Nhiều ý kiến khác nhau về quy định mức độ tín nhiệm để bỏ phiếu

Ngày 13/6, các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc quy định các mức độ tín nhiệm để bỏ phiếu.
Ông Trương Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 13/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết về quản lý quỹ bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng các tỉnh, thành phố có số thu bảo hiểm y tế dành cho khám chữa bệnh lớn hơn số chi khám chữa bệnh trong năm thì phần kinh phí chưa sử dụng hết được phân bổ theo lộ trình.

Từ ngày Luật này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020, 20% để lại tại các địa phương để các địa phương chủ động hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng việc khám chữa bệnh thông tuyến ở địa bàn tỉnh; từ ngày 01/01/2021, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để điều tiết chung như quy định tại khoản 3 Điều 35 của dự thảo Luật. Như vậy, sau lộ trình 5 năm, đến ngày 01/01/2021, quỹ bảo hiểm y tế sẽ được quản lý hoàn toàn tập trung, thống nhất và điều tiết chung trong phạm vi cả nước.

Đồng thời, để tiếp tục đảm bảo công bằng, giảm chênh lệch mức tiếp cận chính sách an sinh xã hội giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng, phần ngân sách Nhà nước dành cho y tế hằng năm phải được điều chỉnh theo hướng đầu tư tập trung cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhân lực đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cho người dân ở những địa bàn này.

Về thẻ bảo hiểm y tế và quyền lợi của trẻ em tham gia bảo hiểm y tế tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó như quy định tại điểm d khoản 3 Điều 16.

Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm thế nào cho hợp lý?

Thảo luận Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), các ý kiến tập trung cho ý kiến vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; mức đánh giá trong lấy phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được đánh giá “tín nhiệm thấp”… ; làm rõ một số điểm về quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Bàn về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm (Điều 1), nhiều ý kiến nhất trí với việc tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân như đã quy định tại Nghị quyết số 35. Tên gọi của Nghị quyết đã xác định rõ đây là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Mặc dù thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng là những người chịu sự giám sát của Hội đồng Nhân dân và có trách nhiệm báo cáo, trả lời chất vấn tại Hội đồng Nhân dân, nhưng thẩm quyền đánh giá, quản lý cán bộ lại không thuộc Hội đồng Nhân dân. Do vậy, việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này sẽ được thực hiện theo quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức và các quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.

Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người đứng đầu cơ quan tư pháp như chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và một số cơ quan chuyên môn khác được tổ chức theo ngành dọc như cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng nhà nước.

Đại biểu Trang đánh giá đây là những người trực tiếp điều hành các lĩnh vực chuyên môn có liên quan mật thiết tới kinh tế-xã hội và đời sống của người dân của địa phương. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung thêm đối tượng là thủ trưởng các cơ quan của Hội đồng Nhân dân; trưởng ban kiêm nhiệm của Hội đồng Nhân dân…

Thảo luận về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (Điều 7), một số ý kiến tán thành với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.

Các ý kiến này cho rằng quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần vừa bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ có đủ thời gian thể hiện năng lực, trình độ của mình, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ khi cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục