"Tướng" xích lô phố cổ

Người "mê" phương tiện …thô sơ ở phố cổ

Gã có mái tóc muối tiêu húi cua rất “ngầu”, nước da nâu sậm, lộ nét dễ bị xúc động ở bầu mắt khiến gã giống một lão nông điền hơn “ông vua xích lô”.
Gã có mái tóc muối tiêu húi cua rất “ngầu”. Nước da nâu sậm, lộ nét dễ bị xúc động ở bầu mắt khiến gã giống một lão nông điền hơn “ông vua xích lô” hay vị giám đốc “người đương thời” của nhiều năm về trước.

Ở tuổi ngoại ngũ tuần, gã “ẵm” giải thưởng quốc tế “Người nghèo vượt khó thành công nhất Việt Nam” - khai sinh ra đội xe xích lô lữ hành du lịch có tên đầu tiên và duy nhất Việt Nam - Xích lô Sans Souci: Không lo âu! Vô tư đi!

Căn gác nhỏ nằm hun hút trong con ngõ Phất Lộc, lọt thỏm giữa 36 phố phường Hà Nội là “đại bản doanh” mà ngày ngày gã điều binh khiển tướng… xích lô.

Với lối kể chuyện có duyên của gã, giọng trầm bổng như một nhà giảng sử, từng trang cuộc đời của một con người kỳ lạ cứ lật lại, bất ngờ…

Nghiệp...độc nhất vô nhị

Không khoe khoang cũng chẳng tỏ vẻ tự hào khi đã tạo dựng nên “nghiệp lớn xích lô” độc nhất vô nhị ở Hà Nội, gã lắc đầu nguầy nguậy: “Nói thật với em, thật ái ngại cho tôi vì báo chí cổ súy ghê quá. Không ông vua xích lô hay cha đẻ xích lô nào cả. Chính xác tôi là Đỗ Anh Thư – chỉ là người mê phương tiện thô sơ".

Chính phong thái bình dị, khiêm tốn và cách xưng hô lãng mạn với phụ nữ “Tôi - Em” khiến gã hấp dẫn bởi nét gì đó “tây tây” và lịch thiệp.

Khi có một sự nghiệp đồ sộ từ một loại phương tiện thô sơ, gã tâm sự: “ nghề đạp xích lô cực nhưng cũng có vinh".

Còn nhớ mùa xuân năm 1999, Sans Souci được chọn là phương tiện chở Thủ tướng Cộng hòa Sec Milos Zecman thăm phố cổ khi ông đến thăm Việt Nam.

Gã kể tiếp về kỷ niệm cuốc xe chở người khách nước ngoài đầu tiên kéo dài tới… tám tháng trời.

Gã chỉ nghĩ, tối đạp xích lô kiếm thêm chút đỉnh thêm “tươi” cuộc sống gia đình. Nhưng cách đây gần chục năm, một cuốc xe kéo dài tám tháng, thù lao từ 2 đến 8 “đô” mỗi ngày quả là điều phi thường với một anh giáo quèn.

Gã xúc động: “Tám tháng chở bà Daniel xin con nuôi ở Việt Nam để lại nhiều kỷ niệm. Nó khiến tôi có cách nhìn thay đổi với du khách ngoại quốc. Mình thật thà nhưng người tây họ rất sòng phẳng. Sau hợp đồng đầu tiên ấy cuộc sống gia đình tôi khá hẳn lên, mọi người bắt đầu bớt khinh chân xế xích lô…”.

Cuốc xe “định mệnh” với bà Daniel mở ra nguồn “mối” khách ngoại quốc cho gã. Tiếng lành đồn xa, gã trở thành địa chỉ tin cậy những gia đình nước ngoài khi đến Hà Nội.

Gã xúc động khi nói về một cặp vợ chồng người Pháp trước khi về nước đã mời gia đình gã ăn tối và tặng một thùng thuốc quí, tiền bán thùng thuốc lúc ấy là cả gia tài với gia đình gã.

Gã hiểu rằng những cuốc xe mà nhiều người nghĩ là hèn mọn nhưng lại "nở" ra tình nghĩa giữa những con người ở những phương trời khác nhau.

Uy tín của gã tăng lên vùn vụt với cánh lái xích lô ở khu phố cổ. Gã được anh em tôn là “sư phụ” nhờ tài “chuyển nhượng” những mối khách “xịn”.

Gã chợt nghĩ: “mình nên đứng ra tụ hợp anh em xích lô thành đội dưới sự điều hành một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ du lịch bằng phương tiện xích lô".

Qua chục năm thành lập, “Đại gia đình” Sans Souci hiện có tới 135 xe với đầy đủ biển số và giấy phép hành nghề. Trong đội, người trẻ nhất khoảng 20 tuổi và già nhất là ngoài 60. Phần lớn mọi người đều gắn bó với mái nhà “không lo âu- vô tư đi” cả chục năm nay. Đặc biệt, có gia đình 5- 7 người đều mưu sinh bằng nghề cầm xế “vô lăng vuông”.

“Tôi quan sát thấy khách nước ngoài họ thích sự an toàn, thân thiện. Tôi đặt tên đội xích lô bằng tiếng Pháp là Sans Souci với ý bày tỏ sự cởi mở, hiếu khách của người Việt Nam. Sans Souci nghĩa là không lo âu, vô tư đi. Hãy ngồi lên chiếc xích lô khám phá Hà Nội, các bạn sẽ cười xênh sang, không còn lo âu...”.

Gã cho rằng: “thế mạnh của xích lô ở phố cổ là lựa chọn hàng đầu của du khách ngoại quốc đến Hà Nội. Vẻ đẹp của phố cổ không thể thiếu bóng chiếc xích lô. Thật tuyệt vời nếu được ngồi trên chiếc "xa lông" di động thong dong thả tầm mắt thưởng ngoạn những con đường, căn nhà rêu phong, nét cổ kính… trên những đoạn phố cổ ngoắt ngoéo dọc ngang.

Và "tham vọng" văn hóa xích lô Việt Nam

“Một ngày như mọi ngày” của gã - vị giám đốc Công ty lữ hành du lịch xích lô Sans Souci - Đỗ Anh Thư có hai việc lớn là học ngoại ngữ và dọn nhà… tập thể thao.

Ở tuổi đã nghễnh ngãng, gã vẫn miệt mài học đủ thứ tiếng trên thế giới. Vốn đã giỏi tiếng Pháp, gã học tiếp tiếng Anh, tiếng Nhật... Trong căn gác hơn 10m2 khắp chốn la liệt sách ngoại ngữ, từ điển dày cả gang tay.

Gã trỏm trẻm: “Chiến đấu với bọn này khổ ải, mất nhiều thời gian lắm. Xưa sính tiếng Pháp, nay thịnh tiếng Anh, tiếng Tàu nên mình phải vắt chân lên cổ học để dạy lại anh em trong đội xe phục vụ khách du lịch.”

Chỉ trong một buổi chiều, tận mắt chứng kiến những cuộc giao dịch với khách hàng đặt xích lô ,chúng tôi “choáng” với tài ngoại ngữ của gã. Vừa y chang ông khách tàu ở khu phố Trung Hoa, thoắt gã đã biến thành ông Việt kiều nói tiếng tây như gió…

Gã bộc bạch: “học sử thời chiến quốc nước Tàu có tích Lưu Bị ba lần đến vườn đào chiêu mộ người tài, tôi mê chữ Nhẫn, nên sự nghiệp cũng nhờ chữ Nhẫn".

Gã là đời thứ sáu trong gia đình gốc Hà Nội nhưng tới năm đời trước các cụ theo tây đánh ta. Có tuổi thơ dữ dội, cha bị đấu tố, gã quyết chí theo nghiệp học hành, tin rằng vì chỉ có học mới giúp con người khá lên.

Vướng “lí lịch” gia đình, bao nhiêu lần được đứng trong tốp danh sách sinh viên được đi tu nghiệp ở nước ngoài thì bấy nhiêu lần gã “rớt” lại.

Không bất mãn, gã đi dạy sử và nghiên cứu phương cách làm kinh tế.

Khi thành phố lên đèn, rũ bỏ bộ đồ thầy giáo, mũ ni bít tai, gã cần mẫn rong ruổi xích lô ở khu phố cổ mời khách tây. Gã tin sẽ làm nên chuyện với phương tiện thô sơ này.

Học thông lịch sử thế giới, gã cũng có chút hiểu biết về văn hóa phương tây. Gã nảy ra ý chào khách bằng tiếng tây và cải tiến chiếc xích lô “bắt mắt”, lịch sự hơn với kiểu xe thời bấy giờ.

Từ đó, vận may bắt đầu mỉm cười với gã. Gã trở thành xế “vô lăng vuông” đắt khách nhất khu phố cổ nhờ tài ngoại ngữ và chiếc xích lô không giống ai.

Thật khó tin, suy nghĩ không thể xoàng hơn: “chỉ cần một cái tên nghe nó thuận miệng, dễ nhớ để mời người đi xích lô là được”- đưa lại cho gã vị trí ông chủ thương hiệu xích lô du lịch độc nhất vô nhị ở Hà Nội và Việt Nam từ hai bàn tay trắng.

Ông chủ thương hiệu xích lô "vô tư đi" nói: "Tôi muốn xây dựng một phong thái phục vụ chuyên nghiệp, hình thành văn hóa riêng cho xích lô Việt Nam trong văn hóa du lịch Hà Nội, khiến du khách thêm hiểu, thêm yêu đất nước và con người Việt Nam"./.
 
Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục