Nhiều dấu hiệu sai phạm trong vụ tai nạn lò gạch ở Mê Linh

Sử dụng lao động tự do, xây dựng công trình thiếu phép, Công ty TNHH Phú Hà thậm chí còn tự ý xẻ nhỏ dự án để cho thuê lại với thời hạn kéo dài 5 năm.
Nhiều dấu hiệu sai phạm trong vụ tai nạn lò gạch ở Mê Linh ảnh 1Một lò gạch của công ty Phú Hà (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Ngày 21/4 vừa qua, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại địa bàn xã Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội khi lò sấy gạch của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Du lịch Phú Hà đổ sập xuống. Hậu quả, một công nhân đã tử vong ngay trên đường đi cấp cứu.

Tới sáng ngày 26/4, thêm một nạn nhân nữa đã tử vong do đa chấn thương càng khiến mức độ của sự việc thêm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên, một loạt các dấu hiệu không bình thường, tiền hậu bất nhất xung quanh tới dự án này cũng dần bộc lộ.

Trước đó, như Vietnam+ đã đưa tin, vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng ngày 21/4, trong lúc đang thi công phần lò sấy tại khu sản xuất gạch của Công ty Phú Hà, một phần công trình đã đổ sập xuống khiến cho anh Lê Đức Toàn (sinh năm 1973, trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) tử vong trên đường đi cấp cứu. Ngoài ra, hai công nhân khác là các anh Nguyễn Hữu Đoan (sinh năm 1977, trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) và ông Đỗ Trung Lập (sinh năm 1962, trú tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội) bị thương.

Vào thời điểm này, ông Hoàng Bảo Hà, đại diện Công ty Phú Hà cho hay: Số công nhân trên đều là lao động tự do được Phú Hà tuyển vào làm thời vụ nên toàn bộ hợp đồng đều được thực hiện bằng… miệng. Theo vị đại diện công ty, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn là nhóm công nhân này “bất cẩn” khi xây dựng nên đã khiến một phần mái lò sấy bị sập xuống.

Theo thừa nhận của ông Hoàng Bảo Hà, toàn bộ công trình trên không có bản vẽ thiết kế cũng như chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Hơn nữa, mặc dù là dạng công trình mái vòm phức tạp, phía Phú Hà lại cho tiến hành xây bằng gạch, không có hệ thống bê tông, cốt thép chịu lực. Bản thân phía chủ sử dụng lao động cũng không xin phép các cơ quan quản lý Nhà nước hay báo cáo với chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Không chỉ sử dụng lao động tự do, xây dựng công trình không phép, phía Phú Hà thậm chí còn “lập lờ đánh lận con đen” khi tự ý ký kết các hợp đồng kinh tế giao các lò gạch cho các cá nhân khai thác và sản xuất với thời hạn dài trong khi bản thân Phú Hà vẫn phải ký hợp đồng thuê đất một năm một với thành phố Hà Nội.

Nhà máy sản xuất gạch tại xã Văn Khê bắt đầu hoạt động từ năm 2007, do Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép đầu tư và cho thuê đất với thời hạn 3 năm. Sau khi sáp nhập huyện Mê Linh về Hà Nội, UBND TP Hà Nội tiếp tục cho Phú Hà thuê đất để thực hiện dự án sản xuất gạch nung tại chỗ, ký hợp đồng hằng năm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ngay từ năm 2010, Công ty Phú Hà đã “mạnh dạn” xẻ dự án để ký các hợp đồng kinh tế với một số cá nhân để “chuyển nhượng” lại các cặp lò cho một số cá nhân.

Nhiều dấu hiệu sai phạm trong vụ tai nạn lò gạch ở Mê Linh ảnh 2Hợp đồng cho thuê lại một phần dự án của Phú Hà (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Cụ thể, ngày 30/9/2010, bà Nguyễn Thị Quý, Giám đốc Phú Hà đã ký bản hợp đồng kinh tế với ông Nguyễn Văn Chỉnh (thôn Vĩnh Hạ, Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) đồng ý giao cho ông Chỉnh đươc nhận thầu khai thác để sản xuất gạch nung chín tại chỗ. Đáng chú ý, thời hạn của bản hợp đồng trên kéo dài đến 5 năm[Trong khi Phú Hà vẫn phải ký hợp đồng thuê đất với Hà Nội mỗi năm một lần-PV]; với số tiền thuê lên tới 200 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, bản hợp đồng này cũng ghi rất rõ: Bên B (bên thuê lại lò của Phú Hà) được phép “sử dụng đất bãi bồi” để làm nguyên liệu sản xuất. Trong khi đó, khi làm việc với phóng viên, đại diện công ty, ông Hoàng Bảo Hà vẫn khẳng định: Toàn bộ đất phục vụ việc sản xuất đều được công ty này… mua về từ nơi khác.

Lạ lùng hơn, việc doanh nghiệp tự ý xẻ thịt dự án để sang nhượng lại đã diễn ra ngay từ năm 2010 nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Khê, ông Lưu Trần Quân lại khẳng định chưa nằm được thông tin này. Trong khi đó, một chủ thầu lại lò của Phú Hà cho hay, hiện có không ít người có trong tay bản hợp đồng tương tự.

Liên quan đến vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ngày 21/4 cũng như những dấu hiệu bất thường liên quan tới dự án, Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh đã có văn bản báo cáo lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Đại diện Ủy ban huyện cũng cho hay, huyện đã nắm bắt được những thông tin xung quanh dự án này. Huyện Mê Linh cũng đã quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường và an toàn lao động tại Công ty Phú Hà.

Cụ thể, theo văn bản số 2323/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh, đoàn công tác sẽ do ông Đinh Ngọc Thức, trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện làm tổ trường. Đoàn công tác có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các quy định tại nhà máy sản xuất của công ty Phú Hà; trên cơ sở này tổng hợp, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo giải quyết. Dự kiến, trong đầu tháng 5/2014 tới đây, kết quả kiểm tra sẽ được công bố.

Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc tới độc giả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục