Nhìn lại đối tác mậu dịch lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông-Bắc Phi

Nếu như năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ đạt 140 triệu USD thì đến năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đã đạt 3,85 tỷ USD.
Nhìn lại đối tác mậu dịch lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông-Bắc Phi ảnh 1(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)

Trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào nhiều thị trường đã đạt tới ngưỡng thì Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được đánh giá là thị trường hết sức tiềm năng, mở ra cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam, nhất là khi việc khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA) đã được ký ở cấp Bộ trưởng ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước.

Nếu như năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ đạt 140 triệu USD thì đến năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đã đạt 3,85 tỷ USD. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE ước đạt trên 1,12 tỷ USD, tăng mạnh 22,14% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số sản phẩm của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn và tiếp tục có khả năng xuất khẩu sang thị trường UAE trong năm nay.

Cụ thể, nhóm thuỷ sản, theo số liệu thống kê năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang UAE tăng trên 18% so với năm 2021. Riêng mặt hàng cá tra đông lạnh, phi lê, Việt Nam đang đứng đầu thế giới xuất khẩu vào UAE, chiếm trên 50% thị phần.

Bên cạnh đó, hạt điều Việt Nam hiện cũng chiếm thị phần lớn nhất tại UAE, tới 81%, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 55 triệu USD, tăng 14% so với năm 2021; hạt tiêu Việt Nam cũng chiếm tới 60% thị phần nhập khẩu của UAE, đạt kim ngạch 58 triệu USD.

Với mặt hàng gạo, Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới sau Ấn Độ và Pakistan về xuất khẩu vào UAE, kim ngạch năm 2022 đạt 25 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,3%, đây cũng là nhóm hàng tiềm năng để xuất khẩu vào UAE trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục