Nhật chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN

Nhật Bản chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN

Lý do của việc chuyển hướng đầu tư này là do ảnh hưởng khó khăn kinh tế Trung Quốc, giá nhân công tăng cao và tranh chấp lãnh hải.
Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng mở rộng đầu tư trực tiếp và chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hiện tượng này được giới công nghiệp gọi là “China plus one” (Trung Quốc+1). Địa chỉ đỏ mà các công ty Nhật Bản thường hướng tới có thể gọi tắt bằng ba chữ cái ghép lại “V.I.P” đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Ngoài ra, Myanmar cũng là thị trường được nhiều doanh nghiệp Nhật để mắt tới.

Mạng tin “Sankei” dần nguồn Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trong nửa đầu năm 2013 vào ASEAN đạt 1.020 tỷ yen trong khi Trung Quốc là 490 tỷ yen.

Năm 2012, con số này lần lượt là 1.150 tỷ yen và 1.070 tỷ yen. Từ năm 2009 đến nay, đầu tư vào ASEAN liên tục vượt Trung Quốc. Xu hướng này vẫn duy trì ổn định và đang mở rộng thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, dựa trên dữ liệu do JETRO cung cấp trên mục “Thông tin khu vực và quốc gia” năm 2012, tỷ lệ đầu tư tăng so với năm trước lần lượt là Myanmar 66%, Philippines 15%, Indonesia 13%, và đây là những thị trường mà doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm.

Trong khi đó, đầu tư vào Trung Quốc xuống còn âm 8%.

Trong khi 61,4% doanh nghiệp Nhật làm ăn tại thị trường ASEAN đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Quốc lại giảm từ 66,8% năm 2011 xuống còn 52,3%.

Các doanh nghiệp trong diện “thu nhỏ quy mô- chuyển đổi-rút vốn” chiếm 5,8%, cao hơn so với mức 4,4% của năm 2011.

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng tiêu cực từ thực trạng khó khăn kinh tế của Trung Quốc, giá nhân công tăng cao, các cuộc biểu tình chống Nhật và căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp lãnh hải.

Trong khi đó, ở các nước ASEAN, sức tiêu dùng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ là những nhân tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật. Nếu coi giá thuê nhân công ở Trung Quốc là 100 thì ở Philippines là 77, Indonesia là 70, Việt Nam 44 và Myanmar là 16.

Ở Philippines, trong vòng 1-2 năm qua, các nhà máy của Nhật Bản mọc lên như “nấm sau mưa” trong đó có trường hợp doanh nghiệp Nhật chuyển một phần bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang.

Ở Myanmar, trọng tâm hướng tới của Nhật Bản là ngành dệt may và da giày. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang đón một luồng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật vốn đang trong chiến lược chuyển một bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang ở các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, điện tử, phụ tùng ôtô…

Một chuyên gia phân tích của Nhật Bản đã khẳng định: “Để giảm bớt rủi ro khi quá chú trọng vào các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, từ nay xu thế chuyển dịch chức năng sản xuất từ Trung Quốc sang việc xây mới các cơ sở ở ASEAN sẽ tăng mạnh”./.

Hữu Thắng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục