Theo Reuters, hãng tin Jiji Press ngày 24/8 cho biết, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) trong ngày 26/8 sẽ trình lên chính quyền thành phố bản kế hoạch ngừng sử dụng 5 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của công ty này, cũng là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 3/2011, Nhật Bản trải qua thảm họa năng lượng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh, khi động đất và sóng thần dẫn đến việc 3 lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị nóng chảy, rò rỉ phóng xạ, khiến 160.000 người dân phải sơ tán.
Bản kế hoạch này sẽ nâng số lượng lò phản ứng phải ngừng hoạt động của Nhật Bản lên 26, bằng gần nửa số số lò hoạt động trước khi xảy ra thảm họa, trong đó TEPCO sẽ chỉ giữ lại 2 trong số 17 lò phản ứng của họ.
[TEPCO quyết định phá bỏ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 2]
Năng lượng hạt nhân đáp ứng khoảng 30% nhu cầu điện của Nhật Bản trước thảm họa hồi tháng 3/2011, nhưng việc ngừng nhà máy Fukushima đã buộc nước này phải nhập khẩu một lượng khổng lồ than đá và khí thiên nhiên hóa lỏng nhằm thay thế công suất bị mất đi.
Người phát ngôn TEPCO Iwasa Emi cho biết chủ tịch công ty này sẽ gặp chính quyền thành phố Kashiwazaki-Kariwa của tỉnh Niigata, nơi đặt nhà máy, để giải thích về phản ứng của công ty đối với đề nghị loại bỏ 5 lò phản ứng.
TEPCO vẫn luôn cố gắng thuyết phục chính quyền địa phương - những người có thẩm quyền cấp phép cho tái khởi động nhà máy - rằng công ty này đã khắc phục được những vấn đề rò rỉ trong vận hành ở Fukushima và đủ khả năng tái khởi động một lò phản ứng ở Kashiwazaki-Kariwa.
Nhà máy này bị thiệt hại trong một trận động đất hồi năm 2007, dẫn tới rò rỉ một lượng nhỏ phóng xạ và khiến người dân địa phương lo ngại nếu được khởi động lại.
Ba lò phản ứng ở đây đã bị đóng cửa sau trận động đất này và 4 lò phản ứng còn lại cũng ngừng hoạt động vài tháng sau thảm họa Fukushima./.