Nhà văn Đỗ Chu: Từ ấn phẩm đến tác phẩm… còn xa

Theo nhà văn Đỗ Chu: Văn xuôi là công nghiệp nặng của một nền văn học, nó cần những cuốn tiểu thuyết lớn, có sức bao quát  không gian, thời gian, các vấn đề trọng đại của cả một thời. Nhận định công bằng là văn xuôi Việt Nam "chưa lớn," vì khu vực tiểu thuyết yếu. Mặc dù có nhiều quyển sách dầy, nhưng không có sức sống lâu bền.

"Giá mà có "thuốc tiên" để giúp các nhà văn để họ viết hay hơn thì chắc chắn lãnh đạo Hội Nhà văn cũng xin lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đắt mấy cũng mua, đem về phát cho uống để có tác phẩm hay,"  nhà văn Đỗ Chu hóm hỉnh đưa đẩy...

Mặc dù bận rộn chuẩn bị cho Đại hội khóa VIII của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng nhà văn Đỗ Chu vẫn cởi mở tiếp tôi tại trụ sở của hội và không ngần ngại chia sẻ những trăn trở của mình về văn xuôi nước nhà trong những năm gần đây.

- Xin ông có thể cho biết nhận xét của mình về văn xuôi Việt Nam giữa hai kỳ đại hội?

Nhà văn Đỗ Chu: Văn xuôi là công nghiệp nặng của một nền văn học. Nó cần có những cuốn tiểu thuyết lớn, có sức bao quát không gian, thời gian, các vấn đề trọng đại của cả một thời.

Lâu nay, văn xuôi của chúng ta chưa lớn. Đó là một nhận định công bằng. Vì, khu vực tiểu thuyết nhìn chung từ lâu vẫn còn yếu. Đã có những quyển sách dầy nhưng dầy làm gì nếu thiếu sức sống lâu bền?

Nguyên nhân là, nội dung đã non yếu mà nghệ thuật cũng ít tính chuyên nghiệp. Việc khao khát những tác phẩm thực sự lớn làm rường cột cho một nền văn học cho đến hôm nay vẫn là một câu hỏi: “Tại sao chưa có?”

Năm năm vừa qua, tình hình cũng vậy. Tuy nhiên, bạn đọc đã có thể tạm bằng lòng vì vẫn có những tác phẩm có thể đọc tốt. Chẳng hạn như tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh. Còn thì, nhìn chung là nhạt, đôi khi còn sa vào dung tục, cẩu thả.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam trong sáng tác của mỗi cá nhân nhà văn?

Nhà văn Đỗ Chu: Vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam trong sáng tác của mỗi cá nhân là một vấn đề đã và đang đặt ra thường xuyên. Nhưng, ngoài động viên trợ cấp sáng tác, mở trại, mở lớp viết để các nhà văn có thêm điều kiện viết thì hình như hội vẫn chưa có sáng kiến gì thêm và cũng không biết làm gì thêm để các nhà văn có tác phẩm hay.

Việc này cũng không thể “bắt đền” lãnh đạo Hội Nhà văn được. Nó chỉ có thể giải quyết được bằng sự cố gắng của mỗi tác giả như người ta gọi là mỗi người phải có quyết tâm phấn đấu. Như thế là có đóng góp cho cả nền văn học chung.

Nếu như có một “thuốc tiên” gì phát cho mỗi nhà văn để họ viết hay hơn thì chắc chắn lãnh đạo Hội Nhà văn cũng xin lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đắt mấy cũng mua, đem về cho người ta uống để có tác phẩm hay. Nhưng mà, việc ấy cũng chỉ là chuyện nói cho vui chứ làm gì mà có!

Thế mới biết, tài năng đích thực bao giờ cũng hiếm.

- Có ý kiến cho rằng, không đọc văn học trong năm năm qua cũng không bị lạc hậu. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Nhà văn Đỗ Chu: Về một nhận thức như thế, nói rõ một sự buồn chán của bạn đọc trước một tình hình văn nghệ có thật. Người viết thì đông nhưng nhà văn đúng nghĩa của nó thì lúc nào chả hiếm. Người viết đông thì sách ra nhiều, bày tán loạn trên các tủ, chữ in tên tác giả ngoài bìa ngày một to, to hơn tên các tác phẩm nhiều.

Nghệ thuật quảng cáo ngày một tinh vi và gây choáng ngợp. Nhưng mọi cố gắng ấy đều vô ích vì bạn đọc lại có thước đo, mực chuẩn cố hữu. Đấy chính là sự đòi hỏi tác phẩm phải có tầm tư tưởng, phải có phong độ, sự sang trọng và nghiêm túc.

Cho nên người ta nói, từ ấn phẩm đến tác phẩm là một khoảng cách rất xa. Những bạn đọc tinh tường xưa nay không bao giờ nhầm lẫn điều đó. Những nhà văn tinh tường là bạn tri kỷ của các bạn đọc tinh tường.

- Được biết, ông là một người đã có gần 50 năm cầm bút và hiện nay vẫn đang tiếp tục công việc đó một cách có hiệu quả. Ông thấy có vướng mắc gì với đường lối, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và… các cấp trên nữa trong quá trình sáng tác của mình?

Nhà văn Đỗ Chu: Đó là một câu hỏi rất cần thiết trước thềm đại hội này. Không chỉ riêng tôi mà nói chung với tất cả các bạn đồng nghiệp ở mọi miền. nếu có gì còn thấy phải phàn nàn và đòi hỏi thì đều nên thẳng thắn phát biểu một cách tin cậy và đàng hoàng.

Đấy cũng là một “vẻ đẹp” dân chủ phải đạt đến của đại hội. Tôi tin là lãnh đạo của hội cũng như các cấp ở trên đều sẵn sàng lắng nghe.

Nếu muốn văn học phát triển thì tất cả cần biết chờ đợi, chờ đợi một cách kiên trì. Hay nói một cách vắn tắt, các nhà văn hãy tự biết nghiêm túc với chính mình hơn để có thể có đủ nghị lực và tâm huyết làm nên tác phẩm xứng đáng với đất nước. Đấy cũng là mong mỏi chung và cũng là tinh thần của đại hội này.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục