Nhìn lại thế giới 2020: Thực hư về 'phép màu' kinh tế Trung Quốc

Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế châu Âu.Tuy nhiên, số liệu từ Trung Quốc lại dường như khá ngoạn mục, các chỉ số sản xuất và dịch vụ của nước này đều tăng trưởng.
Nhìn lại thế giới 2020: Thực hư về 'phép màu' kinh tế Trung Quốc ảnh 1Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ôtô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mạng tin eurasiareview.com cho biết năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế châu Âu.

Tác động mạnh của các biện pháp phong tỏa mới trong quý 4 càng làm nghiêm trọng thêm mức sụt giảm kinh tế chưa từng có tiền lệ.

Morgan Stanley ước tính rằng GDP của Khu vực sử dụng chung đồng euro (eurozone) sẽ giảm 2,2% trong quý 4 và giảm 7% trong cả năm 2020.

Ngoài ra, ngân hàng đầu tư này đã hạ thấp dự báo triển vọng kinh tế của năm 2021, với mức phục hồi trung bình chỉ đạt 5% ở khu vực đồng euro, và đến năm 2023 mới phục hồi được mức tăng trưởng GDP của năm 2019.

"Tăng trưởng không tạo ra việc làm" thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Số liệu cho thấy sự khôi phục kinh tế có vẻ đầy ngoạn mục trong quý 3 thực ra lại không tạo ra thêm việc làm.

[Capital Economics: GDP của Trung Quốc có thể tăng 10% trong năm 2021]

Tỷ lệ thất nghiệp ở eurozone trong tháng Chín ở mức 8,3% và ở Tây Ban Nha là 16,5%, đó là chưa kể tới hàng triệu lao động buộc phải cho nghỉ phép ở châu Âu.

Trên nền bối cảnh đó, sự phục hồi kinh tế của Mỹ dường như có vẻ mạnh hơn nhiều. GDP được phục hồi trong quý 3 chỉ thấp hơn 3,5% so với năm 2019.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6,9% trong tháng 10, song vẫn cao hơn mức năm 2019 - năm tỷ lệ người có việc làm đạt mức kỷ lục.

Tuy nhiên, số liệu từ Trung Quốc lại dường như khá ngoạn mục. Chỉ số sản xuất và dịch vụ của nước này đã cho thấy một sự mở rộng đáng ghen tị. GDP trong ba quý đầu năm đã tăng 0,7% sau khi tăng trưởng trong quý 3 đạt 4,9%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Trung Quốc hiện là 5,4%, sau khi bị tăng lên 6% trước đó. Điều gì đằng sau "phép màu" của Trung Quốc so với khu vực eurozone "nghèo khó"?

Một GDP có kế hoạch. GDP của Trung Quốc được quyết định bởi sản xuất, không phải bởi nhu cầu. Đây không phải là một GDP được rút ra sau quá trình quan sát, mà do chính phủ cùng các tỉnh cùng lập kế hoạch.

Vì lý do này, nhiều nhà phân tích xem xét kỹ lưỡng dữ liệu này và loại trừ các yếu tố khác nhau, bao gồm sự gia tăng và định giá hàng hóa tồn kho.

Không phải ngẫu nhiên mà tồn kho quặng sắt, ôtô và hàng thành phẩm đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua trong khi nền kinh tế phục hồi.

Nếu tình hình kinh tế thực sự đang phát triển như được thông báo, hàng hóa tồn kho sẽ phải giảm xuống nhanh chóng khi được bán ra.

Phần lớn hàng hóa tồn kho này được sản xuất ra nhưng sau đó không được bán đi và vẫn nằm trong kho.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi giá thành công nghiệp giảm 2,1% trong tháng Chín, giá thành xuất khẩu giảm 0,9%, và nợ của cả nước tăng 13,5% trong khi nền kinh tế dường như đang phục hồi một cách thần kỳ.

Lợi nhuận kinh doanh công nghiệp đã giảm 2,4% từ tháng Một đến tháng Chín, và hơn nữa giá cả hàng hóa được giao tại cổng nhà máy (chi phí sản phẩm không bao gồm chi phí giao nhận tới tay nhà bán lẻ) giảm nhanh hơn dự kiến trong tháng Chín vừa qua và có nguy cơ giảm phát.

Đây là những dấu hiệu của một nền kinh tế đang phục hồi chậm, giống như tất cả những nền kinh tế khác, chứ không phải là một "phép màu" tăng trưởng.

Trong số phần lớn các nền kinh tế, hàng hóa tồn kho được định theo giá cả thị trường, nhưng tại Trung Quốc, chúng được các nhà chức trách định giá và được điều chỉnh lại sau đó.

Sự thay đổi liên tục căn cứ và phương pháp luận cũng làm dấy lên những nghi ngờ về tăng trưởng hàng năm, cho dù Trung Quốc rõ ràng ngày càng trở nên minh bạch hơn trong những năm gần đây.

Một yếu tố khác khó phân tích là sự tăng trưởng của hoạt động xây dựng tại một quốc gia nơi trình trạng thừa công suất là rất rõ ràng và các thành phố "ma" cùng các dự án phi kinh tế "voi trắng" đang nhân rộng nhanh chóng.

Ẩn chứa đằng sau việc giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị của Trung Quốc là một thực tế phức tạp hơn.

Theo nghiên cứu “Xu hướng dài hạn về tỷ lệ thất nghiệp và sự tham gia của lực lượng lao động ở Trung Quốc” (Tài liệu làm việc số 21460 của tổ chức NBER), tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trung bình là gần 11% và có lẽ là trên 13% trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong một nghiên cứu gần đây (“Kiểm tra biện luận đối với các tài khoản quốc gia của Trung Quốc” [2019]), các tác giả kết luận rằng GDP của Trung Quốc có thể đã bị phóng đại khoảng 2% mỗi năm, từ năm 2008 đến năm 2016, qua đó cho thấy rằng GDP thực tế của Trung Quốc có thể thấp hơn 18% so với con số chính thức. GDP của Trung Quốc không bao giờ bị xem xét lại.

Đây là một yếu tố quan trọng mà các nhà chức trách Trung Quốc đã cố gắng sửa chữa bằng cách buộc NBS (Cục Thống kê Quốc gia) phải minh bạch hơn và có các điều chỉnh.

Vấn đề là các tỉnh đã chạy đua với nhau nhằm đưa ra những con số ngoạn mục, và mức độ điều chỉnh của cơ quan quốc gia không bù đắp được cho những “sự phóng đại” này.

Một vấn đề khác là các sửa đổi hàng năm chỉ tính toán tăng trưởng, nhưng không được sửa đổi số liệu GDP của năm đó. Cơ sở tính toán bị giảm xuống.

Ví dụ, theo công ty tư vấn độc lập China Beige Book, tổng chi phí đầu tư trong quý 3/2019 đã được điều chỉnh giảm 2.300 tỷ nhân dân tệ (NDT). Khi con số năm 2019 giảm xuống, sự tăng trưởng trên cùng một dữ liệu cho năm 2020 có vẻ ngoạn mục.

Cách đánh giá tương tự cũng được thực hiện với số liệu bán lẻ: số liệu của tháng 8/2019 đã được điều chỉnh giảm 50 tỷ nhân dân tệ và từ đó khiến con số tăng trưởng của năm 2020 có vẻ như là thần kỳ.

Tuy nhiên, việc sửa đổi nhiều như vậy trong cách tính toán cơ sở các số liệu của năm 2019 đã không khiến GDP của năm 2019 bị điều chỉnh giảm xuống.

Những vấn đề phương pháp luận này cũng xuất hiện trong cuộc khảo sát được sử dụng để tính toán tăng trưởng GDP. Chính phủ sử dụng một danh sách các công ty tạo ra mức doanh thu tối thiểu.

Danh sách đó lúc tăng lúc giảm, từ đó gây ra các vấn đề về tính đồng nhất mà NBS cố gắng điều chỉnh.

Nhìn lại thế giới 2020: Thực hư về 'phép màu' kinh tế Trung Quốc ảnh 2Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 10/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ở Mỹ, mỗi dữ liệu hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng được phân tích bởi các thực thể độc lập khác nhau và mỗi điểm dữ liệu không thể bị thao túng bởi một cơ quan chính phủ. Đó là lý do tại sao GDP của Mỹ liên tục được điều chỉnh. Trung Quốc chỉ có duy nhất một GDP và nó không được sửa đổi.

Đây là một điều rất đáng tiếc bởi thực tế mà các công ty và người dân ở Trung Quốc quan sát được đó là nền kinh tế nước này đang phục hồi một cách chậm chạp và không đồng đều, nhưng thực sự là đang phục hồi, có thể là với mức giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, và dù trong bất kỳ trường hợp nào đây vẫn là một con số rất khả quan.

Bị rơi vào tình trạng thừa công suất và có tâm lý vui mừng thái quá, một số tỉnh cạnh tranh để đưa ra số liệu tốt hơn so với các tỉnh khác, từ đó làm dấy lên nghi ngờ về sự cải thiện nền kinh tế trên thực tế.

Bắc Kinh đã cam kết đưa ra dữ liệu theo tiêu chuẩn của IMF, nhưng việc thiếu sự giám sát độc lập và sự cạnh tranh giữa các tỉnh khi đưa ra những con số tích cực và ngoạn mục tiếp tục tạo ra nhiều điểm mâu thuẫn giữa doanh số bán hàng, hàng tồn kho, tiêu thụ và lợi nhuận.

Sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc thực sự đang diễn ra, nhưng nó không khác gì so với nhiều quốc gia hàng đầu châu Á khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục