Nhu cầu tuyển dụng ngành du lịch và sản xuất sẽ tăng mạnh trong quý 2

Thị trường lao động trong quý 1 được đánh giá là đã phục hồi rất nhanh chóng. Sang quý 2, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng và người lao động sẽ còn có nhiều cơ hội việc làm hơn.
(Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN)

Những tín hiệu lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 2 là động lực giúp cho thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. Đặc biệt, những ngành đã gần như “đóng băng” trong hai năm qua như du lịch, lưu trú, dịch vụ… cũng đang tăng tốc tuyển dụng nhân sự để phục hồi kinh doanh trong quý 2.

Du lịch gấp rút tuyển dụng

Sự thay đổi lớn nhất trên thị trường lao động trong quý 2 là sẽ có một cuộc “đại tuyển dụng” trong ngành du lịch. Trước đó, du lịch là  một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với khoảng 60-70% nhân lực du lịch đã nghỉ việc, chuyển nghề. Việc du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ ngày 15/3 và nhu cầu du lịch vào các dịp nghỉ lễ, nghỉ Hè sắp tới khiến nhu cầu tuyển dụng của ngành này sẽ tăng mạnh.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết Hà Nội đã cho phép mở cửa trở lại gần hết các hoạt động dịch vụ, du lịch, do đó nhóm ngành về du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí hiện đã bắt đầu ghi nhận các đơn hàng trở lại nên đang tuyển dụng nhân lực số lượng lớn.

Hiện nay, các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn đang gấp rút tuyển dụng và đào tạo nhân viên để chuẩn bị nhanh chóng phục hồi lại hoạt động. Tuy nhiên, với tỷ lệ lớn lao động đã nghỉ việc và chuyển việc, sự thiếu hụt nhân lực cùng với kỹ năng sa sút sau một thời gian dài “ngủ đông” đang là những vấn đề lo ngại đối với doanh nghiệp du lịch, dịch vụ khi tuyển dụng.

Theo ghi nhận của Adecco Việt Nam, ngoài các vị trí truyền thống trong ngành du lịch, các vị trí am hiểu công nghệ đang được săn đón để bảo đảm trải nghiệm khách hàng tốt nhất khi đặt phòng, làm thủ tục hoặc tương tác trực tuyến. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực, nhiều doanh nghiệp du lịch vừa tuyển dụng và đào tạo lại các nhân sự cũ, vừa tìm kiếm sinh viên mới tốt nghiệp để san sẻ công việc.

Thiếu lao động lĩnh vực sản xuất

Trong quý 2, nhóm lao động sản xuất trong các doanh nghiệp khối sản xuất cũng được dự báo tiếp tục tăng tuyển lao động với quy mô lớn để đáp ứng quá trình phục hồi kinh tế.

Đánh giá đây là thời điểm vàng trong tuyển dụng ở cả phía doanh nghiệp và người lao động, ông Vũ Quang Thành cho biết hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Hà Nội thời điểm hiện nay đang rất sôi động với nhu cầu tăng liên tục. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là các phiên online kết nối các địa phương phía Bắc có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…

Theo ông Vũ Quang Thành, trong quý 1/2022 Hà Nội cần tuyển dụng từ 80.000-100.000 lao động nhưng bước sang quý 2 dự kiến các chỉ tiêu tuyển dụng sẽ còn tăng lên khoảng từ 10-15%.

Nhu cầu tuyển dụng ngành du lịch và sản xuất sẽ tăng mạnh trong quý 2 ảnh 1Các công tổ chức phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến, tham gia các phiên giao dịch việc làm liên tỉnh để có thể tăng cơ hội tìm kiếm lao động. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

“Theo quan sát của chúng tôi, các địa phương có đông khu công nghiệp, khu chế xuất như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…  thời điểm này đang có nhu cầu tuyển dụng lớn ở khối công nhân sản xuất. Với thị trường lao động Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng ở các ngóm ngành nghề vẫn khá ổn định, tập trung chính ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, lao động phổ thông,” ông Vũ Quang Thành cho hay.

['Khát' lao động vì COVID-19: Doanh nghiệp phải xoay sở đủ đường]

Các tỉnh phía Nam cũng ghi nhận nhu cầu tuyển dụng lao động trong ngành sản xuất tăng mạnh. Tại Bình Dương, các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực cũng đã có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới, nhiều doanh nghiệp tập trung tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Trong quý 1, bên cạnh các doanh nghiệp tích cực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bình Dương có 367 doanh nghiệp công nghiệp mới đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động trong quý 2.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay, để đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế, mở rộng sản xuất, đáp ứng đơn hàng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 50.000 lao động, trong đó 99% là lao động phổ thông. Trước nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tăng cường các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp, người lao động thông qua các sàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, kết nối với các tỉnh để tìm kiếm nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, đảm bảo việc khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội cho rằng nhu cầu tuyển dụng đang trở nên cấp thiết trong các lĩnh vực sử dụng số lượng lớn lao động như may mặc, điện tử, chế biến thực phẩm, da giày... Đơn đặt hàng tăng vọt sau dịp Tết nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn tiếp diễn. Vì vậy, các nhà máy đang cố gắng thu hút người lao động trong bối cảnh thiếu hụt nhân công. Các cách tiếp cận rất đa dạng, từ việc trả tiền thưởng khi ký kết và thưởng khi giới thiệu người quen đến việc hợp tác với các đơn vị tuyển dụng hoặc trung tâm giới thiệu việc làm ở địa phương.

Đánh giá về thị trường lao động trong quý 1, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng thị trường phục hồi rất nhanh chóng. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người lao động là 7,3 triệu đồng, cao so với mức bình quân của lương tối thiểu vùng.

Trong quý 2, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị Chính phủ cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ ngành khác tổ chức diễn đàn với quy mô quốc gia về lao động, việc làm. Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm gia phải pháp cho những vấn đề căn cơ về chính sách, lực lượng lao động, đào tạo nghề chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục