Người Italy thắt chặt hầu bao trong khủng hoảng kinh tế

Hiện nhiều người Italy đang phải thực hiện triệt để việc chi tiêu tiết kiệm, tránh lãng phí trong khi tình hình suy thoái kinh tế chưa thấy điểm dừng.
Người Italy thắt chặt hầu bao trong khủng hoảng kinh tế ảnh 1Khủng hoảng kinh tế khiến số người thất nghiệp tăng mạnh. (Nguồn: qz.com)

Theo một nghiên cứu mới được công bố bởi nhóm nghiên cứu thị trường Censis hôm 6/12, người Italy ngày càng phải thắt chặt hầu bao vì khủng hoảng kinh tế.

Báo cáo nghiên cứu trên cho biết hiện nhiều người Italy đang phải thực hiện triệt để việc chi tiêu tiết kiệm, tránh lãng phí trong khi tình hình suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua vẫn diễn ra chưa thấy điểm dừng.

Khủng hoảng kinh tế đã mang lại một sự tỉnh táo mới đối với việc chi tiêu ngân quỹ của mỗi cá nhân. 76% số người được hỏi cho rằng họ luôn tìm kiếm hàng giảm giá hoặc khuyến mại tại các siêu thị, 53% số người tiết kiệm chi phí như giảm tiêu thụ nhiên liệu bằng cách hạn chế đi lại bằng ôtô hoặc xe máy. 68% cho biết đã giảm chi tiêu đối với các hoạt động giải trí, trong đó điển hình là đi xem phim tại chiếu rạp và 45% đã phải cắt bớt nhu cầu thưởng thức các món ăn tại các nhà hàng.

Cũng trong báo cáo nghiên cứu cho thấy, số người Italy đã ra nước ngoài tìm kiếm việc làm năm 2012 tăng lên 28,8% so với năm 2011. Báo cáo của Censis được nghiên cứu từ nhiều vấn đề như việc làm, thu nhập, tài chính hộ gia đình cho thấy trong vòng một thập kỷ qua, số người Italy rời đất nước ra nước ngoài đã tăng hơn 2 lần, lên mức 106.000 người so với 50.000. Trong đó có sự gia tăng đặc biệt lớn trong những năm 2011 và 2012, với 1.200 hộ gia đình đã ra nước ngoài. Sự gia tăng đặc biệt này trùng với giai đoạn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất tại Italy trong vòng 20 năm qua và chính sự khủng hoảng kinh tế thời gian qua đã làm gia tăng thất nghiệp, chi phí, giảm bớt kỳ vọng và lạc quan đối với người dân Italy.

Censis cũng chỉ ra rằng trong tổng số những người đã rời Italy có khoảng 72% số người ra đi tìm việc làm và trên một triệu hộ gia đình Italy hiện nay có ít nhất một thành viên đang sống ở nước ngoài. 44% giới trẻ Italy đang sống ở nước ngoài không có kế hoạch quay trở lại đất nước, trong đó gần 25% số người được điều tra cho biết không chắc chắn họ sẽ quay lại Italy hay không.

Về nguyên nhân người Italy quyết định ra nước ngoài, theo điều tra của Censis, gần 55% số người được hỏi cho rằng họ chán nản với những gì họ nhận thấy về hệ thống lao động dựa trên những mối quan hệ cá nhân chứ không phải dựa trên năng lực của mỗi người tại Italy.

Bất ổn kinh tế đang gây ra "lo lắng và bất an" trong nhiều hộ gia đình, báo cáo cho thấy, gần 70% cho biết sức mua của họ đã giảm hẳn trong năm 2013. Khả năng chi tiêu tiêu dùng giảm dẫn đến những triệu chứng "căng thẳng", "mất mát" và "suy yếu sâu sắc" của một quốc gia trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ 5 năm trước. Censis cho biết, góp phần vào tình trạng căng thẳng trên, hơn sáu triệu người Italy hiện phải sống chung với tình trạng việc làm bếp bênh, bao gồm cả những người chỉ có hợp đồng ngắn hạn và thiếu việc để làm.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Italy đã liên tục gia tăng lên đến 12,5% trong những tháng cuối năm 2013, trong khi đó những người thất nghiệp dưới 35 tuổi đã gia tăng với tốc độ cao, trên 40%.

Hiện tại Italy có hơn 4,3 triệu người đang phải tích cực tìm kiếm công việc nhưng vẫn không thể tìm được việc làm, và khoảng 1,6 triệu người đã phải từ bỏ ý định tìm kiếm công việc. Ngoài ra còn có khoảng 14% lao động luôn trong tình trạng lo sợ bị mất việc làm, khoảng 14,3 % lo ngại bị giảm lương và khoảng 24,4% sợ rằng điều kiện tại nơi làm việc sẽ tồi tệ hơn.

Thêm vào đó, sự bi quan được phán ánh rõ qua những số liệu trong báo cáo, bởi Censis nhận đình rằng đa phần các vùng miền của Italy rơi vào tình trạng mong lung, dễ đổ vỡ do tình hình kinh tế khó khăn.

Cùng ngày Ngân hàng Trung ương Italy cũng đưa ra thông báo về gánh nặng thuế của Italy đã tăng lên đến 44 % tổng sản phẩm quốc nội GDP trong năm 2012, so với 42,5% trong năm 2011.

Hiện Italy có mức thuế cao thứ tư trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, tương đương với Phần Lan, và đứng thứ 6 trong Liên minh châu Âu nói chung. Mức thuế cao được nhiều người coi là một yếu tố thể hiện nền kinh tế kém cỏi của Italy trong thập kỷ qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục