Được đánh giá là khu vực có cảnh quan tuyệt đẹp ở vùng ven thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng thời gian gần đây, thắng cảnh hồ Đankia-Suối Vàng liên tục bị xâm hại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan tự nhiên và cả nguồn cung cấp nước cho thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Khảo sát tại khu vực thượng nguồn hồ Đankia, đoạn giáp với tổ dân phố Đankia, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), ngày 22/3, phóng viên dễ dàng nhận thấy nhiều khu vườn sản xuất nông nghiệp đã lấn hẳn ra lòng hồ. Có đoạn người dân còn tự ý xây dựng một con đường chặn ngang một nhánh hồ để chuyên chở nông sản giữa các khu vườn rau hoa.
Tình hình khô hạn khiến lượng nước hồ Đankia sụt giảm cũng là thời điểm nhiều người dân tận dụng để san gạt, lấn đất ra phạm vi lòng hồ. Có nơi, người dân còn dùng cả máy xúc, xe tải cỡ lớn để san ủi đất trên đồi càphê xuống mép hồ.
Tại một nhánh hồ gần khu vực nhà máy nước Đakia-Suối Vàng, phóng viên chứng kiến nhiều máy múc, máy ủi, xe tải đang san gạt đất đồi càphê xuống lòng hồ Đankia. Khu đất này cao hơn mực nước gần 2m, phía ngoài giáp mép nước được gia cố chắc chắn bằng một lớp đá khá lớn.
Ông Hoàng Văn Hãnh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Lạc Dương thừa nhận: "Ngoài các mảnh vườn đã hình thành trước đó, vị trí đang được san ủi này do người dân san lấp trái phép xuống phạm vi lòng hồ Đankia. Tuy nhiên, diện tích bị lấn chiếm là bao nhiêu còn phải tiến hành đo đạc cụ thể mới xác định được."
Cũng trong nhánh hồ này, cách vị trí trên khoảng vài trăm mét, một vườn trồng rau mới tinh được hình thành trên lòng hồ. Mảnh vườn khá bằng phẳng, cao hơn mặt nước khoảng 2m, lấn ra hồ vào khoảng 4-5m và được chủ vườn rào chắn bằng lưới thép B40.
“Khi phát hiện người dân san ủi trái phép tại vị trí này, cơ quan chức năng lập biên bản và đình chỉ từ tháng Chín năm ngoái với diện tích khoảng vài trăm mét vuông,” ông Hãnh cho hay.
Theo quan sát, ngoài những vị trí xâm lấn mới, nhiều khu vườn trồng rau, hoa cũng được hình thành trên lòng hồ Đankia từ lâu. Các vườn này chủ yếu hình thành tại khu vực những nhánh hồ tiếp giáp với các ngọn đồi trồng cây càphê dọc theo địa phận tổ dân phố Đankia. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương Phạm Triều, cho rằng: "Các điểm người dân san bạt, ủi đất làm vườn đều nằm ngoài phạm vi lòng hồ Đankia và đất đã được cấp sổ."
Tuy nhiên, khi chúng phóng viên cho ông xem lại hình ảnh ghi được cảnh san ủi tại khu vực nhánh hồ giáp tổ dân phố Đankia, ông Triều thừa nhận vị trí này còn khá mới nên chưa nắm rõ.
Ngoài việc bị người dân lấn chiếm lấy đất làm vườn, hồ Đankia còn bị uy hiếp bởi nguy cơ bồi lắng từ việc san ủi đất và ô nhiễm do các nguồn rác thải trong sản xuất nông nghiệp ở thượng nguồn trôi về, trong đó, đáng ngại nhất vẫn là hoạt động san lấp đất tràn lan và rác thải nông nghiệp trôi về lòng hồ, đặc biệt trong mùa mưa gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nước của hồ Đankia.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng Võ Quang Tuân thừa nhận, trên thực tế, lượng nước của hồ Đankia đã giảm hàng triệu mét khối so với trước đây do ảnh hưởng của tình trạng san lấp, khai phá đất đai của người dân. “Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ những khu vực sản xuất rau, hoa trên thượng nguồn,” ông Tuân nói.
Hồ Đankia-Suối Vàng gồm có hai hồ hợp thành là hồ Đankia và hồ Suối Vàng (hay còn gọi là hồ Ankoret), trong đó, hồ Đankia ở trên thượng lưu, giáp với khu vực thị trấn Lạc Dương, có dung tích khoảng 20 triệu mét khối nước.
Hồ Đankia-Suối Vàng là nguồn cung cấp nước chính cho Nhà máy nước Đankia-Suối Vàng và Nhà máy Đankia 2 xử lý cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Việc các cơ quan chức năng không quyết liệt trong việc quản lý khu vực hồ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp nguồn nước sinh hoạt cũng như khả năng nguồn nước này bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp là rất cao./.