Nhìn lại thế giới 2020: Bức tranh Trung Đông thay đổi

Một số nhà quan sát cho rằng các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ 4 nước Arab với Israel phản ánh sự thay đổi các ưu tiên hàng đầu của khu vực và những quan ngại chung của một số nước ở Trung Đông.

Nửa cuối năm 2020 là thời điểm thế giới chứng kiến 4 nước Arab nhất trí bình thường hóa quan hệ với Israel.

Một số nhà quan sát cho rằng các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ này phản ánh sự thay đổi các ưu tiên hàng đầu của khu vực và những quan ngại chung của một số nước ở Trung Đông.

Ưu tiên hàng đầu thay đổi

Trao đổi với Tân Hoa Xã, Jihad Odeh - Giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học Helwan ở Cairo - cho rằng các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ nói trên "dẫn tới một sự thay đổi đáng kể trong định hướng chính trị của các quốc gia Arab."

Trong khi đó, Saad Rashid - nhà phân tích chính trị của nhật báo Al-Watan (Bahrain) - cho rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và 4 quốc gia Arab được coi là "bước ngoặt" trong sự liên kết chiến lược của khu vực.

Rashid nói: "Khu vực Trung Đông lâu nay phải đối mặt với một loạt thách thức, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, một số nước đã lợi dụng cuộc xung đột này để nhấn chìm sự ổn định của khu vực."

[Quan hệ bí mật giữa Maroc và Israel trước khi có bước đột phá lịch sử]

Ông tin rằng mục tiêu của việc bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arab với Israel là nhằm "đảm bảo sự ổn định."

Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng sống còn là phải thiết lập một mối quan hệ như vậy vì Israel là một lực lượng khoa học tiên tiến, và việc duy trì sự ổn định trong khu vực sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước. Các quốc gia Arab từng hơn một lần bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine và giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine, kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Đây là nhân tố then chốt của các thỏa thuận bình thường hóa."

Lợi ích chung

Salah Al-Doma, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Khartoum, nhận định: "Có rất nhiều lý do dẫn đến việc các nước Arab và Israel bình thường hóa quan hệ, nhưng lý do phổ biến là nhằm tìm kiếm những lợi ích chung cho các nước đó, trong bối cảnh tình hình bất ổn ở khu vực Arab."

Theo ông, các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ tạo thành một động lực dẫn đến những nỗ lực nhằm thành lập một trục trong khu vực để đối đầu với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của những nước như Iran.

Ông nói: "Rõ ràng, các nước Arab khác đang theo dõi chặt chẽ kết quả của các thỏa thuận này, chờ đợi việc gia nhập 'đoàn tàu' bình thường hóa quan hệ này nếu họ tin là việc bình thường hóa mang lại nhiều lợi ích."

Nhìn lại thế giới 2020: Bức tranh Trung Đông thay đổi ảnh 1 Toàn cảnh khu định cư Alon của Israel ở phía đông Jerusalem thuộc khu Bờ Tây bị chiếm đóng. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Nabil Amro, trước đây là đại diện của người Palestine ở Liên đoàn Arab (AL), nói với Tân Hoa Xã rằng năm 2020 đã chứng kiến "một sự thay đổi lớn" về lập trường chính thức của các nước Arab đối với sự nghiệp của người Palestine.

Ông nói: "Việc một số nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel cho thấy một sự thay đổi trong quan điểm chính thức của thế giới Arab mà từng ăn sâu bám rễ trong mối quan hệ Palestine-Arab."

Ông giải thích rằng quan điểm hiện nay của thế giới Arab mang tính 2 mặt: Một mặt, các nước Arab ủng hộ quyền của người Palestine và giải pháp 2 nhà nước; Mặt khác, họ tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel."

Sự nghiệp của người Palestine bị suy yếu

Các nhà lãnh đạo của 4 nước Arab, những nước đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, đã liên tục khẳng định rằng các thỏa thuận này sẽ không làm tổn hại đến sự nghiệp của người Palestinian, nhưng người Palestine lại cho rằng việc các nước Arab thiết lập quan hệ hữu nghị với Israel đã làm suy yếu quan điểm lâu nay của toàn thế giới Arab đối với sự nghiệp của người Palestine.

Hani Al-Masry, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách của người Palestine có trụ sở tại Ramallah, cho rằng việc các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel đã làm xói mòn nỗ lực thành lập nhà nước của người Palestine.

Ông nói: "Điều nguy hiểm nhất trong các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của các nước Arab với Israel là nó đặt nền móng cho những bước công khai đầu tiên hướng đến việc thiết lập một liên minh giữa một số nước Arab, Mỹ và Israel."

Al-Masry cho rằng các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ này "trên thực tế không có chi tiết nào ủng hộ sự nghiệp của người Palestine," đồng thời các thỏa thuận này không ngăn được Israel ngừng xâm chiếm đất và ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây.

Ông nhấn mạnh: "Thật ảo tưởng khi tin rằng việc các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ buộc người Palestine phải chấp nhận đề xuất của Israel dựa trên việc xóa bỏ sự nghiệp cũng như các quyền hợp pháp của họ (người Palestine). Sẽ không thể có một nền hòa bình công bằng và toàn diện"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục