Những cảnh báo ngầm từ Luật Kiểm soát Xuất khẩu của Trung Quốc

Đạo luật mới về kiểm soát xuất khẩu của Bắc Kinh đã tạo thêm thách thức đối với ông Joe Biden trong việc đối phó với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Những cảnh báo ngầm từ Luật Kiểm soát Xuất khẩu của Trung Quốc ảnh 1Cảng container hàng hóa ở Thanh Đảo, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng asia.nikkei.com/jdsupra.com đưa tin ngày 1/12, Trung Quốc đã đưa vào thực hiện đạo luật mới về kiểm soát xuất khẩu.

Đạo luật này cho phép ngăn chặn việc chuyển hàng tới doanh nghiệp nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia.

Động thái của Bắc Kinh đã tạo thêm thách thức đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong việc đối phó với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Một ngày trước đó, chính quyền Trung Quốc đã công bố một số chi tiết về những sản phẩm và công ty phải chấp hành các quy định mới. Đây được xem là bước đi phản đòn đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Đối mặt với tình trạng không chắc chắn, giới doanh nghiệp đã chuẩn bị cho khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Triển vọng sắp tới sẽ phụ thuộc một phần vào cách ông Biden xử lý cuộc chiến thương mại do người tiền nhiệm Donald Trump khởi xướng.

Đạo luật mới của Trung Quốc còn phải được phê chuẩn chính thức để có thể xuất khẩu một số sản phẩm cụ thể như vật liệu chiến lược và công nghệ tiên tiến.

Mặc dù chưa có danh sách sản phẩm nào được công bố nhưng một số nhà quan sát cho rằng kim loại thuộc nhóm đất hiếm (hơn 60% sản lượng được sản xuất tại Trung Quốc) có thể sẽ nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Các doanh nghiệp quốc tế lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng đạo luật mới- theo đó cho phép trả đũa những nền kinh tế “lạm dụng” kiểm soát xuất khẩu- để ngăn chặn các chuyến hàng xuất khẩu như một thứ vũ khí trong chiến tranh thương mại.

Nếu Bắc Kinh có thể đưa một công ty Mỹ vào “danh sách đen” để đáp trả áp lực ngày càng tăng của Washington đối với Tập đoàn công nghệ Huawei, họ cũng có thể trả đũa những công ty chấp hành lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên nhà sản xuất thiết bị viễn thông này của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng có thể hạn chế việc vận chuyển các linh kiện do Trung Quốc sản xuất cho các công ty bên ngoài nước Mỹ, những công ty sử dụng các linh kiện đó để sản xuất thành phẩm cho người tiêu dùng Mỹ. Điều này có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Lo ngại cũng gia tăng trong các doanh nghiệp Nhật Bản vốn sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao tại Trung Quốc như pin và màn hình ôtô. Một nguồn tin thân cận cho biết: “Một số doanh nghiệp lo ngại về việc bị yêu cầu tiết lộ công nghệ để đổi lấy giấy phép xuất khẩu."

Là một bên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết, Trung Quốc cam kết không ép buộc các doanh nghiệp hoạt động tại nước này phải chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng RCEP không hoàn toàn loại bỏ được rủi ro này.

Trả lời báo giới hôm 30/11, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nhấn mạnh ông “rất quan tâm tới đạo luật mới (của Trung Quốc), bao gồm khả năng nó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Nhật Bản.”

Tác động của Luật Kiểm soát Xuất khẩu đối với các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A)

1. Đạo luật có thể điều chỉnh các giao dịch M&A liên quan tới những công nghệ có tên trong danh sách kiểm soát: Luật mới không chỉ áp dụng đối với việc chuyển giao từ lãnh thổ Trung Quốc ra nước ngoài những sản phẩm nằm trong danh sách kiểm soát, mà còn áp dụng đối với “việc cung cấp các sản phẩm đó cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài (được coi như xuất khẩu), do người dân, pháp nhân và tổ chức không phải pháp nhân của Trung Quốc thực hiện."

Đạo luật không đặt ra giới hạn đối với hình thức “cung cấp” hoặc giới hạn địa lý, điều có thể ngăn chặn việc trốn tránh kiểm soát xuất khẩu truyền thống (ví dụ, một người có thể thành lập công ty, đóng góp “công nghệ nằm trong danh sách kiểm soát” vào công ty đó và sau đó bán công ty cho người mua nước ngoài).

Như vậy, về mặt kỹ thuật, hành vi “được coi như xuất khẩu” có thể được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm việc bán công ty mà bên bán là Trung Quốc (có thể là cá nhân mang quốc tịch Trung Quốc, thực thể đăng ký kinh doanh ở Trung Quốc hoặc do nhà đầu tư Trung Quốc quản lý), chừng nào công ty đó nắm giữ công nghệ thuộc danh sách kiểm soát hoặc được điều chỉnh bởi Luật Kiểm soát Xuất khẩu.

[ByteDance chưa đạt thỏa thuận bán TikTok tại Mỹ dù đã đến hạn chót]

Lấy TikTok làm ví dụ minh họa. Nếu ByteDance bán TikTok cho Microsoft trước ngày 1/12/2020, thương vụ này có thể không cần sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc chừng nào giấy phép công nghệ liên quan giữa ByteDance và TikTok vẫn có giá trị, vì tài sản sở hữu trí tuệ liên quan hoạt động của TikTok đã được ByteDance cấp phép cách đây khá lâu.

Khi đạo luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/12/2020, thương vụ sẽ rơi vào phạm vi điều chỉnh của luật mới và có thể cần tới sự phê duyệt của Chính phủ Trung Quốc.

2. Luật có thể điều chỉnh các giao dịch M&A liên quan tới những công nghệ không nằm trong danh sách kiểm soát.

Theo đạo luật, nếu công nghệ được xuất khẩu không nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu hoặc không bị hạn chế xuất khẩu tạm thời, nhà xuất khẩu vẫn có nghĩa vụ xin giấy phép xuất khẩu từ cơ quan chức năng nếu họ “biết, hoặc nên biết, hoặc được cơ quan chức năng thông báo” rằng hành vi xuất khẩu có nguy cơ gây tổn hại tới an ninh và lợi ích quốc gia.

Như vậy, trong trường hợp giao dịch M&A giữa người bán Trung Quốc và người mua nước ngoài, ngay cả khi công nghệ của công ty không có tên trong danh sách kiểm soát, giao dịch này vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của đạo luật mới và phải có sự chấp thuận của chính phủ nếu nó gây nguy hại cho an ninh và lợi ích của Trung Quốc.

Tiếp tục dùng TikTok để minh họa. Theo Luật Kiểm soát Xuất khẩu, để điều chỉnh thương vụ giữa ByteDance và Microsoft, Chính phủ Trung Quốc không cần cập nhật danh sách công nghệ chịu kiểm soát xuất khẩu mà có thể chỉ cần thông báo với ByteDance rằng giao dịch đó có nguy cơ gây hại cho an ninh và lợi ích quốc gia (của Trung Quốc), do đó cần được chính phủ xem xét lại.

Những cảnh báo ngầm từ Luật Kiểm soát Xuất khẩu của Trung Quốc ảnh 2Biểu tượng TikTok. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngay cả khi ByteDance không nhận được bất kỳ thông báo nào từ cơ quan chức năng, họ vẫn cần tự đánh giá liệu giao dịch có gây nguy hại cho an ninh và lợi ích quốc gia hay không và cân nhắc việc chủ động nộp hồ sơ xin chính phủ phê duyệt.

3. Hình thức xử phạt nếu vi phạm: Chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện một loạt án phạt đối với những hành vi vi phạm đạo luật. Trong trường hợp giao dịch M&A rơi vào phạm vi điều chỉnh của đạo luật nhưng vẫn thực hiện mà không có sự phê chuẩn thích hợp, chính phủ có thể “ra lệnh dừng các hoạt động bất hợp pháp” này (có thể hiểu là đình chỉ hoặc vô hiệu hóa giao dịch).

Chính phủ có thể sung công khoản doanh thu bất hợp pháp này (nếu có) và xử phạt hành chính gấp 10 hoặc thậm chí 20 lần số doanh thu đó (về mặt kỹ thuật có thể hiểu là giá trị của giao dịch).

4. Các bước phải tuân thủ dành cho các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế: Đối với các giao dịch M&A có yếu tố Trung Quốc, các bên tham gia giao dịch được khuyến cáo tuân theo các bước sau để không vi phạm Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu:

- Đánh giá một cách hợp lý liệu giao dịch có thuộc phạm vi “được coi như xuất khẩu” theo quy định trong đạo luật hay không.

- Xác định liệu công nghệ liên quan tới doanh nghiệp có nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu hay không. Nếu có, giao dịch phải có sự chấp thuận của chính phủ.

- Nếu giao dịch không liên quan tới công nghệ nằm trong danh sách kiểm soát, hãy đánh giá liệu giao dịch có gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc hay không. Việc đánh giá phải dựa trên các yếu tố quan trọng như mức độ nhạy cảm của công nghệ, rủi ro địa chính trị, lịch sử giao dịch...

- Nếu khó kết luận liệu giao dịch có liên quan đến công nghệ nằm trong danh sách kiểm soát hoặc có thể gây nguy hại tới an ninh và lợi ích quốc gia hay không, hãy tham vấn cơ quan chức năng có liên quan để được làm rõ.

- Trong trường hợp giao dịch được xác định cần có sự phê duyệt của chính phủ, hãy cân nhắc chủ động nộp hồ sơ lên chính quyền để xin phê chuẩn chính thức.

Luật Kiểm soát Xuất khẩu đem lại cho Trung Quốc một công cụ pháp lý hữu hiệu để giám sát tốt hơn dòng chảy của các sản phẩm trong hạng mục bị kiểm soát và ngăn chặn việc trốn tránh kiểm soát xuất khẩu của nhà nước.

Mặc dù luật mới này có thể được hiểu là để kiểm soát một số giao dịch M&A nhất định như đã đề cập ở trên, vẫn còn quá sớm để dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng luật như thế nào hoặc cuối cùng nó có biến thành phiên bản công nghệ của Trung Quốc như dự báo của CFIUS hay không.

Trong lúc chờ đợi, các bên tham gia giao dịch được khuyến cáo nên thận trọng và điều chỉnh các chiến lược và thực tiễn cũng như chuẩn bị kỹ cho những thay đổi pháp lý trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục