Những câu chuyện đằng sau quyết định sát hại tướng Iran của Mỹ

Chỉ vài năm trước đây, không ai có thể tưởng tượng rằng Mỹ và Iran có thể sẽ rơi vào tình trạng bên miệng hố chiến tranh vào năm 2019.
Những câu chuyện đằng sau quyết định sát hại tướng Iran của Mỹ ảnh 1Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran, Iran ngày 23/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng nbcnews.com đưa tin, theo năm quan chức cấp cao đương nhiệm và một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn việc sát hại Tướng Iran Qasem Soleimani từ cách đây bảy tháng khi sự leo thang gây hấn của Iran gây ra cái chết của một người Mỹ.

Theo các quan chức này, chỉ thị của tổng thống hồi tháng 6/2019 sẽ có hiệu lực với điều kiện ông Trump đưa ra sự xác nhận cuối cùng về bất kỳ chiến dịch cụ thể nào để giết chết Soleimani. Quyết định này giải thích tại sao vụ sát hại Soleimani lại nằm trong danh sách các lựa chọn mà quân đội trình lên ông Trump nhằm đáp trả một vụ tấn công của các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Iraq, mà trong đó một nhà thầu người Mỹ đã bị thiệt mạng và bốn nhân viên quân sự Mỹ bị thương.

Tuy nhiên, thời điểm của sự việc có thể làm suy yếu lời bào chữa mà chính quyền Tổng thống  Trump đã đưa ra về việc chỉ thị cho máy bay không người lái Mỹ giết chết Soleimani tại Baghdad hôm 3/1.

Các quan chức nói Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công trong tương lai gần vào Mỹ và phải bị ngăn chặn.

Một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết: “Đã có một số lựa chọn được đệ trình lên tổng thống về vấn đề thời gian”, đồng thời nhấn mạnh rằng “trước đó ít lâu” các cố vấn của tổng thống đã đưa việc tiêu diệt Soleimani vào danh sách các hành động đáp trả tiềm năng đối với sự hung hăng của Iran.

Các quan chức này cho biết thêm sau khi Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6, John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Trump khi đó, đã hối thúc Tổng thống Trump đáp trả bằng cách phê chuẩn một chiến dịch sát hại Soleimani.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã bác bỏ ý đồ này và nói rằng ông chỉ áp dụng bước đi đó khi Iran vượt qua lằn ranh đỏ là sát hại một người Mỹ. Theo một nguồn thạo tin về cuộc đối thoại giữa ông Trump và các cố vấn, thông điệp của tổng thống là “lựa chọn đó chỉ được đưa lên bàn đàm phán nếu họ (Iran) tấn công người Mỹ”.

Các quan chức tình báo Mỹ đã theo dõi sát sao những động thái của Soleimani trong nhiều năm. Khi ông Trump lên cầm quyền, Pompeo - từng là giám đốc CIA đầu tiên của Tổng thống Trump - đã hối thúc tổng thống cân nhắc về cách tiếp cận cứng rắn hơn với Soleimani sau khi báo cáo một thông tin tình báo mới với tổng thống về cái mà một quan chức chính quyền mô tả là “những mối đe dọa nghiêm trọng sẽ ập đến bất ngờ”.

Ý tưởng sát hại Soleimani được đưa vào các cuộc thảo luận hồi năm 2017 khi cố vấn an ninh quốc gia của Trump khi đó, hiện là tướng về hưu H.R, McMaster, cùng với các quan chức chính phủ khác, nhất trí về một chiến lược an ninh quốc gia lớn hơn của tổng thống.

Tuy nhiên, theo một quan chức chính quyền có tham gia các cuộc thảo luận này, đó chỉ là một trong hàng loạt yếu tố khả thi của chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Tổng thống Trump chống lại Iran và “không phải là điều được cân nhắc như động thái đầu tiên”.

Ý tưởng này trở nên nghiêm túc hơn sau khi McMaster hồi tháng 4/2018 đã bị thay thế bởi Bolton, một nhân vật lâu nay có đường lối diều hâu với Iran và luôn ủng hộ sự thay đổi chế độ ở Tehran. Bolton đã rời Nhà Trắng vào tháng 9/2019 và nói rằng tự ông từ chức, trong khi Trump nói là đã sa thải ông ta sau những bất đồng trong các chính sách về Iran và một số vấn đề khác.

Năm 2017, chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush đã liệt Lực lượng Quds vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Bốn năm sau, chính quyền Obama cũng thông báo áp dụng các lệnh trừng phạt mới với Soleimani và ba quan chức cấp cao khác trong Quds có liên quan đến âm mưu sát hại đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ.

Tuy nhiên vào tháng 4/2019, Bolton đã kích động Trump ra quyết định coi toàn bộ Lực lượng Vệ Binh Cách mạng Hồi giáo là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Các quan chức Nhà Trắng khi đó từ chối trả lời câu hỏi rằng liệu quyết định này có mang ý nghĩa là Mỹ sẽ nhắm vào các lãnh đạo của Vệ Binh Cách mạng vì đây cũng là thủ lĩnh của các nhóm khủng bố khác, như là nhóm dân quân IS và al Qaeda, hay không.

[Cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông: Chơi dao liệu có đứt tay?]

Iran đã đáp trả bằng cách cũng liệt quân đội Mỹ là một tổ chức khủng bố.
Những động thái này nhấn mạnh sự căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran trong vòng ba năm kể từ khi Trump lên cầm quyền.

Kể từ khi Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018, và chính quyền ông siết chặt sự kiềm chế kinh tế Iran bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế - Iran đã tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq với cường độ và sức mạnh ngày càng gia tăng.

Iran đã triển khai hơn một chục vụ tấn công bằng tên lửa khác nhau vào những nơi có người Mỹ đồn trú kể từ tháng 10. Một quan chức quân đội Mỹ tại Iraq cho biết các tên lửa mà Iran bắn vào các lực lượng Mỹ theo thời gian đã ngày càng tinh vi hơn.

Vụ tấn công lớn nhất là vào ngày 27/12, khi nhóm dân quân Kataib Hezbollah phóng hơn 30 tên lửa vào một căn cứ của Iraq ở Kirkuk, khiến một nhà thầu người Mỹ thiệt mạng và bốn nhân viên quân sự của Mỹ bị thương. Căn cứ này được biết đến với tên gọi Căn cứ Không quân K-1 thuộc về quân đội Iraq nhưng lại thường xuyên tiếp đón các lực lượng thuộc liên minh do Mỹ dẫn đầu để chống lại IS. Trong ngày 27/12 đó, liên minh này đang chuẩn bị cho một chiến dịch chống IS, vì vậy có nhiều người Mỹ ở đó hơn bình thường.

Sau vụ tấn công này, Mỹ đã tiến hành các vụ không kích nhằm vào 5 cơ sở đồn trú của Kataib Hezbollah, ba ở Iraq và hai ở Syria, tấn công vào các nguồn cung đạn dược và vũ khí, cũng như các căn cứ chỉ huy và kiểm soát. Tổng thống Trump phê chuẩn hành động giết chết Soleimani sau khi các thành viên lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đáp trả các vụ không kích của Mỹ bằng cuộc đột kích Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.

Hai tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã đệ trình một loạt lựa chọn đáp trả lên tổng thống, trong đó có hành động sát hại Soleimani. Các quan chức nói trên cho biết Esper đã đưa ra những điểm mạnh và yếu của một hành động như vậy, song cũng nói rõ rằng ông ủng hộ việc tiêu diệt Soleimani.

Tại một cuộc họp sau đó, các lãnh đạo quân sự đã đưa ra ước lượng về những con số thương vong có thể có trong từng lựa chọn, và chỉ ra cho tổng thống thấy rằng việc sát hại Soleimani tại Sân bay Quốc tế Imam Khomeini vào đêm muộn có thể gây ra ít thương vong hơn so với các lựa chọn khác.

Vụ việc này đánh dấu một sự thay đổi so với các chính quyền tiền nhiệm, vốn chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm gây ra các vụ sát hại những nhân vật cấp cao của chế độ Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm.

Chẳng hạn, trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq năm 2006, khi các lực lượng dân sự được huấn luyện và có vũ trang của Iraq bố trí loạt bom chết người dọc đường để nhắm vào các binh lính Mỹ, các quan chức chính quyền Bush đã thảo luận về cách thức đối phó Soleimani và các mật vụ của ông ta tại Iraq.

Theo bốn cựu quan chức Mỹ nói trên, Mỹ đã bắt được các mật vụ của Vệ Binh Cách mạng nhưng chưa từng cố gắng để giết chết Soleimani hay tiến hành các vụ tấn công bên trong lãnh thổ Iran.

Eric Edelman, một nhà ngoại giao từng nắm giữ các vị trí quan trọng tại Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng, cho biết có một lần, Tướng quân đội George Casey, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Iraq, đã đề cập việc liệt Soleimani và các sĩ quan thuộc Quds vào danh sách những kẻ thù tại Iraq, song cuối cùng, ý tưởng này đã bị loại bỏ bởi các chỉ huy quân sự và quan chức Mỹ không muốn mở thêm một mặt trận mới tại Iraq khi các lực lượng Mỹ đang phải bận rộn với cuộc chiến chống al Qaeda. Edelman nói: “Đã có những lo ngại về mối nguy hiểm của sự leo thang căng thẳng và của sự xung đột với Iran mặc dù chúng ta đã nắm toàn bộ Iraq trong tay”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục