Nhịp cầu nối đôi bờ vui trước Tết, dân bản thỏa ước mơ

Những cây cầu treo dân sinh đã được hoàn thành, chấm dứt cảnh người dân địa phương phải qua sông bằng bè, mảng đã tồn tại bao đời nay.
Nhịp cầu nối đôi bờ vui trước Tết, dân bản thỏa ước mơ ảnh 1Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng vì cầu treo hoàn thành giúp việc đi lại dễ dàng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Những ngày cận Tết Nguyên đán này, người dân ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn đang náo nức mừng vui bởi nhiều cây cầu treo thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh và đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã được hoàn thành, chấm dứt cảnh người dân địa phương phải qua sông bằng bè, mảng đã tồn tại bao đời nay.

Sắp hết thời “thủy thần” rình rập

Trên địa bàn các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, khi chưa có cầu treo xây dựng, người dân phải lội qua sông vào mùa cạn và dùng bè, mảng vào mùa nước lũ. Thậm chí, một số cây cầu tạm được dựng lên chỉ vài 3 cây luồng và những tấm phên tre để phương tiện và người có thể lưu thông qua đôi bờ.

Ngày nào cũng ra ngắm cầu, coi tiến độ thi công qua từng ngày, ông Vi Văn Thắng, 82 tuổi, dân tộc Nùng ở bản Khe Hai, xã Văn Lang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết, trước kia, khi chưa xây dựng cầu treo Liên Phương, bà con băng qua sông, suối bằng bè, mảng nên rất nguy hiểm. Đặc biệt vào mùa mua, nhiều cháu học sinh không thể đến trường bởi “thủy thần” luôn luôn rình rập và có thể “cướp” mạng sống bất cứ lúc nào.

“Cầu treo xây dựng xong không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân, thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển sản xuất mà còn xóa nạn mù chữ cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số Nùng, Dao, Mông, Tày ở bản Khe Hai và bản Tèn. Mong sao cây cầu được hoàn thành thật nhanh. Người già như chúng tôi háo hức chờ đến ngày khánh thành để được bước chân lên cầu mới cho mãn nguyện bao đời nay,” bác Thăng chia sẻ.

Có mặt tại công trường xây dựng cầu treo Hái Hoa 2, xã Phấn Mễ, Phú Lương, Thái Nguyên, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều cảm xúc, niềm vui của người dân khi nhịp cầu nối đôi bờ.

Theo lời kể của ông Lý Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phấn Mễ, trước kia, chưa có cầu, học sinh phải đi bộ đường vòng mất 4km mới có thể tới cây cầu tre tạm bắc qua suối để đến trường. Vào mùa mưa, nước sông Đu chảy siết và dâng cao đã có lúc cuốn trôi cầu tạm. Vì thế, nhiều thôn của xã bị ngăn cách và gần 1.000 học sinh gặp nhiều khó khăn khi đến trường.

“Ngay sau khi có chủ trương xây dựng cầu treo mới, xã đã vận động người dân địa phương và đã hiến được hơn 1.000m2 để xây cầu. Việc hiến đất xuất phát từ nguyện vọng đi lại của người dân nên nhiều người đã đồng tình và ủng hộ,” ông Nam nói.

Cầu treo Phiêng Lừa và Nà Ngà là 2 trong số 5 cây cầu treo dân sinh được xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến nay đã gần về đích và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán.

Theo lời cụ Triệu Thị Y, người dân tộc Dao, mỗi khi mùa mưa về nước sông dâng cao là mọi hoạt động của người dân bị ngưng trệ, đặc biệt là vào vụ thu hoạch các loại cây trồng nông, lâm sản. Tuy chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra, song nguy cơ vẫn luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ khi nào, nhất là trong mùa mưa lũ.

“Trước kia chưa có cầu phải đi vòng qua sông nên mọi người ngại đi lại lắm, cứ ở mãi bên kia sông không giao lưu buôn bán gì cả. Từ ngày xây cây cầu treo này đến nay ai cũng phấn khởi, nhất là những nhà có con em đang đi học," cụ Y bộc bạch.

Không chỉ riêng tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, nhiều nơi tại các vùng núi khác bà con hàng ngày vẫn phải đối mặt với nguy hiểm rình rập của những khúc sông, con suối trên đường đi lại. Họ mong mỏi những cây cầu sẽ thay thế những bè mảng, những cầu gỗ tạm, không còn những ngày lội nước qua sông để đi làm, đi học.

80 cây cầu nối đôi bờ vui

Là đơn vị thi công các dự án cầu treo ở hai tỉnh Cao Bằng và Thái Nguyên, ông Nguyễn Thanh Kiều, Giám đốc Công ty giao thông số 2 (Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên) vui mừng khi dáng dấp những cầu treo nối liền hai bờ ở các vùng sâu của đồng bào dân tộc đang dần được hình hài.

Ông Kiều bảo, chỉ trong hơn 2 tháng thi công, cầu treo đã hoàn thành tới 96% khối lượng. Nhà thầu đã dùng mọi biện pháp như vừa thi công xây trụ cầu, gia công kết cấu các chi tiết tại công xưởng, lao lắp dầm và kéo cáp… để đáp ứng tiến độ

“Việc đẩy nhanh tiến độ thi công xong trước Tết Nguyên đán là niềm mong muốn của người dân đồng thời là động lực để nhà thầu phấn đấu. Có cụ già hơn 80 tuổi, ngày chả làm gì nhưng vẫn đi lại qua cầu tới 3-4 lần vì cây cầu nối đôi bờ vui,” ông Kiều hồ hởi nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh được giao cho Ban làm chủ đầu tư. Do đó, để đáp ứng tiến độ, Ban đã cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, bám sát dự án đồng thời chia các đơn vị tư vấn, giám sát các công đoạn thi công nhằm đảm bảo chất lượng công trình.

Trực tiếp kiểm tra việc xây dựng từng cây cầu ở các địa phương trên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, dự án cầu treo hợp với lòng dân và được ủng hộ, để có được thành công này là quyết tấm của Tổng cục và Ban Quản lý dự án, nhà thầu tăng cường thiết bị, nhân công vì nhân dân vùng xa, người nghèo để bà con đi lại dễ dàng.

Nhịp cầu nối đôi bờ vui trước Tết, dân bản thỏa ước mơ ảnh 2Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra việc thi công, bảo đảm an toàn của cầu treo. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Một số cầu vượt tiến độ là do đồng bộ tất cả các khâu từ tổ chức, điều hành, giám sát thi công để càng tiết kiệm giá thành rẻ, chất lượng nhanh. Cầu hoàn thành xong để người dân lưu thông trong những ngày Tết có ý nghĩa gấp 10 lần cầu xây sau Tết bởi nhiều địa phương mơ ước bao lâu nay mới có cây cầu,” ông Huyện chia sẻ.

Theo ông Huyện, đến nay, hơn 80 cầu treo đã được hoàn thành xây dựng xong trong trước Tết tại 24 tỉnh thành trên cả nước để đưa vào sử dụng. Hiện có trên 140 cầu triển khai giao mặt bằng, hơn 40 nhà thầu đang thi công. Tháng 6/2015, sẽ hoàn thành 186 cầu treo giai đoạn 1. Tổng cục tổ chức kế hoạch rà soát gần 300 cầu của các tỉnh để triển khai thiết kế giai đoạn 2015-2017 để hoàn thành 4.145 cầu đối với 50 tỉnh còn đang khó khăn.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tuổi thọ và an toàn khai thác của công trình cầu, trước khi quyết định đầu tư xây dựng cầu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, đánh giá cụ thể về nhu cầu giao thông thực tế trong khu vực, sự phù hợp của phương án cầu treo dân sinh với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư xây dựng và an toàn trong khai thác.

Bên cạnh đó, vị Tổng cục trưởng ngành đường bộ cũng cho rằng, giai đoạn đầu với 4.145 cầu chiếm 8.000 tỷ đồng là tương đối lớn. Để tiếp tục tiến độ xây dựng, nguồn vốn huy động xây cầu trong thời gian tới cần từ nhiều nguồn như quỹ ủng hộ tình thương dân sinh, Chính phủ hỗ trợ vốn dư, vốn trái phiếu; Ngân hàng ADB quan tâm cầu treo dân sinh phát triển giao thông địa phương để thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội vùng sâu, vùng xa.

Chia tay những thôn, bản đã có cầu treo chuẩn bị đưa vào khai thác trước Tết này, nhiều bà con không ngại ngần cất giọng hát bài “Nhịp cầu nối những bờ vui” khiến những ai một lần đặt chân lên đây cảm thấy vỡ òa niềm vui với ước mơ từ lâu giờ đã thành hiện thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục