Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do quy định chống dịch thiếu đồng nhất

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì sự siết chặt trong thực hiện Chỉ thị 16, đặc biệt là xác nhận giấy xét nghiệm ở từng địa phương, chưa kể chi phí phát sinh khi test COVID-19 cho người lao động.
Các doanh nghiệp may đang bị ảnh hưởng rất nhiều vì dịch COVID-19. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Các doanh nghiệp may đang bị ảnh hưởng rất nhiều vì dịch COVID-19. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thời gian qua, mặc dù Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn về xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa, song ở nhiều tỉnh, thành phố đang có những cách làm không đồng nhất khiến cho việc vận chuyển hàng hóa gặp khó, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang hiện đang đẩy nhanh tiến độ để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Thế nhưng đến nay, công ty này đã phải xin gia hạn giao hàng đến một tháng vì phải tạm dừng hoạt động gần 3 tuần để phòng chống dịch COVID-19.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang cho biết, nguy cơ tiếp tục trả đơn hàng chậm, thậm chí hủy đơn hàng vẫn có thể xảy ra.

Lý do là vừa qua, ngày 24/7, công ty cần 8 xe container để chở hàng xuất và nhập khẩu đi về giữa Bắc Giang-Hải Phòng nhưng phía đối tác vận tải chỉ thu xếp được 5 xe do khó khăn về thủ tục khi qua các chốt kiểm dịch tại tỉnh Hải Dương.

Theo đại diện Công ty Bình Minh - đối tác của May Bắc Giang, từ ngày 20/7, khi tỉnh Hải Dương thực hiện Công điện số 03/CĐ-UBND đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và lập các chốt kiểm soát, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn liên quan đến giấy xét nghiệm.

Cụ thể, từ 0 giờ ngày 20/7, tỉnh Hải Dương yêu cầu người vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính SAR-CoV-2 có hiệu lực trong 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu), nếu không phải thực hiện test nhanh kháng nguyên tại chốt, âm tính mới được vào tỉnh.

Trong khi đó, doanh nghiệp này ở Hải Phòng và khi làm xét nghiệm PCR cho tài xế thường phải mất 2 ngày kể từ khi lấy mẫu mới có kết quả.

Như vậy, tài xế chỉ có một ngày chạy xe container từ Hải Phòng qua Hải Dương để sang các nhà máy tại Bắc Giang, Thái Nguyên, tương đương với một chuyến xe/ngày.

Rõ ràng, hiệu quả kinh tế rất thấp khi chi phí xét nhiệm lên tới 720.000 đồng/lần xét nghiệm PCR. Do đó, doanh nghiệp đã chọn làm xét nghiệm nhanh cho tài xế với mức phí chỉ hơn 200.000 đồng/lần.

Tuy nhiên, các chốt tại Hải Dương lại có cách làm khác nhau. Chẳng hạn, trong ngày 24/7, tại chốt Tiền Trung (từ Quốc lộ 5 cũ sang Quốc lộ 37 đi Bắc Giang) yêu cầu kết quả xét nghiệm nhanh chỉ có hiệu lực trong ngày, trong khi tại chốt Phả Lại chấp nhận kết quả này trong vòng 24 giờ.

Cũng tại chốt Tiền Trung, những ngày trước vẫn chấp nhận kết quả xét nhiệm nhanh trong vòng 24 giờ.

[Giãn cách xã hội ở Hà Nội: Doanh nghiệp đang 'rối như tơ vò']

Tại Nam Định, chấp nhận kết quả này trong vòng 48 giờ, trong khi đó, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế tại Công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021, kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có hiệu lực trong 72 giờ kể từ khi lấy mẫu, đại diện Công ty Bình Minh thông tin.

Đây cũng là tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải gặp phải khi đi qua các chốt tại Hải Dương.

Việc áp dụng quy định chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, làm gia tăng chi phí.

Các doanh nghiệp cho rằng, cần sớm thống nhất cách làm giữa các tỉnh nằm trong cung đường vận tải hàng hóa từ nhà máy đến cảng.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5753/BYT-MT, hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 chỉ trong 72 giờ nên các địa phương cần quy định rõ thời gian trả kết quả, ưu tiên trả sớm cho tài xế vận tải hàng hóa và áp dụng thống nhất việc này.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Bắc Giang Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, để xét nghiệm cho 3.000 công nhân mỗi tuần một lần theo phương pháp PCR, công ty đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đến lấy mẫu chiều tối ngày hôm trước và trả kết quả vào đầu giờ sáng hôm sau.

Do là mẫu gộp nên công ty đề nghị đơn vị lấy mẫu tách riêng kết quả xét nghiệm của những người thường xuyên đi lại như tài xế. Như vậy, chỉ mất khoảng nửa ngày đã nhận được kết quả.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp may đang bị ảnh hưởng rất nhiều vì dịch, họ phải cõng trên lưng hàng trăm, hàng nghìn lao động, lo lắng đời sống cho người lao động, lại phát sinh hàng loạt chi phí...

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì sự siết chặt trong thực hiện Chỉ thị 16, đặc biệt xác nhận giấy xét nghiệm ở mỗi nơi mỗi khác, nơi thì cho qua nơi không cho qua, chưa kể chi phí phát sinh khi test COVID-19 cho người lao động, các cơ sở có chức năng test nhanh thì thiếu, thông báo thực hiện Chỉ thị 16 chỉ ban hành trong vòng 24h đồng hồ... Những yếu tố này khiến doanh nghiệp không thể xoay sở được...

“Khả năng chậm trễ và bồi thường đơn hàng giao không kịp là khó tránh khỏi, bên cạnh đó, sẽ tạo ra tâm lý lo sợ, khách hàng sẽ đi tìm thị trường mới, thiệt hại là không thể đo lường nổi...,” đại diện Hiệp hội nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục