Người dân Hà Nội hào hứng dự hội làng Mọc sau 8 năm chờ đợi
Minh Anh
Giữa không gian phố xá Hà Nội có phần chật hẹp, người đổ về dự hội làng Mọc phải chen chúc để kịp đuổi theo kiệu nhưng ai nấy đều vui vẻ, reo hò khi kiệu bắt đầu bất chợt chuyển hướng hoặc "nhảy múa."
Người dân làng Mọc chen nhau chút một để theo dõi kiệu của từng làng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Từ sáng sớm ngày 3/3 (12/2 Âm lịch năm Quý Mão), hàng nghìn người dân đã đổ về làng Mọc tại hai quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm, Hà Nội dể dự hội kết chạ hay hội kết nghĩa 5 làng. Do 5 năm mới được tổ chức một lần, lại thêm 3 năm bị gián đoạn vì dịch COVID-19 nên hội năm nay dường như rình rang hơn hẳn.
"Lần gần nhất chúng tôi mở hội làng Mọc là năm 2015. Theo tục lệ, nhẽ ra chúng tôi sẽ tổ chức vào năm 2020 nhưng vì dịch COVID-19 nên phải hoãn và chờ 8 năm mới được mở hội trở lại," ông Phạm Đức Hạnh, Bí thư chi bộ khu dân cư Giáp Nhất - một trong 5 làng - cho biết.
Cứ 5 năm một lần, từ mùng 10 đến 12 tháng Hai Âm lịch, người dân tại làng các làng Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống này để rước các thành hoàng làng du Xuân, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Năm nay, người dân làng đổ về xem hội chen nhau chật cứng. Giữa không gian ngõ phố Hà Nội có phần chật hẹp, đoàn người về dự hội đua nhau đuổi theo kiệu, nhưng ai nấy đều tươi cười và tò mò xem kiệu các thánh sẽ xoay đi đâu tiếp theo, khi nào thì về đến đình chính.
Người tham dự không chỉ có các bậc cao niên mà còn có cả thanh niên, trung niên. Nhiều người đã xin nghỉ làm một ngày hoặc một buổi sáng để dự hội làng vì đã lâu mới có dịp.
Huyền Trang, 26 tuổi, là người người làng Phùng Khoang. Chị cho biết là một người trẻ nhưng chị đặc biệt yêu thích hoạt động truyền thống tại hội làng nơi mình sinh sống. Chị đã xin nghỉ làm một buổi ở hiệu thuốc nơi mình làm việc để tận hưởng không khí lễ hội, cùng người làng chạy theo kiệu về đình làng Quan Nhân.
"Mình thấy rất háo hức. Hội rất vui, tưng bừng, cảm xúc có lẽ vẫn y như 8 năm trước. Đáng ra năm 2020 là làng mình được đăng cai nhưng vì dịch nên phải hoãn. Có thể đến 2025 sẽ lại đến lượt làng mình nên mình cảm thấy rất đáng mong chờ," Huyền Trang chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đản - thủ từ cũ tại đình Quan Nhân chăm chú theo dõi hội làng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Mỗi lần tổ chức hội kết chạ, các làng thay phiên nhau đăng cai. Đình làng đăng cai sẽ là nơi tập trung kiệu của các làng "anh em" sau khi rước từ đình làng mình và đi qua khắp các con phố. Năm nay Quan Nhân là làng đăng cai. Đây được cho là làng thờ người anh thứ hai (Giáp Nhất được coi là anh cả, Cự Chính là anh thứ ba và Phùng Khoang là em út).
"Trung nghĩa đại vương Hùng Lãng công - thánh ông được tôn làm thành hoàng làng Quan Nhân - là người duy nhất trong 5 anh em có vợ, thánh bà là Trương Mỵ nương công chúa, cũng chính là người làng này nên hai vợ chồng ông bà đều được thờ ở đình," ông Nguyễn Văn Đản thủ từ đình Quan Nhân từ 2013-2018 cho biết bằng giọng tự hào.
Ông hào hứng kể làng Quan Nhân và làng Mọc có rất nhiều người giỏi như: Đại vương Hùng Lãng công chính là cháu của vua Hùng đời 18 và khi trưởng thành thì lập nghiệp ở Quan Nhân; có ông Lưu Trọng Điển đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775); hay nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai cũng có gốc gác làng Mọc (theo quê quán của cha - ông Nguyễn Huy Bình)...
Trong cả ngày chính hội (ngày 12 Âm lịch), 5 kiệu bát cống (kiệu rước áo) và 5 kiệu long đình (kiệu rước bát hương) của 5 làng sẽ liên tục đi trên các tuyến phố quanh các đình làng. Nhiều người dân liên tục bám theo, hô to tên làng mình để cổ vũ mỗi khi kiệu có động thái mới.
Kiệu rước thành hoàng làng, hay còn được gọi là bác cống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tương truyền, khi xưa, do thiên tai mà làng Mọc xưa phải chịu đói kém, dịch bệnh, người chết tràn lan. Làng Phùng Khoan được vua cho cháo và cơm nắm để sống qua ngày. Một cậu bé khi nhận được nắm cơm đã chia cho 4 cậu bé khác. 5 người kết nghĩa anh em, khi lớn đều lập nghiệp trong vùng và tạo thành những ngôi làng trù phú hay chính là làng Mọc sau này.
Từ tích chuyện này, lễ hội năm làng Mọc được hình thành với tục kết chạ (kết nghĩa anh em) giữa 5 làng Mọc Giáp Nhất, Mọc Chính Kinh, Mọc Cự Lộc, Mọc Quan Nhân và Mọc Phùng Khoang. Về sau, người dân quen gọi lược chữ "Mọc" nên các làng thường được gọi theo tên hai chữ.
Mỗi làng thờ một vị hiền tài và tôn họ làm thành hoàng làng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - một vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - một nha tướng dưới thời Ngô Quyền; Quan Nhân thờ Trung nghĩa đại vương Hùng Lãng công - người có công đánh giặc Nam Chiếu (năm 863); Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân - một danh tướng thời Lý.
Do Chính Kinh và Cự Lộc sát nhập thành một làng Cự Chính, nên trong hội 5 làng ngày nay chỉ còn kiệu rước từ 4 làng. Thế nhưng tổng số kiệu vẫn là 5 vì riêng Quan Nhân có cả kiệu ông lẫn kiệu bà./.
Sau nhiều năm không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội Khán hoa mẫu đơn (hay còn gọi là hội Phật Tích) thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến lễ Phật, du Xuân, trẩy hội.
Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được tổ chức với mong ước cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà yên vui hạnh phúc; mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2023 được tổ chức trang trọng, riêng phần hội hứa hẹn mang đến cho du khách không khí Xuân mới vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc.
Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định Xuân Quý Mão diễn ra từ ngày 1 đến 6/2 (11 đến 16 tháng Giêng), trong đó nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23h15 ngày 4/2 (14 tháng Giêng).
Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương được bắt đầu từ 23 giờ ngày 4/2 đến 17 giờ ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão) và các túi lương được phát tại 19 điểm quanh khu vực đền.
Lễ hội năm làng Mọc 5 năm mới tổ chức 1 lần, được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng vừa là để kết thân, vừa tương trợ lẫn nhau thu hút đông đảo người dân tham gia.