Khu vực phía Bắc và Tây Nguyên:

Nguồn vật liệu san lấp cơ bản đáp ứng đủ cho các dự án giao thông

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông qua "cơ chế đặc thù" về cấp phép khai thác khoáng sản, khu vực phía Bắc và Tây Nguyên cơ bản đã đáp ứng đủ vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm giao thông.

Một đoạn cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Một đoạn cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngày 9/1, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết với việc áp dụng các cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, rút ngắn thời gian khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp để cung cấp cho các dự án trọng điểm giao thông, hệ thống đường bộ cao tốc, đến nay, các khu vực phía Bắc và Tây Nguyên cơ bản đã đáp ứng đủ nguồn vật liệu cho các dự án.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã giao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay 9,1 triệu m3 cát đắp để thực hiện các dự án cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau.

Hiệu quả nhờ cơ chế đặc thù

Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Trường Giang cho hay theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ phấn đấu có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt các dự án trong thời gian qua đã dẫn đến khan hiếm nguồn cung do các mỏ vật liệu khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều “cơ chế đặc thù” liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục cấp phép, khai thác mỏ,… để cung cấp vật liệu cho các dự án trọng điểm.

Theo đó, trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn các địa phương có dự án đi qua và nằm trong hồ sơ dự án, về quy trình, thủ tục đăng ký khối lượng, khu vực khai thác mỏ theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về "Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội;" công văn hướng dẫn các địa phương được Quốc hội cho phép áp dụng các “cơ chế đặc thù” triển khai hệ thống đường bộ cao tốc nhằm rút ngắn thời gian, có thể khai thác ngay vật liệu cung cấp cho dự án.

Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có công văn hướng dẫn các địa phương khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án xây dựng công trình đường cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù; trả lời các địa phương về các vướng mắc trong quá trình triển khai việc cung cấp vật liệu.

“Các văn bản nêu trên cơ bản đã làm rõ về quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ, vấn đề bảo vệ môi trường, đất đai, xác định các nghĩa vụ liên quan trong quá trình khai thác vật liệu cung cấp cho dự án,” ông Giang nhấn mạnh.

vnp-san-lap-6116.png
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đến nay, qua thống kê theo dõi, Cục Khoáng sản Việt Nam ghi nhận các khu vực phía Bắc và Tây Nguyên cơ bản đáp ứng vật liệu cho các dự án.

Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp, triển khai các dự án. Trước mắt, Chính phủ đã giao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau với khối lượng 9,1 triệu m3 của năm 2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã làm việc với các địa phương về vấn đề điều phối.

Nêu thực tế từ địa phương triển khai cơ chế đặc thù, ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết trong tháng 12/2023, tỉnh này đã bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát sông cho 4 nhà thầu thi công thực hiện 4 gói thầu để lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác, phục vụ Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Về cát biển, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ, thăm dò, khảo sát, thực nghiệm đánh giá cát biển khu vực biển Trần Đề. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển giao cho địa phương kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1: Cấp 333 + cấp 222 đạt hơn 680 triệu m3; trong đó cấp 222 với 145 triệu m3 có thể khai thác được ngay để phục vụ đường cao tốc.

Đảm bảo việc khai thác cát sớm nhất

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cũng lưu ý đối với việc khai thác cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, địa phương này chưa có tiền lệ trong việc cấp phép, quản lý đối với khai thác cát biển.

Do vậy, ngày 31/12/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ, hướng dẫn về trình tự thủ tục, hồ sơ nhằm đảm bảo việc khai thác cát trong thời gian sớm nhất và đúng quy định, an toàn. “Đây là nguồn tài nguyên quốc gia, tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc khai thác khi hồ sơ, cơ sở pháp lý cho việc khai thác được đảm bảo,” ông Nam nhấn mạnh.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng đã đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tỉnh này và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện công tác quan trắc, giám sát về môi trường, nguy cơ sạt lở do khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật khi đưa vào hoạt động các khu mỏ mới phục vụ riêng cho dự án cao tốc.

vnp-vat-lieu-8662.png
Cục Khoáng sản Việt Nam đề xuất quy định riêng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện cơ quan này cho biết cùng với việc thực hiện dự án điều tra tài nguyên cát biển để phục vụ các dự án công trình giao thông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Khoáng sản Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản 1 điều quy định riêng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Theo đó, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã làm rõ khái niệm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (bao gồm cả các loại đất đồi, đất san lấp, đất đá bóc của mỏ,...) đồng thời đề xuất Chính phủ quy định việc khai thác, sử dụng đối với các loại khoáng sản này theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, phù hợp với loại hình khoáng sản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Trong khi chờ Luật Địa chất và Khoáng sản được thông qua, để tháo gỡ vướng mắc đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và triển khai các nghị quyết của Quốc hội về “áp dụng cơ chế đặc thù,” Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Khoáng sản, cũng đã bổ sung quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình, dự án quan trọng Quốc gia./.

Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định về việc áp dụng cơ chế đặc thù:

Trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục