'Người dân xuống đường,' thế giới đang trở nên bất ổn hơn?

Các cuộc biểu tình và sự bất mãn ngấm ngầm có thể bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do mới và phản ứng của những người theo chủ nghĩa dân túy trước điều này.
'Người dân xuống đường,' thế giới đang trở nên bất ổn hơn? ảnh 1Người dân tham gia đình công tại thủ đô Santiago, Chile ngày 23/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng thehill.com đưa tin từ các quốc gia đang phát triển đến các nước phát triển, người dân đang xuống đường. Các cuộc biểu tình từ Nam Mỹ đến châu Á đang dẫn đến đổ máu.

Lý do cho các cuộc biểu tình này khác nhau, nhưng có một số câu hỏi cơ bản: tại sao mọi người không được hưởng lợi như nhau từ sự thịnh vượng tăng lên đáng kể; tại sao quyền tự do của chúng ta bị ảnh hưởng; tại sao giới tinh hoa chính trị làm giàu cho chính họ?

Các cuộc biểu tình và sự bất mãn ngấm ngầm có thể bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do mới và phản ứng của những người theo chủ nghĩa dân túy trước điều này.

Do đó, các cuộc biểu tình có thể được xem là một mặt của đồng xu, với mặt kia là nhóm các tập đoàn Mỹ đang bênh vực cho việc tập trung quá mức vào các cổ đông quyền lực.

[Tại sao bất ổn lại thường xảy ra tại các thành phố giàu có?]

Tháng 8/2019, Hội nghị bàn tròn kinh doanh (BR) đã không tán thành châm ngôn rằng lý do duy nhất cho sự tồn tại của các công ty là để làm hài lòng các cổ đông của họ, cho rằng lợi ích của các nhân viên, khách hàng và xã hội nói chung cũng cần được đặt vào một vị trí nổi bật trong các hoạt động kinh doanh.

Lời kêu gọi của BR được đưa ra khi giới doanh nhân hàng đầu lo ngại rằng các chính phủ và người dân sẽ chủ động ra tay trước, chẳng hạn như thông qua mức thuế đánh vào lợi nhuận cao hơn, sung công, tách các công ty...

Về bản chất, vấn đề chính trị-kinh tế đương đại quan trọng nhất là làm thế nào để kết hợp 3 mục tiêu theo cách tốt nhất có thể: chấp nhận được để tăng trưởng kinh tế cao, phân chia sự thịnh vượng công bằng hơn (tất nhiên đây có thể là cuộc tranh luận không ngừng về công bằng là gì), và bảo vệ Trái Đất, để các thế hệ tương lai cũng có thể có được cuộc sống tốt đẹp.

Chủ nghĩa dân túy có thể mang lại điều gì đó tốt đẹp trong trường hợp này, nếu nó quả thực đã đánh thức giới tinh hoa và khuyến khích cải cách trước khi toàn bộ hệ thống có nguy cơ bị lật đổ.

Lịch sử nước Mỹ minh họa điều này. Cuối thế kỷ thứ 19, sự bất bình đẳng đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Sự chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp đã khiến cho nhiều nông dân nói riêng trở nên phá sản.

Một cuộc suy thoái kéo dài 10 năm, bắt đầu từ năm 1873, đã dẫn đến những tình cảnh thiếu thốn, nghèo đói. Chính phủ khi đó tỏ ra khá bất lực và không làm được gì.

Làn sóng chủ nghĩa dân túy mới nổi đã xuất hiện trong đảng Nhân dân, còn được gọi là đảng Dân túy, và chương trình hành động của đảng này, Cương lĩnh Omaha năm 1892.

Cương lĩnh này có đoạn: "Chúng ta gặp nhau trong bối cảnh một quốc gia đang ở bên miệng vực của sự hủy hoại về đạo đức, chính trị và vật chất. Tham nhũng thống trị hòm phiếu, Cơ quan lập pháp, Quốc hội, và thậm chí chạm đến cả tòa án. Người dân đang mất tinh thần."

Giới lãnh đạo đã rất lo lắng. Trong một thời gian dài, có vẻ như đảng Dân túy đang trên đường giành lấy quyền lực, nhưng họ đã sụp đổ.

Tuy nhiên, nó đã mở đường cho những cải cách thể chế chính trị và kinh tế dưới thời các tổng thống Roosevelt, Taft và Wilson, làm cho nền dân chủ tư sản trở nên có ích hơn đối với quần chúng nhân dân và ngăn chặn sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống.

Theo nghĩa này, chủ nghĩa dân túy đã ăn sâu vào nền dân chủ và đó có lẽ là một cơ chế điều chỉnh cần thiết.

Như Daron Acemoglu và James A. Robinson từng nói khi nhà nước và giới tinh hoa trở nên có quyền lực quá lớn, điều đó mở đường cho chế độ chuyên quyền bịt miệng hoặc ép buộc những người khác đi cùng với họ. Các đảng phái đã đi chệch hướng quá xa khỏi đường lối trung dung.

Một mặt, không có sự thay thế cho nền dân chủ tự do. Đôi khi họ trở nên mù quáng trước những mặt tối của nền dân chủ tự do, và điều này đã dẫn đến một chế độ kỹ trị vượt khỏi tầm kiểm soát, với các chính trị gia về cơ bản là các nhà quản lý.

Mặt khác, những người theo chủ nghĩa dân tộc được đem ra như một biện pháp đối phó, những người đang chuyển dần sang chủ nghĩa độc đoán ở nhiều nơi bằng cách buộc các thẩm phán phải về hưu, bóp nghẹt báo chí và biến sân chơi thành nơi chống lại các đối thủ.

Nhiều cuộc biểu tình trên khắp thế giới hiện nay là kết quả của các hệ thống chính trị đưa ra câu trả lời không thỏa đáng về những tác dụng phụ khó chịu và vượt mức cho phép của tiến trình toàn cầu hóa, tự do thị trường và bộ máy quan liêu ngột ngạt.

Mọi người đang hối hả tìm cách điều hòa sự tăng trưởng, bình đẳng và bền vững hơn trong thời đại toàn cầu hóa, quyền lực to lớn của các công ty đa quốc gia và các hình thức tham nhũng tinh vi nhất nhờ vào Internet và công nghệ hiện đại khác, trong khi các cuộc biểu tình cũng có thể lấy đà dễ dàng hơn.

Tác động tiêu cực lẫn nhau phát sinh trong lúc tình trạng bất ổn gia tăng và tăng trưởng toàn cầu trì trệ kéo dài. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của họ.

Đồng USD sẽ mạnh lên trong trung hạn, một phần vì quy chế an toàn mà nó vẫn có. Giá cả hàng hóa cũng sẽ tiếp tục chịu sức ép.

Điều này không thuận lợi cho nhiều thị trường mới nổi vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn: các thị trường này thường phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và số lượng lớn các khoản cho vay dài hạn bằng đồng USD, khiến cho các khoản nợ của họ ngày càng khó trả.

Điều này thậm chí còn tạo ra nhiều sự bất mãn hơn và đe dọa sẽ kích hoạt một vòng luẩn quẩn.

Ngoài ra, do những nền kinh tế mới nổi có dân số rất trẻ và những người trẻ tuổi có nhiều khả năng xuống đường biểu tình hơn.

Hơn nữa, sự thất vọng có thể sẽ tiếp tục gia tăng, vì sự tiến bộ dân chủ đã đi vào bế tắc trên toàn thế giới, và các cuộc biểu tình phải thừa nhận là tăng lên nhưng tỷ lệ thành công đã giảm sút rất nhiều.

Hai thập kỷ trước, 7 trong số 10 cuộc biểu tình kêu gọi cải cách lớn đã dẫn đến những thay đổi. Kể từ giữa thập kỷ trước, tỷ lệ này đã giảm dần xuống còn 30%.

Sự bất ổn trên toàn thế giới cũng tạo ra nhiều bất ổn hơn về tính bền vững của chuỗi sản xuất quốc tế ở các nước phương Tây. Điều này buộc họ phải tiếp tục giảm đầu tư và tuyển dụng lao động mới.

Rõ ràng, tại thời điểm này, những diễn biến chính trị toàn cầu cho thấy việc tăng cường sức ép về thời gian đối với tăng trưởng kinh tế thay vì đóng vai trò kích hoạt để giải quyết tăng trưởng yếu ở mức độ vừa đủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục