Nguy cơ rò rỉ kho dữ liệu cá nhân của an ninh Mỹ

Thu thập khối lượng lớn dữ liệu và lưu trữ chúng trong một thời gian dài có thể khiến các thông tin này bị sử dụng sai mục đích.
Việc các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ thu thập khối lượng lớn dữ liệu của người dân và lưu trữ chúng trong một thời gian dài có thể khiến các thông tin này bị sử dụng sai mục đích cũng như gây tắc nghẽn các cơ sở dữ liệu của chính phủ.

Đây là cảnh báo trong báo cáo của Trung tâm Tư pháp Brennan, thuộc Đại học New York, công bố ngày 8/10, mang lại một cái nhìn toàn diện về những cách thức mà các thông tin cá nhân của công dân Mỹ được thu thập, lưu trữ và chia sẻ.

Báo cáo của Trung tâm Brennan đã chỉ ra những sai sót trong các chính sách của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) khi cơ quan này tăng cường hoạt động thu thập và chia sẻ thông tin cá nhân của người dân Mỹ kể từ sau các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

Theo bản báo cáo, việc thu thập và chia sẻ thông tin quan trọng đối với an ninh quốc gia là đúng đắn, song việc tạo một hồ sơ điện tử về mọi công dân Mỹ thì không mang lại hiệu quả thiết thực.

Bản báo cáo cũng nêu rõ bên cạnh NSA, những cơ quan khác bao gồm Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng có xu hướng thu thập và lưu trữ rất nhiều dữ liệu của các công dân Mỹ trong một thời gian dài và điều này vi phạm quyền tự do cá nhân, trong khi các biện pháp ngăn chặn sự rò rỉ các thông tin này trên các công cụ điện tử, máy quay phim và máy tính ở các nước ngoài còn hạn chế.

Cụ thể, dựa vào việc sắp xếp các cơ sở dữ liệu, các thông tin "vô thường vô phạt" có thể được lưu trữ từ 2 tuần đến 5 năm, thậm chí 75 năm hoặc hơn thế nữa.

Đối với FBI, chính sách của cơ quan an ninh này là lưu trữ tất cả những thông tin thu thập được từ những công dân Mỹ bình thường hay các cá nhân phục vụ công tác điều tra trong khoảng thời gian từ 20 - 30 năm.

Trong khi đó, theo như báo cáo hồi năm 2012, NSA cũng đã "hàng nghìn lần" vi phạm quyền riêng tư cá nhân hoặc vượt quá thẩm quyền trong hai năm 2011 và 2012 khi thu thập và lưu trữ thông tin của hơn 3.000 người Mỹ không có mối quan hệ đáng ngờ nào với khủng bố. Các dữ liệu này của NSA được lưu trữ lên đến 6 năm và có thể dễ dàng được truy cập mà không cần bất cứ giấy phép nào.

Trước thực tế này, báo cáo nêu rõ cần có một chính sách hiệu quả hơn nhằm hạn chế và ngăn chặn các thông tin cá nhân của người dân Mỹ không liên quan đến các hoạt động tội phạm bị thu thập, lưu trữ và phát tán.

Các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi tăng cường giám sát hoạt động Trung tâm Chống khủng bố quốc gia, yêu cầu cơ quan này thường xuyên cung cấp các báo cáo về hoạt động thu thập thông tin của mình cũng như cập nhật Luật Thông tin cá nhân năm 1974.

Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Barack Obama trong thời gian gần đây đang phải đối mặt với búa rìu dư luận sau khi Edward Snowden, một cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), tiết lộ nhiều thông tin gây chấn động, trong đó có việc NSA thực hiện chương trình theo dõi tuyệt mật cho phép cơ quan này và FBI truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty mạng hàng đầu thế giới để thu thập thông tin và nghe lén thoại không chỉ của hàng triệu người Mỹ ở trong nước và nước ngoài cùng công dân nhiều nước khác.

Trước thực trạng này, Tổng thống Obama đã cam kết nâng cao công tác quản lý và đảm bảo sự minh bạch của chương trình giám sát quốc gia này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục