Nhiệm vụ khó hoàn thành của đặc phái viên Mỹ

Nhiệm vụ thuyết phục Israel-Palestine trở lại bàn đàm phán của ông George Mitchell được giới phân tích nhận định là khó hoàn thành.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 21/1 tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Mỹ nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel, đồng thời kêu gọi Israel ngừng hoạt động xây dựng khu định cư trên các phần đất chiếm đóng của Palestine.

Phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban Liên hợp quốc về Thực thi quyền không liên kết của nhân dân Palestine tại New York, Mỹ, Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi hai bên nối lại đàm phán về mọi vấn đề, trong đó có an ninh, đường biên giới, quy chế cuối cùng của Jerusalem và số phận của người tị nạn Palestine.

Ông nhấn mạnh: "Nếu thiếu các cuộc đàm phán có ý nghĩa thì lòng tin giữa các bên sẽ bị phá vỡ".

Liên quan thành phố linh thiêng Jerusalem, Tổng Thư ký nhắc lại rằng cộng đồng quốc tế không công nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem của Palestine, đồng thời việc xây dựng khu định cư Do Thái của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế và trái với Lộ trình hòa bình của Bộ Tứ, theo đó Israel cam kết ngừng mọi hoạt động xây dựng này.

Tổng Thư ký nhấn mạnh cần phải tìm một giải pháp được các bên chấp nhận thông qua đàm phán để Jerusalem là thủ đô của hai nhà nước sống hòa bình và an ninh bên nhau.

Cùng ngày, phát biểu trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Palestine Salam Fayad, đang ở thăm Tây Ban Nha, ngoại trưởng nước chủ nhà Miguel Angel Moratinos cho biết trong thời gian làm Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Tây Ban Nha cam kết nỗ lực hết mình nhằm nối lại các cuộc hòa đàm tại Trung Đông càng sớm càng tốt.

Hiện, EU là nhà tài trợ quốc tế lớn nhất cho Palestine, song không có ảnh hưởng lớn đối với Chính phủ Israel.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Đặc phái viên về Trung Đông của Tổng thống Mỹ, ông George Mitchell, đang ở thăm khu vực này nhằm thuyết phục Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán - nhiệm vụ mà giới phân tích nhận định là khó hoàn thành.

Trước thềm chuyến thăm của ông Mitchell, giới chức Palestine ngày 21/1 bày tỏ ít hy vọng vào khả năng đặc phái viên của Mỹ có thể nối lại các cuộc đàm phán với Israel.

Lãnh đạo một phe trong Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Jamil Shehada đánh giá Mỹ không thể gia tăng sức ép với Israel và đã không giữ lời hứa làm ngưng hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái và giải quyết tình hình theo giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, đề nghị mới đây của Israel về sự hiện diện quân sự tại phía Đông nhà nước Palestine tương lai càng làm khó thêm cho nhiệm vụ của ông Mitchell.

Palestine đương nhiên đã phản đối đề nghị này.

Tại Israel, ông Mitchell đã bày tỏ nhất trí với nhận xét của Tổng thống nước này Shimon Peres về "tính nghiêm trọng của tình hình" và cam kết theo đuổi đến cùng mục tiêu đạt được một nền hòa bình toàn diện cho khu vực.

Theo kế hoạch, ông Mitchell sẽ gặp các lãnh đạo Palestine tại Bờ Tây trong ngày hôm nay.

Sau hơn một chục chuyến thăm con thoi tới khu vực này hồi năm ngoái, ông Mitchell vẫn chưa tạo được đột phá. Chuyến công du lần này của ông được xem là "phép thử" về sự nghiêm túc của chính quyền Mỹ cũng như Israel đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát được vấn đề Palestine-Israel, Washington sẽ không thể giải quyết các vấn đề khác trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục