Cơn “khát” nước sạch

Nhiều hòn đảo Thái Bình Dương “khát” nước sạch

Tokelau, gồm ba hòn đảo với chỉ khoảng 1.400 dân, đã trở thành cộng đồng thứ hai ở Nam Thái Bình Dương bị cạn kiệt nước ngọt.
Tokelau, vùng lãnh thổ do New Zealand quản lý gồm ba hòn đảo với chỉ khoảng 1.400 dân, đã trở thành cộng đồng thứ hai ở Nam Thái Bình Dương lâm vào “cơn khát” nước sạch, sau khi đảo quốc Tuvalu tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì cạn kiệt nước.

Phát biểu trên đài phát thành quốc gia, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully cho biết sau đợt hạn hán kéo dài do hiện tượng thời tiết bất thường La Nina gây ra, Tokelau hiện chỉ còn lượng nước sạch đủ dùng chưa đến một tuần, nên buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 4/10.

Ông McCully nhấn mạnh: "Họ là các công dân New Zealand và họ chỉ còn lượng nước sạch chưa tới một tuần."

Trước đó một ngày (3/10), giới chức tại Tuvalu, một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới với dân số chưa tới 11.000 người, cũng cho biết lượng nước sạch được dự trữ đang cạn kiệt.

Một máy bay của không quân New Zealand hôm qua đã hạ cánh xuống Tuvalu, chở theo các két đựng nước sạch và các thiết bị khử muối.

Đảo quốc Tuvalu nằm giữa Hawaii và Australia, còn Tokelau cách Tuvalu khoảng 500km về phía Tây.

Cũng theo ông McCully, các hòn đảo khác ở Nam Thái Bình Dương cũng thông báo thiếu nước sạch và New Zealand đang khẩn trương đánh giá tình hình trên khắp khu vực giữa những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng có thể leo thang.

Ông McCully cho rằng New Zealand, một trong những nước viện trợ chính tại khu vực Thái Bình Dương, có thể sẽ được kêu gọi để trợ giúp một số khu vực khác, nhưng không nói rõ những nơi nào.

Tuần trước, Hội Chữ thập Đỏ đã công bố báo cáo về Tuvalu và chỉ rõ nguồn nước sạch tại thuộc địa cũ của Anh này chủ yếu dựa vào mưa, nhưng mưa lại trở nên khan hiếm trong năm nay do hiện tượng thời tiết La Nina.

Theo các chuyên gia, La Nina gây thời tiết khắc nghiệt, trong đó có cả hạn hán và lũ lụt, đồng thời là nguyên nhân gây ra các trận bão và lũ lụt tại Australia, khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ trong thời gian từ cuối năm 2010 tới đầu năm 2011./.

Đoàn Hùng/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục