Nguy cơ các nước vùng Vịnh phải gánh chịu những hệ lụy phức tạp

Đúng như những nhà lãnh đạo vùng Vịnh lo ngại, quyết định của ông Trump rút quân khỏi Syria cho thấy điều ông nhiều lần khẳng định “thế giới là một nơi nguy hiểm,” chưa bao giờ đúng đến như thế.
Nguy cơ các nước vùng Vịnh phải gánh chịu những hệ lụy phức tạp ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân gặp gỡ các binh sỹ Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, đúng như những nhà lãnh đạo vùng Vịnh lo ngại, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi Syria và (có thể là cả) Afghanistan cho thấy điều mà ông nhiều lần khẳng định rằng “thế giới là một nơi nguy hiểm,” chưa bao giờ đúng đến như thế.

Kế hoạch rút quân được đưa ra cùng lúc với việc Trump hoan nghênh ý định của Saudi Arabia trong việc bỏ tiền tái thiết Syria, những động thái phản ánh thực tế ông không mấy mặn mà với các lợi ích địa chính trị tại Trung Đông, khiến vấn đề căn bản mà Mỹ, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cùng quan tâm chỉ còn là Iran và tiến trình hòa bình mong manh tại Afghanistan.

Nếu sự do dự của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc ủng hộ mạnh mẽ các nhà lãnh đạo Arập trong cuộc nổi dậy năm 2011, dẫn tới sự sụp đổ của các chế độ tại Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen, là gốc rễ nguyên nhân dẫn tới thái độ cương quyết hơn về sau này của giới cầm quyền Riyadh và Abu Dhabi, thì hành động của Trump lại khiến mọi chuyện trở nên rất khó đoán định.

Điều tương tự cũng diễn ra với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người có vẻ như đã thuyết phục được nhà lãnh đạo Mỹ kiềm chế việc công bố kế hoạch hòa bình Israel-Palestine tới sau các cuộc bầu cử sớm vào ngày 9/4 tới do lo ngại nội dung này có thể không có lợi cho nhà nước Do Thái như kỳ vọng.

Mặc dù Tổng thống Trump cho rằng Jerusalem là thủ đô của Israel, song có nguồn tin cho biết kế hoạch nói trên lại coi thành phố này là thủ đô của cả người Do Thái và nhà nước Palestine.

Những lộ trình rút quân và kế hoạch hòa bình càng "đổ thêm dầu vào ngọn lửa lo ngại" của giới lãnh đạo Trung Đông, nhất là tại vùng Vịnh, rằng họ đang bị bỏ rơi, không còn đồng minh nào đủ tin cậy sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của họ vô điều kiện và họ cũng sẽ không thể tìm thấy ai để thay thế Mỹ.

Việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố từ chức càng khoét sâu thêm cuộc khủng hoảng mà các nhà lãnh đạo vùng Vịnh phải đối mặt.

Sự ra đi của Mattis đồng nghĩa với việc mất đi nhân tố đối thoại then chốt tại Bộ Quốc phòng, cơ quan nội các mà các nước vùng Vịnh thường xuyên phối hợp. Điều này cũng có nghĩa là sẽ không còn một quan chức cấp cao luôn nhìn nhận các thực tế chiến lược tại Trung Đông khá tương đồng với quan điểm các nước khu vực.

Học giả Trung Đông Hussein Ibish cho rằng việc Mattis từ chức vì mâu thuẫn trong vấn đề chính sách với Tổng thống không được các nước Arab vùng Vịnh xem là tín hiệu tốt đối với những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới tại Washington.

Những quyết định của Trump về Syria và Afghanistan càng củng cố thực tế rằng Tổng thống Trump là người khó đoán và không khả tín.

[Chiến trường Syria có thay đổi gì sau khi Mỹ rút quân?]

Châu Âu, Nga và Trung Quốc có những điều mà Mỹ có thể đem lại cho vùng Vịnh song lại không đủ khả năng hoặc quan tâm tới việc thay thế Mỹ trở thành “người bảo hộ” cho các quốc gia này như cách mà Tổng thống Trump từng dự định làm khi mới bắt đầu nhiệm kỳ.

Saudi Arabia và UAE đã có những bất đồng căn bản về vấn đề Iran với các cường quốc châu Âu, Nga và Trung Quốc vốn phản đối các đòn trừng phạt mà Mỹ áp đặt và muốn duy trì thỏa thuận quốc tế được ký năm 2015.

Các nước này cũng không ủng hộ chiến dịch cô lập ngoại giao và kinh tế Qatar mà Saudi Arabia và UAE dẫn đầu kéo dài trong suốt 18 tháng, đồng thời kêu gọi nhanh chóng thúc đẩy giải pháp xử lý khủng hoảng.

Hơn thế nữa, Nga dù muốn bán vũ khí cho vùng Vịnh, những “nhà tiêu dùng” hàng đầu thế giới, tận dụng khoảng trống mà chính sách của Mỹ để lại, đồng thời khai thác vị thế có được là một nhà sản xuất dầu mỏ nằm ngoài OPEC trong việc tác động tới các nỗ lực của vùng Vịnh để kiểm soát sản lượng và giá dầu trên thị trường thế giới, song lại không muốn “thừa kế” chiếc ô quốc phòng mà Mỹ để lại trong khu vực.

Chuyên gia năng lượng và các vấn đề về Nga Li-Chen Sim nói: “Vùng Vịnh không phải là trọng tâm chính sách đối ngoại của Nga… Tôi không nghĩ là Nga sẽ tận dụng những vấn đề giữa Saudi Arabia và Mỹ để đóng một vai trò an ninh lớn hơn.”

Cũng tương tự như vậy, Trung Quốc không có khả năng hay ý định thay thế Mỹ tại vùng Vịnh. Trái lại, Trung Quốc muốn hưởng lợi từ sự bảo đảm của Mỹ đối với khu vực. Nhìn vào những gì đang diễn ra trong các dự án tại khu vực Âu-Á trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường,” người ta có thể thấy sự ủng hộ của Trung Quốc không bao giờ là vô tư và vô điều kiện. Điều này cũng đúng với châu Âu.

Không chỉ có vậy, Tổng thống Trump đã khiến giới lãnh đạo vùng Vịnh thêm khó hiểu khi ông viết trên Twitter rằng rất đồng tình với việc Saudi Arabia “thay Mỹ”… “đầu tư số tiền cần thiết để tái thiết Syria.”

Riyadh chưa có bình luận trong khi không ai rõ ý Tổng thống Trump thực chất đang ám chỉ điều gì. Tháng 10/2018, ngay sau vụ bê bối liên quan tới nhà báo Jamal Khashoggi, Saudi Arabia đã chuyển cho Mỹ số tiền 100 triệu USD để hỗ trợ ổn định nhiều vùng lãnh thổ tại Syria.

Khoảng trống mà Tổng thống Trump để lại với những dự định của mình có nguy cơ khiến các nước vùng Vịnh càng thêm cứng rắn và rất dễ dẫn đến những hệ lụy phức tạp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục