Nhiều sai phạm trong vụ cột điện “đâm xuyên” nhà 4 tầng?

Sau vụ việc một cột điện “đâm xuyên” căn nhà 4 tầng trên đoạn đường Trần Khát Chân kéo dài (Phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), rất nhiều điểm bất thường đã dần hé lộ.
Nhiều sai phạm trong vụ cột điện “đâm xuyên” nhà 4 tầng? ảnh 1Cột điện "mọc xuyên" qua trần nhà 4 tầng (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Sau vụ việc một cột điện “đâm xuyên” căn nhà 4 tầng trên đoạn đường Trần Khát Chân kéo dài (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), rất nhiều điểm bất thường đã dần hé lộ. Kèm theo đó cũng là một loạt câu hỏi cần các cấp chính quyền sớm vào cuộc giải đáp: Vì sao cột điện này có thể “chui” thẳng qua trần tầng 1 để nằm gọn trong căn nhà? Ngôi nhà 4 tầng xây dựng có đúng với giấy phép được giao?

Hé lộ nhiều bất cập

Trước đó, như VietnamPlus đã phản ánh, ngay tại đầu đường Trần Khát Chân kéo dài, từ nhiều tháng nay đã xuất hiện 1 căn nhà 4 tầng “ôm” quanh một trụ điện hình trụ. Đáng chú ý, cây cột này vẫn đang thực hiện nhiệm vụ cung cấp và truyền tải điện cho nhiều hộ dân xung quanh.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thơm, chủ căn nhà trên cho hay: Khi gia đình bà đang tiến hành xây dựng công trình ở tầng 1 thì Ban quản lý dự án tả ngạn và đơn vị thi công đường Trần Khát Chân kéo dài đã trồng tạm một cột điện trước cửa để cung cấp điện cho các hộ dân trong ngõ.

Theo bà Thơm, do tưởng dự án đường sẽ làm nhanh, nên bà chủ quan vẫn để thợ tiến hành xây dựng bình thường, khiến phần tầng 2 căn nhà “chùm” lên cây cột như hiện nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đường Trần Khát Chân kéo dài thuộc Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái), có chiều dài 570m, rộng 50m, được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư là 383 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 10 năm chậm triển khai, đến tháng 9/2014, dự án được điều chỉnh mức đầu tư tăng gấp gần 3 lần, tương đương số tiền 1.139 tỷ đồng. Đến thời điểm này, lòng đường, vỉa hè đoạn đường này đã cơ bản được hoàn tất.

Nhiều sai phạm trong vụ cột điện “đâm xuyên” nhà 4 tầng? ảnh 2Căn nhà 4 tầng có nhiều dấu hiệu sai phạm (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Xác nhận thông tin trên, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng cho biết, căn cứ vào báo cáo từ Công ty Điện lực Hai Bà Trưng thì cây cột trên được Ban quản lý dự án tả ngạn trồng từ tháng 10/2015 trong quá trình thực hiện dự án vành đai I. Hiện, cây cột này nằm trong dự án di dời, hạ ngầm cáp điện nên ban quản lý dự án tả ngạn chưa bàn giao cho Công ty Điện lực Hai Bà Trưng quản lý và xử lý dứt điểm.

Để xử lý, Công ty Điện lực Hai Bà Trưng cũng đã có công văn gửi Ban quản lý dự án tả ngạn, Ủy ban nhân dân phường Thanh Lương đề nghị phối hợp xử lý vụ việc.

Ngoài sự “chậm trễ” từ Ban quản lý dự án, không thể không xét đến việc Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng, Thanh tra địa bàn cũng như cán bộ sở tại đã buông lỏng quản lý khi để căn nhà 4 tầng “ôm” nguyên cột điện vẫn đang được sử dụng.

Cụ thể, căn cứ theo giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế do bà Trần Thị Thơm cung cấp, căn nhà trên được cấp phép xây với mật độ 100% và gia đình bà Thơm cũng đã xây dựng hết phần diện tích đất của gia đình. Tuy nhiên, thay vì xây dựng phần ban công nhô ra 1m, gia đình bà Thơm lại biến phần ban công này thành sàn nhà và kéo lên trên các tầng cao hơn. Do đó, công trình nhà 4 tầng bỗng “nhô” hẳn ra phía ngoài. Phần diện tích “dôi dư thêm” dao động từ 4-5m2 cho cả 3 tầng trên.

Đánh giá về vi phạm này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia luật và liên danh - cho hay, hành vi của chủ đầu tư xây dựng căn nhà trên đã vi phạm vào điểm 2.8.10 của “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng” ban hành theo Quyết định 04/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.

Theo phân tích của luật sư Tuấn, điểm 2.8.10 của bản quy chuẩn trên quy định các trường hợp phần nhà được phép nhô quá chỉ giới đường đỏ trong trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ. Cụ thể, tùy theo chiều rộng lộ giới, các công trình xây dựng được phép nhô ra 0-1,4m.

“Bản quy chuẩn này cũng quy định, trên phần nhô ra chỉ được làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng. Đối chiếu với ngôi nhà trên thì chủ đầu tư xây dựng đã có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng. Hành vi này sẽ bị xem xét, xử phạt theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.” - luật sư Tạ Anh Tuấn nhận định.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 1, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cho hay: Việc một số công trình xây dựng “trùm” lên lưới điện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ, nhất là trong điều kiện thời tiết khô nóng hiện nay.

Đại tá Vụ cho hay: Trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 1 phụ trách đã có tới 23% số vụ hỏa hoạn do cháy cột điện và liên quan đến điện.

“Về mặt nguyên tắc, chúng tôi đều khuyến cáo người dân không nên đưa đường dây điện luồn qua mái nhà, mái tranh tre nứa lá vì nguy cơ hỏa hoạn là rất lớn, có thể gây ra cháy lan sang các khu vực xung quanh. Đây là tình trạng khá phổ biến đặc biệt tại các khu tập thể cũ, mật độ đông, đường dây xuống cấp,” Đại tá Vụ nhấn mạnh.

Điển hình nhất là vụ cháy xảy ra tại chính ngôi nhà 4 tầng “ôm” cột điện tại đầu đường Trần Khát Chân kéo dài ngày 7/6 vừa qua. Trong sự việc này, điểm phát hỏa được xác định là từ hệ thống dây điện được mắc chằng chịt trên hệ thống cột tạm trên đoạn đường này.

Nhiều sai phạm trong vụ cột điện “đâm xuyên” nhà 4 tầng? ảnh 3Nguy cơ cháy nổ từ những công trình "ôm" cột điện là rất cao (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Điểm đáng chú ý nhất là mặc dù các cơ quan phòng cháy chữa cháy và điện lực liên tục đưa ra khuyến cáo, nhưng người dân vẫn cứ… vi phạm với lý do “trong phạm vi đất của tôi thì tôi cứ làm.” Ngay chủ ngôi nhà “ôm” cột điện, bà Trần Thị Thơm cũng giải thích: do chủ quan, nghĩ dự án làm đường sớm hoàn thành, nên bà vẫn cứ để công nhân thi công trùm lên cột điện…

Vị trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 1 cũng nhấn mạnh, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chập, cháy do điện như: Cháy atomat, cháy do chất lượng đường dây xuống cấp, người dân sử dụng nhiều thiết bị điện, không đảm bảo an toàn, cắm ổ cắm không sâu dẫn đến hiện tượng chập; sử dụng thiết bị điện để lưu điện (máy photocopy, máy in, máy tính), quá trình lưu điện dẫn đến cháy, do chuột bọ cắn đường dây. Ngoài ra, ông Vụ cũng khuyến cáo người dân không để các thiết bị điện gần các vật dễ cháy như quần áo, vải vóc, giấy tờ…

“Hiện chúng tôi đang có chương trình phối hợp với bên điện lực để vận động các hộ dân sửa chữa, thay thế cải tạo lại hệ thống điện. Tuy nhiên, biện pháp chủ yếu hiện tại mới chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân,” đại tá Vụ cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục