Theo giới khoa học Mỹ, 6 tháng đầu năm 2016 đã trở thành nửa đầu năm nóng nhất kể từ năm 1880 đến nay. Nhiệt độ Trái Đất nóng lên nhanh chóng đi kèm với các biến đổi môi trường đáng sợ đe dọa các vùng rừng Taiga rộng lớn của Nga và các căn cứ quân sự ven biển của Mỹ.
Cơ quan đại dương và khí quyển (NOAA) của Mỹ cho biết trong thời gian trên, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng 0,2°C so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,05°C so với thế kỷ 20. Tháng 6/2016 trở thành tháng nóng nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Goddard thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) của Mỹ, ông Gavin Schmidt, cho biết nhiệt độ trung bình trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 1,3°C so với cuối thế kỷ 19, gần bằng mức nhiệt trong “phương án B” (giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp) được thông qua trong Hội nghị tthượng đỉnh của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris hồi cuối năm ngoái.
Theo chuyên gia của NASA, khoảng 40% mức tăng nhiệt đầu năm nay là do hiện tượng El Nino - mang dòng hải lưu nóng từ Xích đạo lan ra khắp nơi, trong khi 60% còn lại là do các yếu tố khác, đặc biệt là việc Bắc Cực bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hiện tượng Trái Đất nóng lên được quan sát thấy ở mọi nơi, trước hết là trên hầu hết các đại dương, nhưng mức tăng nhiệt độ đáng quan ngại nhất là tại Bắc Cực.
Theo NASA và NOAA, diện tích băng Bắc Cực trong tháng Sáu giảm mạnh nhất, giảm 1,3 triệu km2 so với mức trung bình từ năm 1981 đến 2010 và giảm 259.000km2 so với năm 2010 - năm băng tan nhiều nhất so với trước đó.
Mùa Đông năm nay, nhiệt độ nhiều nơi tại Bắc Cực đã vượt 0 độ C, cao hơn 20 độ C so với nhiệt độ trung bình các năm trước đó.
Hiện tượng Trái Đất nóng lên đã kéo theo nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là việc làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang tại các quốc gia đa sắc tộc.
Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, từ năm 1980 đến 2010, thời điểm bùng phát 23% trong số các cuộc xung đột vũ trang tại 5 quốc gia đa sắc tộc (trong đó có Syria, Afghanistan và Somalia) trùng với thời điểm xảy ra các thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là tình trạng hạn hán.
Hồi cuối tháng Bảy vừa qua, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã kêu gọi cứu trợ khẩn cấp 109 triệu USD để cung cấp giống, phương tiện và phân bón cho 10 quốc gia miền Nam châu Phi đang bị nạn khô hạn nghiêm trọng, giúp họ có thể tự sản xuất lương thực mà không phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo.
Khoảng 23 triệu người châu Phi, từ Madagascar, đến Mozambic, Nam Phi, Tanzania… đang trong tình trạng thiếu đói nặng. Một số tổ chức quốc tế khác ước tính có đến 40 triệu người bị đói tại phía Nam và Đông Phi và trong đó có tới 26,5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu nước và bị nhiều bệnh tật đe dọa./.