Nhật tăng vũ trang phòng xung đột với Trung Quốc

Năm 2013, lần đầu tiên trong 11 năm qua Nhật Bản tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng lên tới khoảng 4.700 tỷ yên (41 tỷ euro).

Trang mạng Tin tức châu Á vừa đăng bài viết nhận định rằng Nhật Bản đang tăng cường sức mạnh quốc phòng để đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau đây là nội dung bài viết:

 

Mới đây, khi đề cập tới cuộc xung đột giữa Nhật Bản với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhắc tới cuộc chiến giữa Argentina và Anh trong việc tranh giành chủ quyền quần đảo Malvinas, mà người Anh gọi là Falkland.

Ông Abe đã sử dụng những từ ngữ giống như cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã sử dụng hồi năm 1982 để tuyên chiến với Argentina, theo đó, ông nói rằng luật pháp quốc tế phải thắng thế việc sử dụng bạo lực. Lời lưu ý của ông Abe là một tuyên bố rõ ràng về quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc bảo vệ quyền kiểm soát của mình ở Senkaku.

 

Nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột mới ở châu Á là rõ ràng. Trái với Argentina, Trung Quốc là một cường quốc hạt nhân lớn, có một đội quân đông đảo và được trang bị tốt. Mọi cuộc đối đầu vũ trang giữa Nhật Bản và Trung Quốc dường như chắc chắn sẽ kéo theo các cường quốc khác, nhất là Mỹ.

[Chính sách trở lại châu Á của Mỹ rơi vào "đêm tối"?]

 

Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính khiến tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng là do Chính quyền Obama từ năm 2009 đã tiến hành một cuộc tấn công ngoại giao rộng khắp châu Á nhằm ngăn chặn Trung Quốc trở thành một đối thủ kinh tế và quân sự.

Chủ trương "Trở lại châu Á" của Tổng thống Obama đã khuyến khích các đồng minh và các đối tác chiến lược của Mỹ có lập trường kiên quyết hơn trước Trung Quốc, do đó đã gây ra nhiều điểm nóng trong khu vực, trong đó có bán đảo Triều Tiên, các cuộc xung đột ở Biển Đông và tranh chấp biên giới chưa được giải quyết giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Chính phủ Abe, tuy mới được thành lập, song đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch sửa đổi để quân đội không bị cản trở bởi "Hiến pháp Hòa bình” được ban hành sau chiến tranh. Đồng thời, Chính phủ Nhật cũng thông qua chính sách tiền tệ phá giá đồng yên và chính sách xuất khẩu gây thiệt hại cho các đối tác của Nhật Bản.

Lo ngại về xung đột nổ ra tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng hiện rõ khi Nhật Bản “quốc hữu hóa” các hòn đảo này, các cuộc tập trận của cả hai bên diễn ra dồn dập và nhất là sau cuộc bầu cử tháng 12/2012, nội các mới theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy và cứng rắn sẵn sàng ủng hộ cuộc đối đầu với Trung Quốc được thành lập ở Nhật Bản.

 

Năm 2013, lần đầu tiên trong 11 năm qua Nhật Bản tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng lên tới khoảng 4.700 tỷ yên (41 tỷ euro). Tuy việc tăng này còn khiêm tốn so với việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc (thường ở mức hai con số), song nó đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản đặc biệt muốn khẳng định vị trí khu vực của mình, nhất là trong thời kỳ căng thẳng với láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nói với hãng tin AFP rằng nước ông cần nhanh chóng cải thiện và tăng cường các thiết bị quân sự vào thời điểm môi trường an ninh của Nhật Bản đang bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay, đó là việc Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử tên lửa vào năm 2012 và căng thẳng với Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền biển đảo.

 

Việc tăng ngân sách quốc phòng là một sự thể hiện cam kết và quyết tâm của Thủ tướng Shinzo Abe tăng cường nền quốc phòng của Nhật Bản, đưa ngân sách quân sự của nước này lên đứng hàng thứ sáu thế giới. Nhật Bản từng có một trong những đội quân lớn nhất và tiến tiến nhất ở châu Á, nhưng cho đến nay họ vẫn duy trì một lượng quân vừa phải để tránh khơi dậy những kỷ niệm không hay của đế quốc Nhật Bản hồi đầu thế kỷ 20, nhất là ở Trung Quốc và Triều Tiên.

[Nhật Bản lo lắng trước tin Trung Quốc mua vũ khí Nga]

 

Hiện nay, người ta đang chứng kiến việc tái vũ trang của Nhật Bản. Từ nhiều năm nay, Nhật Bản đã đặt mua 42 máy bay tiêm kích của Mỹ F-35, tăng số tàu ngầm từ 16 lên 22, mua tàu khu trục chở máy bay lên thẳng với qui mô của tàu sân bay, mua máy bay do thám không người lái để tăng cường giám sát lãnh hải.

Về phía mình, Trung Quốc cũng có các chương trình phát triển máy bay do thám không người lái và có thể xây dựng 11 căn cứ để máy bay không người lái cất cánh ở dọc các bờ biển từ nay đến năm 2015. Rõ ràng là đang có một cuộc chạy đua vũ trang diễn ra giữa hai nước.

 

Gần đây nhất, để chuẩn bị khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc, Nhật Bản đã lập ra một đơn vị đặc biệt gồm 700 quân và 12 tàu chiến, trong đó có 2 tàu sân bay cho máy bay lên thẳng, và 10 tàu tuần tra mới sẽ được chế tạo từ nay đến tháng 4/2015.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã chuyển 2 tàu khu trục và 9 tàu biển tới hạm đội giám sát biển cùng với 13 tàu biển được chế tạo từ năm 2000 và 36 tàu khác, dự kiến được đưa vào sử dụng từ năm 2011 đến 2015 để đề phòng khả năng xảy ra xung đột vũ trang với Nhật Bản.

 

Hiện nay, Nhật Bản đang tính đến nhiều kịch bản chiến tranh với Trung Quốc, nhất là xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và cả với Đài Loan nữa. Đây chính là nguồn gốc gây ra tình hình căng thẳng mới và càng đáng lo ngại hơn vì theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 10/2012 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - cơ quan tư vấn của Mỹ, chi phí quốc phòng tại các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả hòn đảo Đài Loan, đều đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, riêng ở Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần.

 

Theo cơ quan trên, tổng ngân sách quân sự của 4 nước châu Á này và Đài Loan đã lên tới 224 tỷ USD vào năm 2011, điều đó cho thấy cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á đang ngày càng gia tăng. Riêng với Nhật Bản, việc tăng cường mua sắm các thiết bị quân sự này sẽ đi kèm với việc quân đội có phạm vi hoạt động lớn hơn. Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 240.000 quân và là một trong những quân đội được trang bị hiện đại nhất thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục