Đòi TEPCO bồi thường

Người di tản sự cố hạt nhân liệu có bị quên lãng?

Một năm sau khi phải sơ tán vì ảnh hưởng của sự cố hạt nhân tại Fukushima, hàng chục nghìn người di tản vẫn đang bị quên lãng
HTML clipboard Một năm sau khi phải sơ tán vì ảnh hưởng của sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hàng chục nghìn người di tản vẫn đang bị quên lãng, không thể trở về và phải đấu tranh để đòi bồi thường. Một phần trong số những người chạy trốn khỏi những đám mây phóng xạ từ nhà máy Fukushima sau thảm họa động đất-sóng thần có thể được về nhà trong vài năm tới khi các khu vực này được khử xạ. Nhưng nhiều người khác có thể sẽ không thể trở về nhà trong nhiều thập kỷ nữa. Một số thị trấn có thể sẽ vĩnh viễn đi vào dĩ vãng, dần mất tên trên bản đồ khi không ai sống ở đây bởi nó quá nguy hiểm. 12 tháng sau thảm họa, một số ít người đã nhận được tiền mà họ đòi Công ty Điên lực Tokyo (TEPCO) phải bồi thường. Phải đọ sức với TEPCO, đơn vị dường như có "xúc tu" gắn với bộ máy chính quyền Nhật, với quyền lực đáng sợ, nhiều người di tản cho rằng họ cảm thấy bất lực, và mô tả cuộc chiến đòi bồi thường giống như "kiến giết voi." "Chúng tôi vẫn đang sống. Chúng tôi chưa chết," một người nông dân 70 tuổi, có một cánh đồng nằm cách nhà máy 4km, cho biết. "Một số người nói chúng tôi có thể về nhà sau 30 hoặc 40 năm, nhưng chúng tôi sẽ sống bằng gì để đợi đến lúc đó?," người đàn ông đề nghị giấu tên nói với phóng viên AFP tại nơi sơ tán. Trung tâm giải quyết các tranh chấp của Nhật Bản cho biết, tính đến cuối tháng Hai, chỉ có 13 trong số 1.000 trường hợp nộp đơn đòi bồi thường kể từ tháng Chín được giải quyết. Ông Hiroshi Noyama, người đứng đầu trung tâm này, khẳng định tiến trình này sẽ được đẩy nhanh hơn. Ông cho biết "TEPCO vẫn lưỡng lự về việc thương lượng đền bù, lâu hơn so với dự kiến." Gần 2 triệu người mong đợi sẽ được TEPCO bồi thường, trong đó bao gồm những người phải di cư trong bán kính 20km tính từ nhà máy. Ngoài khu vực tỉnh Fukushima, có tất cả 1,5 triệu người bị ảnh hưởng, khi diện tích đất nông nghiệp của họ bị ô nhiễm và các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, cửa hàng phải đóng cửa. Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân cho rằng TEPCO đang kéo dài việc bồi thường cho những tài sản như đất và nhà ở. Công ty đã thanh toán cho những người tị nạn vì khủng hoảng hạt nhân này một khoản bồi thường tạm thời vì "tổn thương tinh thần", lên tới 120.000 yen, tương đương 1.500 USD một tháng, nhưng hiện nay kéo dài thành 3 tháng một lần. Tsutomu Aoki, một trong những luật sư bảo vệ quyền lợi cho những người ở Futabamachi, cho biết tiền bồi thường không được Công ty thanh toán nhanh chóng. "Những người sơ tán cần tiền mặt để sống," ông nói. "Vấn đề của họ là tiền sẽ kéo dài bao lâu để họ trang trải cuộc sống hàng ngày. TEPCO đã cho thấy họ không quan tâm đến điều kiện sống của người sơ tán." Với 1,5 triệu người sống ngoài khu vực bị ảnh hưởng, TEPCO đã đưa ra mức bồi thường 400.000 yen cho phụ nữ mang thai và trẻ em, cộng với 200.000 yen cho những người tự nguyện sơ tán, và chỉ 80.000 yen cho mỗi người khác. Số tiền này được dành để trang trải cho khoảng thời gian từ lúc thiên tai ập tới cho đến 31/12 năm ngoái. Tuy nhiên, công ty này muốn những người chấp nhận số tiền trên đồng ý rằng họ sẽ không đòi thêm tiền bồi thường nữa. Luật sư Izutaro Managi cho rằng TEPCO không công bằng khi cố gắng chấm dứt bồi thường theo cách này bởi vì những tác động của bức xạ có thể không rõ ràng trong nhiều năm. "Sự cố vẫn tiếp diễn và các nạn nhân của sự cố hạt nhân không biết rõ về mức độ thiệt hại mà họ phải gánh chịu," ông nói. Phát ngôn viên TEPCO cho biết công ty đã cố gắng để giải quyết các khiếu nại tồn đọng và đã tăng số lượng nhân viên giải quyết các thủ tục giấy tờ từ 3.000 lên 10.000 người. "Chúng tôi rất xin lỗi vì việc trậm trễ nhưng chúng tôi đang cố gắng để đảm bảo không có sai sót nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc," bà nói. Đối với người nông dân trồng lúa Mamoru Narita từ Koriyama, cách nhà máy khoảng 60km về phía tây, số tiền 80.000 yen ông nhận được hầu như không đáng kể gì so với những gì ông cho rằng ông đã bị mất vì thảm họa này.
Người di tản sự cố hạt nhân liệu có bị quên lãng? ảnh 1
Con đường tại Fukushima thời điểm mới xảy ra thảm họa và thời điểm một năm sau (Nguồn: AFP)

"Tôi trồng cấy trên ruộng lúa mà không hề sử dụng phân bón hóa học hoặc thuốc trừ sâu, để có thể đảm bảo an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường," ông Narita 61 tuổi, nói. "Bây giờ toàn bộ môi trường đã bị ô nhiễm, và chúng tôi chỉ được nhận bằng đó tiền thôi ư? Người nông dân như chúng tôi có nên im lặng trước sự việc này hay không?" Mia Isogai, 31 tuổi, người đã di cư cùng chồng và cậu con trai hai tuổi đến Yokohama, cho biết gia đình cô đã phải vật lộn để sống và nếu không có thêm tiền bồi thường, họ sẽ kiệt quệ. "Chúng tôi đang trả tiền cho thực phẩm và các chi phí khác bằng tiền kiếm được từ công việc bán thời gian của tôi. Chúng tôi thậm chí không thể trả tiền thuê nhà," cô cho biết thêm rằng chồng cô vẫn đang tìm kiếm một công việc mới. Với gia đình gồm 3 người, Isogais được hưởng tổng số 760.000 yen từ TEPCO tương đương khoảng ba tháng lương trung bình của Nhật Bản. "Chủ nhà rất thiện chí khi ông ấy không đòi tiền thuê nhà cho đến mùa hè, nhưng việc này sẽ sớm kết thúc. Tôi không biết sau đó chúng tôi sẽ làm thế nào," cô nói./.
N.A (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục