Nhật Bản muốn sử dụng hợp tác quân sự để thay đổi hiến pháp hòa bình?

Một số dư luận truyền thông Nhật Bản phân tích rằng việc "sửa đổi hiến pháp" có thể trở thành một trong những mục tiêu chính sách tiếp theo của LDP.
Nhật Bản muốn sử dụng hợp tác quân sự để thay đổi hiến pháp hòa bình? ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

10 ngày sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Fumio Kishida ngày 14/10 thông báo giải tán Hạ viện vào chiều cùng ngày.

Theo lịch trình, việc bỏ phiếu và kiểm phiếu bầu Hạ viện sẽ được tiến hành chỉ 17 ngày sau đó (vào ngày 31/10). Ông Kishida và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đưa ra quyết định như vậy với mục tiêu rõ ràng là giành được ưu thế đa số trong Quốc hội hơn so với hiện tại.

Thời báo Hoàn cầu vừa đăng bài viết của Vũ Văn Hảo (Yu Wen Hao) - nghiên cứu viên ưu tú của Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc - cho rằng cần chú ý đến những chính sách mà LDP sẽ thực hiện thông qua chính phủ Kishida một khi giành được lợi thế lớn hơn trong Quốc hội.

Tại một cuộc họp báo diễn ra tuần trước, Sanae Takaichi - với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của LDP - đã công bố cương lĩnh tranh cử của đảng này và giải thích một cách có hệ thống các chính sách sẽ được thực hiện. Bản cương lĩnh này bao gồm các chính sách quan trọng trong 8 lĩnh vực chủ chốt.

Ngoài các chiến lược như ứng phó với dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế và phân phối công bằng, trong phần "Bảo đảm An ninh đối ngoại", LDP đã đưa ra mục tiêu "Tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản lên hơn 2% GDP."

Một số dư luận truyền thông Nhật Bản phân tích rằng việc "sửa đổi hiến pháp" có thể trở thành một trong những mục tiêu chính sách tiếp theo của LDP.

[Những vấn đề cấp bách đặt ra trước bầu cử Hạ viện tại Nhật Bản]

Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên vào ngày 8/10 vừa qua, ông Kishida tuyên bố sẽ điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia và đề cương quốc phòng, tăng cường an ninh hàng hải và khả năng phòng thủ tên lửa, đồng thời tiếp tục thúc đẩy hợp tác chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

Liên hệ đến chính sách tăng chi tiêu quân sự, có thể thấy rõ Nhật Bản đang cố gắng hết sức sử dụng "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" để thúc đẩy mình vượt qua các hạn chế về an ninh quân sự trong khu vực. Cách thức là thành lập các liên minh an ninh quân sự trên thực tế với một số quốc gia.

Mới đây, Nhật Bản và Vương quốc Anh đã khởi động các cuộc đàm phán "Thỏa thuận tiếp cận có đi có lại" (RAA). Động thái tưởng chừng như không đáng chú ý này lại là một bước tiến quan trọng trong việc đưa quan hệ Nhật-Anh tiến tới một “liên minh trên thực tế,” đồng thời cũng là một nỗ lực mới của Nhật Bản nhằm đột phá vùng cấm quân sự thời hậu chiến.

Nếu Nhật Bản và Anh đạt được một RAA, đây sẽ là một thỏa thuận hợp tác quốc phòng cấp cao khác sau RAA giữa Nhật Bản và Australia (đạt được vào tháng 11 năm ngoái), với mức độ hợp tác chỉ xếp sau Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật.

Nếu thỏa thuận này có thể đạt được, nó sẽ làm rõ thêm các thủ tục hành chính và pháp lý cho việc trao đổi các chuyến thăm và các cuộc tập trận chung giữa quân đội Nhật Bản và Anh. Sau khi hiệp định có hiệu lực, binh sỹ của hai bên sẽ không cần phải xét duyệt khi nhập cảnh với mục đích huấn luyện chung, và các thủ tục mang vũ khí, phương tiện và thiết bị quân sự cũng sẽ được đơn giản hóa.

Đồng thời, các lực lượng quân sự do hai nước cùng đào tạo cũng sẽ mở rộng từ lực lượng hải quân và không quân như hiện tại sang lực lượng lục quân, tiến tới hợp tác toàn quân chủng. Điều này có nghĩa là hai nước đã có bước tiến lớn trong việc làm sâu sắc hợp tác quốc phòng.

So với thỏa thuận giữa Nhật Bản và Australia, việc ký kết RAA Nhật-Anh sẽ mở rộng hơn nữa không gian cho lực lượng quân đội Nhật Bản “tiến ra toàn cầu”. Trong các bước đột phá quân sự từ từ như vậy, Điều 9 của Hiến pháp Hòa bình - trong đó quy định rằng Nhật Bản sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình sau chiến tranh - cũng sẽ được thay đổi và dần dần bị loại bỏ.

Trong lịch sử, Nhật Bản từng liên minh với các nước phương Tây để đạt được mục đích vươn ra bên ngoài. Năm nay đánh dấu 100 năm ngày Liên minh Nhật-Anh tan rã.

Vào đầu thế kỷ XX, Nhật Bản và Anh từng thành lập một liên minh ba cấp độ để bảo vệ các lợi ích tương ứng của họ ở Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên cũng như để kiềm chế sự mở rộng của Nga ở Viễn Đông. Cuối cùng, liên minh này trở thành công cụ để Nhật Bản xâm lược và bành trướng trên lục địa châu Á.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã đẩy nhanh tốc độ sửa đổi hiến pháp và củng cố quân đội, không ngừng phá vỡ các hạn chế đối với các hoạt động quân sự sau chiến tranh. Trong khi đó, nước Anh hậu Brexit đã thúc đẩy khái niệm ngoại giao "Nước Anh toàn cầu" và tích cực tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai nước đang tích cực tương tác dưới ngọn cờ duy trì thương mại tự do và trật tự hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không ngừng gia tăng trao đổi và hợp tác quốc phòng.

Tháng trước, tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đã cập cảng Nhật Bản lần đầu tiên, hai bên đã tổ chức một số cuộc tập trận chung.

Có thể nói, cả Nhật Bản và Anh đều là những "cựu binh" thao túng địa chính trị. Là những quốc đảo nằm biệt lập ở hai đầu lục địa Á-Âu, chính sách đối ngoại của Nhật Bản và Anh không thể thoát khỏi lối tư duy "bành trướng bên ngoài" và "cân bằng nước lớn."

Tuy nhiên, khi bối cảnh toàn cầu đang phát triển sâu rộng, vị thế quyền lực của hai nước từ lâu đã khác so với trước đây. Nhật Bản muốn sử dụng Vương quốc Anh để mở rộng ảnh hưởng quân sự của mình, trong khi Vương quốc Anh phải dựa vào Nhật Bản để có được chỗ đứng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai bên một cách mù quáng sẽ chỉ khiến môi trường địa lý của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên phức tạp hơn và gây thêm trở ngại cho nỗ lực quản lý và xử lý các vấn đề điểm nóng của các nước trong khu vực.

Giới phân tích chỉ ra rằng không khó để xây dựng một “đồng minh giá trị quan” ảo, nhưng xây dựng một “đồng minh quân sự” là hoàn toàn đi ngược lại xu thế thời đại.

Chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng hợp tác quốc phòng Nhật-Anh là nhằm thực hiện "một nền hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở," song không ít dư luận cho rằng định hướng chính sách này cho phép tăng cường hợp tác quân sự trong quan hệ đối ngoại, mục đích cũng là đẩy mạnh các liên kết nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Từ góc độ toàn cầu, Nhật Bản và Anh là đồng minh trung thành của Mỹ ở Đông và Tây bán cầu. Sau khi chính quyền Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ bắt đầu định hình lại hệ thống liên minh toàn cầu, một tay lôi kéo các quan hệ đối tác Đại Tây Dương với Anh làm cốt lõi, một tay củng cố hệ thống liên minh Thái Bình Dương với lòng cốt là Nhật Bản và Australia, nỗ lực củng cố bố trí hai cánh Đông-Tây của chiến lược toàn cầu.

Theo quan điểm của Mỹ, việc thiết lập mối quan hệ “đồng minh trên thực tế” giữa Nhật-Anh và Nhật-Australia có nghĩa là tạo ra sự kết nối giữa Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, có thể hỗ trợ rất lớn cho việc ổn định cấu trúc quyền lực thế giới.

Ở cấp khu vực, Nhóm Bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Australia ngày càng được thể chế hóa mạnh mẽ hơn. Mỹ-Anh-Australia vừa ký kết thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS; và Liên minh Five Eyes cũng có ý định mở rộng thành viên là Nhật Bản.

Đối với Mỹ, việc ký kết hiệp định RAA giữa Nhật Bản với Anh và Australia có ý nghĩa to lớn trong việc cải thiện hơn nữa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Mỹ đóng vai trò chủ đạo.

Đối với Nhật Bản, việc ký kết hiệp định RAA có nghĩa là vai trò quân sự của nước này được Anh và Australia tán thành, có thể nâng cao hơn nữa giá trị chiến lược của nước này đối với Mỹ và chứng tỏ vị thế của nước này như một cường quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tác giải bài viết cho rằng châu Á-Thái Bình Dương ngày nay không phải là thời đại mà chủ nghĩa đế quốc tràn lan như cách đây 100 năm. Nếu các quốc gia có liên quan vẫn nuôi dưỡng giấc mơ liên minh năm xưa, kiên quyết đi theo con đường cũ và không đáp ứng được yêu cầu chung của các quốc gia trong khu vực về sự ổn định và hợp tác, cuối cùng họ sẽ tự phá hoại hình ảnh của chính họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục