Người nông dân “cõng” vốn lên “khai hóa” vùng biên

Những công trình mọc lên từ đồi hoang, núi đá... mà chủ nhân là "gã" nông dân thất học, từng trải qua nghề rửa bát, chạy xe ôm, phu gạch...
Những năm gần đây, tại 5 xã giáp ranh với biên giới ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) thi thoảng người ta lại chứng kiến những công trình mọc lên từ đồi hoang, núi đá... Lạ thường ở chỗ, chủ nhân của những công trình ấy là một người nông dân thất học, từng làm nghề rửa bát, chạy xe ôm và nấu rượu…

Tuy vậy, bằng sự táo bạo, ông Ngô Xuân Thình, Giám đốc Công ty xây dựng Trường Thịnh ở xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) đã tín chấp nhà ở vay vốn, mua lại từng cỗ máy “ăn” đá cũ, rồi mày mò chế tạo nên dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng, dựng lên hàng chục công trình ở vùng biên.

“Cõng” vốn lên non

Những ngày đầu xuân, chúng tôi đánh xe từ Hà Nội ngược lên cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) tìm gặp ông Thình, người được mệnh danh là “gã liều” của những công trình vùng biên, để nghe kể về hành trình làm giàu trên miền đất khó…

Đường lên miền cao những ngày mưa không dành cho người yếu bóng vía. Một bên là núi, một bên là vực, mây mù đặc quánh khiến người ta có cảm giác đang lơ lửng giữa lưng chừng trời.
 
Vất vả sau hàng trăm kilômét vật lộn trên những con đường ngoằn nghèo, cheo leo bên vách núi, chúng tôi có mặt nơi địa đầu. Bằng cái bắt tay thiện tình, ông Thình niềm nở kể về duyên cớ “cõng” vốn lên non lập nghiệp, “tô sắc” nơi cửa ải.

Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Xuân Trường (Nam Định) chàng trai Ngô Xuân Thình sớm phải đi rửa bát tại các quán ăn với mức lương 70.000 đồng/tháng, rồi đi bốc vác để trang trải cuộc sống gia đình.

Chán nản bởi sự chỉ trỏ của những tay chủ khó tính, Thình quyết định chuyển sang chạy xe ôm, rồi gom hết vốn lãi lên vùng biên dựng lán nuôi lợn, nấu rượu.

Giọng nói vẫn đượm chút run run, ông Thình bồi hồi nói: “Thành thực thì lúc đầu mình cũng ngại, bởi ở đất quê không thoát nghèo thì sao giàu được nơi đất khách. Tuy vậy, cái máu trong người cứ thôi thúc mình phải lên non, liều để hy vọng...”

Ôm mộng nơi đất khách, hàng ngày chỉ có nhúm lá rau rừng lót dạ, song với sự táo bạo, Thình đã “vẽ” giấc mơ thoát nghèo, rồi mạnh dạn tín chấp nhà ở để vay 3 triệu đồng tiền vốn từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Thanh Thủy (Hà Giang) mua một cỗ máy “ăn đá cũ" về tái chế với công suất 15 khối/ngày.
 
Sau một thời gian làm thợ lắp ráp bất đắc dĩ, cố máy “ăn” đá cũng đi vào hoạt động. Phấn khởi vì đã có đồ nghề, ông tìm gặp những người bạn rồi vào các bản thuyết phục người dân tham gia vào đội quân sản xuất nguyên vật liệu mà ông làm chủ, để phát triển nơi đồi núi.

Ý tưởng đưa ra được nhiều người hưởng ứng, rồi cùng ông bắt tay vào sản xuất. Tiếp đó, thấy máy móc hoạt động hiệu quả, ông Thình lại tìm đến ngân hàng chia sẻ nguyện vọng, vay thêm 30 triều đồng để mua thêm 4 cỗ máy “ăn đá cũ" về chế tạo thành dây chuyền sản xuất nguyên vật liệu, phục vụ người dân vùng biên.

Bắt nhịp nhu cầu thị trường, tổ khai thác đá của ông Thình khi đó hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên mãi đến năm 2001 ông mới tiếp tục lập dự án vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất.

Nhận thấy dự án vay vốn có khả thi, ngân hàng tiếp tục cho ông Thình vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, tất cả số vốn ông đầu tư vào mua máy nghiền đá, mỗi máy công suất 20 khối/ngày.

“Ngẫm lại đến giờ tôi cũng chẳng nghĩ mình có thể tạo ra được những 'cỗ máy ăn đá', sản xuất nguyên vật liệu cũng như ‘khai hóa’ mặt bằng ở các xã vùng biên giáp ranh với nước láng giềng Tung Quốc,” ông Thình thành thực.

“Nở hoa” trên núi đá

Năm 2004, sau khi mở rộng quy mô sản xuất, số lượng công nhân từ 7 người ban đầu đã tăng lên hơn 100 người. Để tiện cho việc giao dịch và phát triển sản xuất, ông Thình quyết định thành lập Hợp tác xã Trường Giang với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng.

Sản xuất đá xây dựng gặp thuận lợi, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, do các công trình trên địa bàn diễn ra khá sôi động nên các hoạt động xây dựng cũng được mở rộng như: Xây dựng khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy; làm đường dọc biên giới; xây dựng thủy điện nên nhu cầu sử dụng đá xây dựng rất lớn.

Tận dụng cơ hội trên, ông Thình đã mạnh dạn bỏ vốn mua đất làm mặt bằng nhà xưởng quanh mỏ đá và nâng cấp Hợp tác xã Trường Giang lên Công ty Trách nhiệm hữu hạng Trường Thịnh vào năm 2007 để đáp ứng yêu cầu phát triển của đơn vị.

Theo lời ông Thình, thì thị trường tiêu thụ đá xây dựng năm 2007 rất thuận lợi, trong khi đó 4 giàn máy sản xuất đá của công ty không đủ công suất đáp ứng nhu cầu nên ông quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất đá liên hoàn công suất 70 tấn/ngày.

Nở nụ cười khi nhắc đến bước ngoặt thành công, ông Thình vừa hồ hởi: “Dây chuyền nghiền đá ngày đó gần như chạy 100% công suất, thị trường tiêu thụ cũng thuận lợi nên công ty làm ăn rất khá. Riêng trong năm 2009, doanh thu đã lên đến gần 5 tỷ đồng.”

Chiếm được uy tín, ông Thình tiếp tục tuyển thêm lao đông vào các lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất vật liệu xây dựng; thi công các công trình giao thông, xây dựng; kinh doanh vận tải, trong đó lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng là chủ đạo.

Đề cập đến “bà đỡ” giúp ông “nở hoa” trên núi đá, ông Thình chia sẻ: “Trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ Chi nhánh Agribank Thanh Thủy. Chính đồng vốn của ngân hàng đã giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay.”

Cùng với việc sản xuất đá xây dựng, doanh nghiệp còn khai thác cát xây dựng phục vụ người dân và thi công xây dựng một số công trình giao thông, xây dựng trên địa bàn tỉnh với doanh thụ trên dưới 100 tỷ đồng/năm.

Giờ đây, không những xua đuổi được cái đói, cái nghèo mà ông Giám đốc “liều” còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho khoảng 200 công nhân, trong đó có 60 công nhân đang làm việc tại mỏ đá Thanh Thủy.

Với ông, vay vốn giờ không còn là thế chấp, hay đánh cược với số phận, mà để sinh lời, làm giàu cho gia đình và người dân ở vùng biên của Tổ quốc./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục