Nguy cơ trục lợi chính sách rất lớn từ những doanh nghiệp chây ì đóng BHXH

"Sẽ ra sao nếu có những doanh nghiệp cố tình chây ì đóng bảo hiểm cho người lao động, rồi tuyên bố phá sản và Nhà nước phải bù số tiền đó. Trường hợp này nguy cơ trục lợi chính sách là rất lớn."

Sáng nay, nghị trường phiên họp về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội “nóng” nhiều vấn đề còn đang gây nhiều ý kiến trái chiều của đại biểu. (Ảnh: TTXVN)
Sáng nay, nghị trường phiên họp về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội “nóng” nhiều vấn đề còn đang gây nhiều ý kiến trái chiều của đại biểu. (Ảnh: TTXVN)

Sáng nay, nghị trường phiên họp về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội “nóng” nhiều vấn đề còn đang gây nhiều ý kiến trái chiều của đại biểu về dự thảo những quy định liên quan tới lao động thai sản, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội thế nào để tránh trục lợi hay hệ lụy từ việc doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội thì cần xử lý ra sao.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên bên lề nghị trường về những nội dung này.

- Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được bàn thảo trong kỳ họp này, theo bà có những vấn đề nào cần lưu ý?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi có băn khoăn về hai quy định trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thứ nhất, quy định về số lần khám thai sản của lao động nữ được quy định trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là 5 lần, nhiều đại biểu cũng có ý rằng có thể quy định chưa đến 5 lần và có thể hơn. Nhưng theo tôi có thể quy định theo hướng tối đa.

Hiện nay, tất cả các trung tâm y tế đều khuyến cáo phụ nữ trong thai kỳ nên khám thai 8 lần. Bởi thai kỳ của phụ nữ thường kéo dài 9 tháng và có những mốc nhất định cần khám. Vậy quy định này nhất thiết phải tham khảo với ngành y tế về số lần khám thai cần thiết đối với lao động nữ. Nếu khuyến cáo của ngành Y tế là 8 lần thì chúng ta nên quy định theo hướng mở là không quá 8 lần. Điều này vừa giải quyết được nhu cầu của từng trường hợp cụ thể, vừa đảm bảo quyền phụ nữ và sự chăm sóc tốt hơn cho giống nòi.

Thứ hai, tôi cũng băn khoăn về việc thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu.” Nếu chúng ta bỏ mức lương cơ sở để cải cách tiền lương, mức tham chiếu để người lao động đóng bảo hiểm được Chính phủ đưa ra là dựa vào chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần thiết phải quy định đưa ra mức tham chiếu bao nhiêu lâu một lần, định kỳ như thế nào. Bởi chỉ số giá tiêu dùng sẽ thay đổi, tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng trưởng không giống nhau.

vnp_viet nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Chúng ta đang thực hiện theo cách tính lương truyền thống là tính mức lương cơ sở. Ví dụ, thông thường 3 năm tăng lương một lần, nghĩa là số tiền bảo hiểm đóng vào sau 3 năm sẽ có thay đổi. Vì tiền bảo hiểm được tính trên phần trăm tiền lương. Vậy người lao động đóng 8% bảo hiểm, thì ba năm sau lương tăng rõ ràng số tiền đóng bảo hiểm sẽ phải tăng lên. Số tiền thay đổi qua từng giai đoạn, vậy số tiền tham chiếu cũng cần phải quy định trong Luật, Chính phủ sẽ phải xác định trong chu kỳ bao lâu sẽ phải xem xét lại một lần.

- Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, đang có hai phương án gây nhiều ý kiến khác nhau. Vậy quan điểm của bà về nội dung này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Rất nhiều nước trên thế giới quy định không cho rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi đó, ở Việt Nam đang mở rộng mạng lưới an sinh, nếu cứ cho rút một lần thì cứ mở rộng được một người rồi một người rút thì sẽ rất chật vật.

Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được như các nước, vì thu nhập của người lao động Việt Nam đang rất thấp, cùng với bối cảnh kinh tế hiện nay rất nhiều người lao động có những lúc lâm vào cảnh không còn nguồn tiền nào để sinh sống, ngoài số tiền bảo hiểm xã hội được coi như “của để dành” và việc rút ra là việc cực chẳng đã. Nếu quy định cứng không cho người lao động rút ra một lần lại sẽ gây khó khăn và từ đó gây phản ứng trái chiều.

Vậy chúng ta phải quy định như thế nào cho hài hòa? Nếu cứ cho rút như bây giờ thì lại quá thoải mái, dễ dẫn đến trục lợi chính sách. Vì sao lại có trục lợi chính sách ở đây? Theo quy định trong Luật, người lao động chỉ đóng 8% tiền bảo hiểm trong tổng số lương, người sử dụng lao động đóng phải đóng 17%, nhưng khi rút người lao động được rút cả 25%, như vậy người lao động vẫn lợi hơn.

Tôi nghĩ rằng có những người chưa đến mức cấp bách phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Đặc biệt, hiện nay quy định số năm tham gia bảo hiểm bắt buộc tối thiểu ngắn hơn, chỉ 15 năm. Nếu một người lao động tham gia bảo hiểm sớm thì họ hoàn toàn có thể rút một lần và họ tham gia bảo hiểm xã hội tiếp, rồi lại rút khi đủ 15 năm.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_quoc_hoi_thao_luan_ve_du_thao_luat_bao_hiem_xa_hoi_sua_doi_7396909.jpg
Đại biểu có nhiều góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong phiên họp sáng nay. (Ảnh: TTXVN)

Nếu như vậy chúng ta sẽ không thể phát triển được hệ thống an sinh. Vậy thì phải quy định như thế nào đây? Tôi cho rằng hai phương án đưa ra trong dự thảo Luật lần này, phương án nào cũng có bất cập. Tôi nghiêng về phương án kết hợp cả hai phương án.

Thứ nhất, đối với người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội rồi mà không có nhu cầu tham gia nữa, thì trước khi luật này có hiệu lực vẫn được rút theo luật cũ. Nhưng khi luật này có hiệu lực thì chúng ta khống chế là người lao động được rút không quá 50% số thời gian đã đóng bảo hiểm.

Sẽ ưu việt hơn nếu có sự phối hợp của cả hai phương án trong dự thảo luật. Tuy nhiên, phương án phối hợp này cũng phải lưu ý là dự thảo luật mới chỉ đưa ra quy định không rút quá 50% số thời gian đóng, nhưng số % thời gian đóng ấy lại khác nhau cơ bản về tiền. Tôi lấy ví dụ, khi mới tham gia bảo hiểm lương thấp người lao động đóng ít, đến giai đoạn 10 năm sau lương cao thì người lao động tham gia bảo hiểm ở mức nhiều tiền hơn. Vậy luật quy định 50% số thời gian đóng bảo hiểm là thời gian nào? Giai đoạn đầu, giai đoạn giữa hay giai đoạn cuối, thì cần phải quy định rất rõ và chặt chẽ.

Tôi đề xuất quy định rút 50% số thời gian đóng bảo hiểm giai đoạn đầu, còn 50% còn lại vẫn được bảo lưu. Bảo lưu ở đây không phải để đóng góp tiền cho ngân sách nhà nước mà để chúng ta giữ cho người lao động vẫn còn được tham gia hệ thống an sinh. Bởi khi rút bảo hiểm một lần người lao động mới chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt là có ngay một khoản tiền. Nhưng còn giai đoạn sau nếu không còn trong hệ thống an sinh thì người lao động sẽ bị mất rất nhiều quyền lợi.

- Xin bà cho biết quan điểm về quy định chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý với một số trường hợp như doanh nghiệp phá sản, nợ đọng…?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Đối với những doanh nghiệp bị phá sản rồi, đương nhiên rất khó trông chờ họ có một khoản tiền để nộp bù vào phần nợ đọng bảo hiểm xã hội. Nếu những doanh nghiệp này không nộp vào thì quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng. Bởi toàn bộ số tiền bảo hiểm lao động của họ nằm trong tay công ty bị phá sản mà vẫn đang nợ đọng, nên họ sẽ không được hưởng bất cứ quyền lợi nào.

Thế nhưng nếu không rà soát và đánh giá tác động thì sẽ tạo tiền lệ xấu, họ cứ nợ đọng, thậm chí không phải do khó khăn kinh tế. Doanh nghiệp nào có vài nghìn công nhân thì số tiền đóng bảo hiểm cho người lao động là khoản tiền khổng lồ, bởi họ phải đóng tới 17% số tiền bảo hiểm xã hội cho mỗi lao động.

Nếu chúng ta rà soát để xóa nợ cho những doanh nghiệp đó thì không tránh khỏi trường hợp trục lợi chính sách. Sẽ ra sao nếu có những doanh nghiệp cố tình chây ì đóng bảo hiểm cho người lao động, rồi đến một lúc nào đó tuyên bố phá sản và Nhà nước phải bù số tiền đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải rà soát thật kỹ để đánh giá tác động chứ không thể vội vàng trong trường hợp này. Bởi vì, tôi nhắc lại, nguy cơ trục lợi chính sách là rất lớn.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục