Người thuê trọ ở Hà Nội nơm nớp lo sợ sau vụ cháy kinh hoàng tại Trung Kính

Nhiều người dân đang phải loay hoay sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, nằm sâu trong ngõ nhỏ, lo lắng về an toàn phòng cháy chữa cháy sau vụ hỏa hoạn trên phố Trung Kính vừa qua.

Nhiều người dân thuê nhà trọ, chung cư mini ở Thủ đô sâu trong ngõ hẹp cảm thấy bất an sau vụ cháy ở Trung Kính (Cầu giấy, Hà Nội) vừa qua. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nhiều người dân thuê nhà trọ, chung cư mini ở Thủ đô sâu trong ngõ hẹp cảm thấy bất an sau vụ cháy ở Trung Kính (Cầu giấy, Hà Nội) vừa qua. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Sau vụ cháy khiến 14 người tử vong tại nhà trọ nằm sâu trong ngõ 119 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều sinh viên và người lao động đang ở trọ tại Thủ đô sống trong cảnh lo lắng vì nhà thuê cũng nằm trong ngõ ngách sâu và không có lối thoát nạn thứ hai.

"Mục sở thị" phòng trọ chật hẹp, nằm sâu trong ngõ nhỏ

Tại Hà Nội, không khó để tìm thấy những khu trọ nằm sâu các con ngõ ngoằn ngoèo, chật hẹp. Nằm sâu trong các con ngõ nhỏ tại Triều Khúc (Thanh Trì), Phùng Khoang (Thanh Xuân) là nơi tập trung nhiều nhà trọ cho sinh viên và người lao động thuê vì giá thành phải chăng và gần nhiều các trường đại học.

Sau vụ cháy, Thùy Trang - sinh viên năm cuối trường Đại học Hà Nội cảm thấy bất an khi nhà trọ mình nằm sâu trong ngõ 73 Phùng Khoang. Con ngõ nhỏ hẹp chỉ vừa hai xe máy tránh nhau, thậm chí khu vực cuối ngõ nơi Trang đang thuê trọ, hai xe máy tránh nhau cũng khó khăn.

“Hiện tại, nơi em đang thuê trọ chủ nhà đã trang bị đầy đủ bình chữa cháy cho từng tầng, tuy nhiên lối vào nhà nhỏ như vậy nếu có hỏa hoạn xảy ra sẽ rất khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn,” Trang nói.

Hiện Trang đang ở cùng với hai nữa trong căn phòng trọ rộng khoảng 18m2 với giá thuê 2,8 triệu đồng. Sau vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Trang cùng các bạn lo lắng nhưng thời điểm hiện tại họ không có lựa chọn nào khác vì nhà trọ phù hợp với giá tiền và thuận tiện cho việc đi lại học tập và làm việc.

Trần Hồng Phước, sinh viên năm hai trường Đại học Thủy Lợi, vì hoàn cảnh kinh tế ra đình khó khăn và muốn san sẻ tiền phòng với bạn để cả 2 cùng đỡ chi phí nên đã thuê nhà số 6 ngách 11 ngõ 196 đường Cầu Giấy. “Bất khả kháng em mới thuê trọ ở đây, chứ không muốn ở nơi chật chội và bí bách như thế này,” Phước tâm sự.

Cùng tâm lý như Trang, Phước cũng bất an nếu có tình huống xảy ra cháy khi phòng mình ở ngay tầng 1 nhưng trước cửa phòng là toàn bộ xe máy của những người thuê trọ trong nhà và đó cũng chính là lối thoát hiểm duy nhất của căn phòng này.

vnp_2.JPG
Phước ở căn phòng trọ chật hẹp tại tầng 1 trong tòa nhà, có lối thoát nạn duy nhất là cửa ra vào, nơi để hàng chục chiếc xe máy của toàn bộ người thuê trọ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Mới chuyển đến đây chừng 4 tháng nên Phước cũng không muốn chuyển nhà thêm lần nữa vì chưa hết hợp đồng. Cậu sinh viên năm hai băn khoăn về việc tiếp tục chuyển trọ thì phá vỡ hợp đồng lại phải bồi thường chi phí vài triệu đồng bằng cả 2 tháng tiền ăn nên đã lựa chọn ở lại.

Hiện tại, chủ nhà cũng đã trang bị thêm những bình cầu chữa cháy tự động tại khu vực để xe, mở thêm lối thoát hiểm tại cửa sổ các tầng trên để phần nào ‘níu chân’ khách thuê trọ.

Nhịn ăn sáng để mua thang dây thoát hiểm

Căn phòng thuê trọ nằm giữa ngõ 107 đường Nguyễn Chí Thanh hiện là nơi ở của Thu Phương, sinh viên năm cuối trường Học viện Báo chí và tuyên truyền. Do lo sợ sẽ khó thoát thân nếu có cháy xảy ra ở phòng trọ cũ trên Cầu Giấy nên Phương và bạn đã chuyển tới căn phòng hiện tại có không gian thoáng hơn.

Hiện tại, căn phòng rộng khoảng 30m2 có ban công thoáng nhưng 6 người đang ở chung trên tầng 5, nên ai cũng chuẩn bị phương án để thoát hiểm. Như Quỳnh, bạn cùng phòng của Phương chia sẻ: “Chúng em phải nhịn ăn sáng nửa tháng trời để mua thang dây thoát hiểm, có nhiều loại nhưng em lựa chọn loại đắt tiền để cảm thấy yên tâm về chất lượng.”

Sau giờ làm việc buổi chiều, mỗi người trong phòng lại phải chia nhau giờ nấu cơm vì lo sợ nếu dùng nhiều thiết bị điện cùng một lúc sẽ dễ xảy ra chập cháy.

vnp_1.jpg
Các thành viên trong phòng trọ của Thu Phương chia nhau giờ nấu cơm để tránh sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bám trụ tại Thủ đô được 5 năm và chuyển nhà trọ vài lần, chị Nguyễn Minh Phương (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng nơm nớp lo lắng bởi thời gian qua những vụ hỏa hoạn nhà trọ, chung cư mini khiến nhiều người thiệt mạng.

Vì vậy, ngoài tham khảo những kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi có sự cố cháy nổ trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị Phương thường xuyên ngắt nguồn điện trước khi rời khỏi nhà, để ý đến khu vực bố trí bình cứu hỏa, thang bộ và các vị trí có thể thoát hiểm.

“Sau các vụ cháy làm nhiều người tử vong vừa qua, chủ nhà trọ đã tháo bớt ốc vít kiên cố của khung sắt cửa sổ, chỉ để lại 1-2 con ốc nhằm đề phòng trường hợp có cháy xảy ra có thể dùng sức tháo bung cửa để thoát ra ngoài,” chị Phương chia sẻ.

Tâm lý lo sợ sẽ không thoát khỏi đám cháy là nỗi niềm chung của nhiều người thuê trọ trên địa bàn Thủ đô sau hồi chuông báo động từ vụ cháy kinh hoàng tại Trung Kính đêm 24/5 vừa qua. Bởi vậy, mỗi người dân cần chủ động chuẩn bị cho mình những phương án thoát nạn an toàn theo khuyến cáo của cơ quan công an nếu xảy ra sự cố cháy, nổ./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục