Nhật Bản phát hiện ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao H5N8

Theo thông báo trên trang chủ của MAFF, ổ dịch được phát hiện tại một nông trại nuôi gà ở thành phố Izumi, thuộc tỉnh Kagoshima, Tây Nam nước này.
Nhật Bản phát hiện ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao H5N8 ảnh 1Nhân viên kiểm dịch khử trùng một trang trại ở Oyabe, tỉnh Toyama, Nhật Bản, sau khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm. (Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN)

Ngày 16/11, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) thông báo đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm chủng độc lực cao H5N8 tại một trang trại ở Tây Nam nước này.

Đây là đợt bùng phát cúm gia cầm thứ 3 tại Nhật Bản trong mùa Đông này.

Theo thông báo trên trang chủ của MAFF, ổ dịch lần này được phát hiện tại một nông trại nuôi gà ở thành phố Izumi, thuộc tỉnh Kagoshima, Tây Nam nước này.

Đầu tháng này, Nhật Bản đã tạm thời đình chỉ xuất khẩu thịt gà và trứng từ tất cả các vùng sau khi ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên, dù MAFF khẳng định việc tiêu thụ các sản phẩm này cũng không gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Năm ngoái, Nhật Bản đã trải qua đợt cúm gia cầm mùa Đông nghiêm trọng nhất, khi phải tiêu hủy gần 10 triệu con gà với hơn 30% số tỉnh tại nước này bị ảnh hưởng.

[Nga lần đầu tiên phát hiện virus cúm gia cầm H5N8 ở người]

Theo MAFF, Nhật Bản hiện nuôi khoảng 181 triệu con gà để lấy trứng và 140 triệu con để lấy thịt.

Trong những ngày gần đây, Tổ chức Thú y thế giới đã nhận được báo cáo về các ổ dịch cúm gia cầm nghiêm trọng tại châu Âu và châu Á, dấu hiệu cho thấy virus đang lây lan nhanh chóng.

Tình trạng gia tăng số người bị nhiễm cúm gia cầm trên khắp thế giới trong năm nay đã trở thành mối quan ngại lớn đối với các chuyên gia dịch tễ, trong bối cảnh các nước vẫn đang phục hồi một cách chậm chạp đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Trung Quốc đã ghi nhận 21 ca lây nhiễm cúm gia cầm chủng H5N6 trong năm 2021, trong đó có 6 ca tử vong và nhiều người mắc bệnh nghiêm trọng. Năm ngoái, nước này chỉ có 5 ca nhiễm H5N6.

Vào tháng 2, Nga đã ghi nhận trường hợp đầu tiên lây nhiễm chủng H5N8 từ động vật sang người. Vào thời điểm đó, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chủng này sẽ lây lan từ người sang người.

Theo trang Dịch vụ Y tế công Anh, các phương pháp điều trị hiện nay có hiệu quả trong việc ngăn chặn cúm gia cầm, nhưng hiện chưa có vaccine nào phòng bệnh cho người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục