Nguy cơ đàm phán hậu Brexit sụp đổ trước khi bắt đầu

Cuộc thảo luận của EU sẽ tiếp tục để các bộ trưởng ký vào ngày 25/2, cho phép các cuộc đàm phán với Anh bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 3/2020.
Nguy cơ đàm phán hậu Brexit sụp đổ trước khi bắt đầu ảnh 1Lễ hạ quốc kỳ Anh tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ tối 31/1, thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo theguardian.com, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cố gắng hết sức lần cuối để thống nhất một lập trường đàm phán cứng rắn hơn của Liên minh châu Âu (EU) với Anh về mối quan hệ hậu Brexit (việc Anh rời khỏi EU) mặc dù các quốc gia thành viên khác lo ngại nguy cơ đàm phán sẽ bị phá hỏng trước khi bắt đầu.

Việc đưa ra quyết định nội bộ cuối cùng đối với cái gọi là đòi hỏi của EU về sân chơi bình đẳng đã bị trì hoãn do Chính phủ Pháp tiếp tục thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ hơn về ràng buộc pháp lý, đổi lại việc duy trì thương mại tự do theo yêu cầu của Anh.

Trong những ngày gần đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rõ rằng ông từ chối ý tưởng Anh sẽ theo các quy tắc của EU sau giai đoạn chuyển tiếp, rằng ông không tìm kiếm quy chế để hàng hóa Anh không phải chịu kiểm tra hải quan tại các cửa khẩu biên giới.

Các nguồn tin EU cho biết một số quốc gia thành viên lo ngại con đường đi đến đàm phán có thể khép lại ngay cả trước khi hai bên ngồi lại thảo luận với nhau vào tuần đầu tiên của tháng 3 tới. "Bạn cần không gian để tìm điểm tương đồng," một nhà ngoại giao nói.

[Quan chức Anh nêu quan điểm về đàm phán thương mại với EU]

Lập trường đàm phán dự thảo ban đầu của EU, do Trưởng đoàn đàm phán của khối là ông Michel Barnier soạn thảo, cách đây 2 tuần, đã kêu gọi Vương quốc Anh không hạ thấp các tiêu chuẩn hiện nay về môi trường, xã hội và các quyền của người lao động và ngang hàng với các tiêu chuẩn của EU về viện trợ nhà nước và các quy tắc cạnh tranh khi họ phát triển.

Tuy nhiên, Pháp đã thẳng thắn bày tỏ lập trường của họ, mặc dù không hoàn toàn bị cô lập giữa 27 quốc gia thành viên, khi yêu cầu bổ sung thêm những cam kết "có nhiều tham vọng" vào dự thảo thỏa thuận, coi đó là một điều kiện cho Chính phủ Anh trong bất kỳ hiệp ước nào trong tương lai.

Cụ thể, có một sự lo ngại rằng những nỗ lực của EU nhằm tăng các tiêu chuẩn về môi trường sẽ bị cản trở nếu có nguy cơ các công ty Anh sẽ không thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ với giá rẻ hơn các công ty của EU trong một thập kỷ tới hoặc lâu hơn.

"Hiện tại, Pháp không nhắc đến cụm từ 'liên kết năng động' trong các cuộc thảo luận nhưng có đề cập sự cần thiết phải có những cam kết rõ ràng và tham vọng hơn," một nguồn tin EU từ cuộc thảo luận nội bộ mới nhất cho biết.

"Văn kiện có thể sẽ đi xa hơn nữa theo cách đó. Vấn đề là, đây là một cuộc đàm phán và chúng tôi không muốn khép lại ở giai đoạn này."

Ông Johnson cho biết Vương quốc Anh sẽ không tuân theo các quy định của EU như cái giá để đổi lấy một hiệp định thương mại tự do, và nếu EU nhất quyết yêu cầu, Chính phủ Anh sẽ giải quyết vấn đề thương mại theo các tiêu chuẩn của WTO, bao gồm thuế quan và hạn ngạch số lượng đối với hàng hóa đi qua Eo biển Manche.

Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố công khai về sự cần thiết phải đảm bảo Anh không có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.

Đại sứ Pháp tại EU, trong một cuộc họp kéo dài 3 giờ vào tối 12/2, diễn ra sau phiên họp kéo dài 8 tiếng giữa các nhà ngoại giao EU hồi đầu tuần, đã nhấn mạnh rằng không nên để Vương quốc Anh "hiểu lầm" về sự cần thiết phải duy trì các tiêu chuẩn ở cấp độ EU.

Dự thảo về lập trường đàm phán mới nhất hiện đang được lưu hành nội bộ trong các quốc gia thành viên EU nhưng không có phần nhạy cảm và gây tranh cãi nhất về viện trợ nhà nước và các quy định về môi trường, xã hội và người lao động.

Cuộc thảo luận của EU sẽ tiếp tục để các bộ trưởng ký vào ngày 25/2, cho phép các cuộc đàm phán với Anh bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 3/2020.

"Chúng tôi hiểu rằng việc này cần được thực hiện nhanh chóng để duy trì lòng tin với đối tác đàm phán của chúng tôi," một nhà ngoại giao nói.

Những bổ sung vào dự thảo ban đầu của Ủy ban châu Âu, đã bao gồm các cam kết "sân chơi bình đẳng," nên ngăn chặn những lợi thế cạnh tranh không công bằng "theo thời gian để đảm bảo một mối quan hệ bền vững và lâu dài."

Về quyền đánh bắt cá ở vùng biển của Anh, dự thảo nói rằng hai bên cũng nên "duy trì" các điều kiện ra vào thị trường của nhau hiện nay thay vì chỉ đơn thuần "bổ sung" các điều khoản hiện có về chính sách ngư nghiệp chung.

Vương quốc Anh sẽ vẫn ở trong thị trường đơn nhất và liên minh hải quan cho đến cuối năm 2020, sau thời điểm đó Chính phủ Anh chấp nhận sẽ có kiểm tra và kiểm soát tại các đường biên giới với EU.

Một nguồn tin Chính phủ Anh cho biết: "Một thời gian dài EU nói với chúng tôi rằng họ ngạc nhiên khi chúng tôi không có 'tham vọng' hơn và giờ đây họ nói rằng chúng tôi đang tìm kiếm quá nhiều. Lúc này, EU - những người đang chọn thời cơ thuận lợi nhất - đang gợi ý chúng tôi nên có tham vọng với những điều chỉ có lợi cho họ và bổ sung thêm các nghĩa vụ vượt ra ngoài một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn. Chúng tôi đã nói rõ ràng và nhất quán về những gì chúng tôi muốn, không phải là một FTA đặc biệt, mà là tương tự như FTA mà EU đã ký với Canada"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục