Thị trường xe đạp điện châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đã chứng kiến sự phát triển nóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các loại xe nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là xe Trung Quốc, đã và đang ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất xe đạp điện của châu Âu.
Với lợi thế về giá thành, xe đạp điện Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào thị trường châu Âu, nhanh chóng giành nhiều lợi thế và chiếm lĩnh thị trường khu vực.
Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu xe đạp điện sang thị trường châu Âu trong khoảng gần 10 năm trở lại đây.
Đỉnh điểm là giai đoạn 2014-2017, lượng xe đạp điện Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu tăng gấp 3 lần so với thời kỳ đầu và chiếm 35% thị phần.
Ở châu Âu, xe đạp điện Trung Quốc được giới thiệu và bày bán không chỉ ở các trung tâm thương mại lớn mà còn cả các đại lý bán lẻ.
Năm 2014, EU nhập khoảng 220.000 xe đạp điện từ châu Á, trong đó đa số từ Trung Quốc. Đến năm 2016, khoảng 450.000 xe đạp điện Trung Quốc đã được tiêu thụ tại thị trường châu Âu.
Năm 2017, con số này là khoảng 800.000 chiếc. Các dòng xe đạp điện Trung Quốc xuất sang châu Âu chủ yếu là của các nhà sản xuất như Battle-Fushida, Aima và Tianjin Golden Wheel.
Ngoài ra còn có các sản phẩm của hãng xe đạp Giant Manufacturing của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Giant Manufacturing, một trong những hãng sản xuất xe đạp hàng đầu thế giới, hiện có nhà máy tại Hà Lan.
Tuy nhiên, kể từ cuối 2018, lượng xe đạp điện Trung Quốc xuất sang châu Âu bắt đầu giảm dần sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp điện Trung Quốc.
[EU và Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại]
Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2018, mỗi tháng Trung Quốc xuất sang thị trường châu Âu khoảng 100.000 chiếc, thì trong 6 tháng cuối năm chỉ còn khoảng 15.000 chiếc/tháng.
Xe đạp điện Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu và đã lấn át các dòng xe đạp sản xuất trong khu vực, đe dọa trực tiếp các nhà sản xuất xe đạp và người lao động châu Âu.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế châu Âu, xe đạp điện Trung Quốc được bán tại thị trường châu Âu với giá có thể thấp hơn cả chi phí sản xuất do các nhà sản xuất Trung Quốc nhận được sự trợ cấp của chính phủ nước này.
Ước tính, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các nhà sản xuất xe đạp nước này từ 25-40% giá thành sản phẩm theo các hình thức như hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), hỗ trợ xuất khẩu, hạ tầng cơ sở và nhất là hỗ trợ về vốn.
Chính vì vậy, xe đạp điện Trung Quốc được bán tại thị trường châu Âu chỉ bằng 1/3 giá của các dòng xe sản xuất tại các nước trong khu vực (khoảng từ 350-500 euro/chiếc, tùy theo chủng loại).
Trong khi đó, các nhà sản xuất xe đạp châu Âu lại phải chịu nhiều chi phí về sản xuất, nguyên vật liệu, thuế môi trường.
Do đó, xe đạp điện của các hãng châu Âu thường có giá thành cao hơn nhiều lần (trung bình từ 1500-2500 euro/chiếc).
Trước sự lấn át của xe đạp điện Trung Quốc, năm 2017, Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp châu Âu (EBMA) đã khởi kiện lên Ủy ban châu Âu (EC) với cáo buộc các nhà sản xuất Trung Quốc bán phá giá xe đạp điện tại thị trường khu vực.
Cuối tháng 7/2018, EU đã áp thuế tạm thời đối với các sản phẩm xe đạp điện Trung Quốc bán tại châu Âu với các mức từ 27,5-83,6%.
Tháng 1/2019, EU chính thức áp thuế mặt hàng này với mức từ 18,8-79,3%. Với các biện pháp này, EU hy vọng sẽ bảo vệ hơn 800 doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khoảng 110.000 việc làm của EU trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Theo ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xe đạp châu Âu cung cấp ra thị trường khoảng 900.000 xe đạp điện và tạo thêm được khoảng 4.500 việc làm mới.
Việc EC chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp điện Trung Quốc có tác động hai mặt đối với hoạt động xuất khẩu xe đạp điện của Việt Nam.
Thứ nhất, về tác động tích cực, kể từ khi EC bắt đầu tiến trình điều tra về tình trạng bán phá giá của các dòng xe đạp điện Trung Quốc, xuất khẩu xe đạp điện của Việt Nam sang EU đã tăng đáng kể.
Theo số liệu thống kê của EU, xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU năm 2018 đạt khoảng 150.000 chiếc.
Nguyên nhân của tình trạng này một mặt là do EU siết chặt các biện pháp nhập khẩu xe đạp của Trung Quốc, mặt khác các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhằm hạn chế điều tra của EC.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu EU cũng tìm nguồn nhập khẩu mới, tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh và nhập khẩu.
Thứ hai, về tác động tiêu cực, với việc bị áp thuế cao, các nhà sản xuất xe đạp điện Trung Quốc sẽ tìm cách thay đổi mẫu mã hoặc thay đổi lộ trình hàng hóa xuất khẩu, trong đó các nước châu Á được đánh giá là nằm trong tuyến dịch chuyển ưu tiên.
Cũng giống như để đối phó trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hàng hóa Trung Quốc sẽ được chuyển sang các nước thứ ba, sau đó dán nhãn thay đổi xuất xứ để tiếp tục di chuyển sang châu Âu.
Trên thực tế, ngay từ năm 2013 khi EU áp mức thuế 48,3% đối với tất cả các dòng xe đạp nói chung có nguồn gốc từ châu Á, Trung Quốc đã cố gắng lách luật EU bằng cách di dời các nhà máy lắp ráp sang nước thứ ba.
Thị trường xe đạp điện EU mới chỉ bắt đầu phát triển cách đây ít năm nhờ tính tiện lợi cũng như nhu cầu sử dụng rộng rãi của người dân.
Việc xe đạp điện được người dân châu Âu ngày càng ưa chuộng còn do tính thân thiện với môi trường.
Tại các thành phố lớn ở châu Âu, dịch vụ cho thuê xe đạp cơ cũng đang dần được thay thế bằng xe đạp điện.
Việc sử dụng xe đạp điện còn được chính phủ một số nước châu Âu khuyến khích và trợ giá cho người tiêu dùng khi mua mỗi một sản phẩm xe đạp điện./.