Nhóm Visegrad và Pháp ký thỏa thuận phát triển ngành dược phẩm

Phó Thủ tướng Ba Lan, ông Jaroslaw Gowin cho biết, an ninh của tất cả các nước phụ thuộc vào sự hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp vốn có giá trị chiến lược, như dược phẩm.
Cảnh sát Pháp tuần tra để nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch COVID-19 tại Paris, ngày 14/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Pháp tuần tra để nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch COVID-19 tại Paris, ngày 14/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/6, Bộ trưởng Kinh tế của 4 quốc gia thuộc nhóm Visegrad (V4 gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia), đã ký thỏa thuận với Pháp phát triển ngành dược phẩm của các nước này sau đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp diễn ra ở Krakow (miền Nam Ba Lan), các Bộ trưởng cũng đã thảo luận về vấn đề tái thiết kinh tế sau thời gian buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế kinh doanh để phòng dịch bệnh.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phát triển kinh tế, lao động và công nghệ của Ba Lan, ông Jaroslaw Gowin cho biết: "An ninh của tất cả các nước chúng ta phụ thuộc vào sự hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp vốn có giá trị chiến lược, như dược phẩm."

Ông cũng đánh giá cuộc thảo luận đã diễn ra "đặc biệt hữu ích."

[Nhóm Visegrad nhất trí về cách thức phục hồi kinh tế hậu COVID-19]

Ông Gowin cũng bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Pháp về việc áp thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Ông nói: "Thuế phải được nộp đúng cách, tại các nước mà các tập đoàn này có hoạt động kinh doanh."

Trước đó, tại hội nghị ngày 5/6 ở London (Anh), Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có cam kết mức áp thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%.

Hiện, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang tiến hành thảo luận các quy tắc áp thuế xuyên biên giới giữa 139 quốc gia thành viên.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến ngày 15/4, các Bộ trưởng Tài chính V4 cũng nhất trí đặt mục tiêu trở thành động lực tăng trưởng của châu Âu trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh chia sẻ quan điểm chung về các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế, tuân thủ các quy tắc tài chính và đảm bảo việc làm trong giai đoạn sau dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục