang góp phần hình thành “lá phổi xanh,” bảo tồn đa dang sinh học. Trên các bãi bồi nước lợ, những chòi canh nuôi trồng thủy sản mọc lên chi chit, hàng ngàn ao ươm-nuôi tôm, cua, cá như những ô bàn cờ yên bình hướng ra biển lớn.

Nói về tác động của rừng ngập mặn, ông Trân Văn Diện khẳng định, trồng rừng ngập mặn là hành động rất thiết thực, góp phần ngăn chặn cơn giận dữ của Mẹ Biển, bảo vệ môi trường. Mặt khác, đây cũng là giải pháp để tạo thu nhập, phát triển sinh kế cho ngư dân bám biển.

“Nhờ nguồn lợi mà rừng ngập mặn mang lại, giờ đây, mỗi tháng gia đình tôi cũng bỏ túi được 4-5 triệu đồng. Chỉ tính riêng mùa cua năm ngoái, trong 15 ngày, tôi đã vớt được hàng vạn con cua giống bán với gia 20 triệu đồng, thoải mái chu cấp cho 2 đứa con học đại học,” ông Diện phấn khởi nói.

Cũng mang niềm vui đổi đời nhờ rừng ngập mặn, ông Phan Văn Đông, ở thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, cho rằng rừng ngập mặn không chỉ giúp nguồn thủy sản tại địa phương sinh sôi ngày một nhiều hơn, mà cây lúa cũng được hưởng lợi và phát triển.

“Đặc biệt, từ khi biết cách sử dụng phân vi sinh (sử dụng rơm ra, rác thải để làm phân), lúa ở đây phát triển rất tốt. Tính trung bình, mỗi sào cho thu nhập 300kg, năng xuất cao hơn sử dụng phân hóa học tới 50 kg. Do vậy, với 8 sào lúa trong tay, sau hai vụ lúa gia đình cũng lãi được thêm 4 tạ thóc,” ông Đông tâm đắc.

Ở một trường hợp khác, ngay trong khu rừng phi lao (tiếng địa phương gọi là sa mộc) chừng 5-6 năm tuổi đối diện với hòn Nẹ, vợ chồng chị Vũ thị Hồng ở thôn Đông Hải, xã Đa Lộc lại có sáng kiến vừa chăn thả vịt pháp, vừa bán nước giải khát cho du khách tham quan rừng ngập mặn.

Chia sẻ với phóng viên Vietnam+, chị Hồng cho biết: “Từ khi rừng ngập mặn được phục hồi, việc nuôi thả vịt gặp rất nhiều thuận lợi. Nhờ nguồn thức ăn là ốc dồi dào, nên vịt rất chóng lớn, có thể xuất bán sau 3 tháng. Tiện thể, mình cũng thuyết phục chồng mở quán giải khát trong rừng để chăm đàn vịt, tạo thêm thu nhập và tham gia vào bảo vệ rừng.”

Qua thực tế trên, có thể thấy, với người dân bám biển, họ có thể chưa hiểu sâu sắc khái niệm, tác động của biến đổi khí hậu tới đời sống con người nhưng với ý thức bảo vệ rừng, họ tin rằng trồng rừng sẽ góp phần ngăn cơn giận dữ của Mẹ Biển. Và hơn hết, những khu rừng ngập mặn đã trở thành “nhịp cầu nối” giữa ngư dân với những “món quà” mà Mẹ Biển mang lại, để cuộc sống của họ ấm no, bình yên hơn./.
Để phục hồi rừng ngập mặn, Đề án “Khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển, giai đoạn 2008-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu thiết lập hệ thống rừng ngập mặn để phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường một cách ổn định. Trong giai đoạn đầu, sẽ trồng và nâng cao chất lượng rừng với diện tích trên 32.800 ha, trồng thêm hơn 97.500 ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước lên trên 307.200 ha vào năm 2015.

Được biết, năm 2013, cùng Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã dự thảo kế hoạch phục hồi rừng ngập mặn trong cả nước đến năm 2015, với tổng kinh phí lên tới 1.900 tỷ đồng.
Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục