Những công trình tạo vóc dáng cho Thủ đô

Trong số 7 cây cầu bắc qua sông Hồng của Hà Nội, cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất và là mong đợi từ bấy lâu của người dân.
Hướng tới ngày lễ trọng đại của thủ đô, hàng loạt các công trình giao thông mang trên mình ý nghĩa và trọng trách lớn lao là kỷ niệm nghìn năm Thăng Long-Hà Nội đã được đầu tư xây dựng.

Dù hầu hết những công trình này đều có những bước thăng trầm, có thời điểm còn là điểm “nóng” bức xúc dư luận cả nước do chậm tiến độ, nhưng năm 2010, những công trình này vẫn là những nét tô điểm không thể thiếu, nâng tầm vóc dáng thủ đô nghìn năm.

Cầu Thanh Trì: Cây cầu lớn nhất của Thủ đô

Trong số 7 cây cầu bắc qua sông Hồng của Hà Nội, cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất và là ước mơ, mong đợi từ bấy lâu của người dân thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Cầu Thanh Trì được triển khai xây dựng có ý nghĩa về nhiều mặt, không chỉ với Hà Nội, khu vực miền Bắc mà còn với cả nước. Cầu hoàn thành còn là một biểu tượng của đối tác chiến lược trong sự hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Cây cầu không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn tạo điều kiện để Hà Nội đẩy nhanh công cuộc phát triển đô thị, đồng thời là công trình tầm cỡ tiêu biểu nhất tô điểm cho thủ đô trên đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Sau khi đưa vào khai thác, cầu Thanh Trì giải tỏa sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương (Hà Nội), đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải lưu thông qua nội thành thủ đô.

Cùng với đường vành đai 3, cầu Thanh Trì nối Quốc lộ 5 với Quốc lộ 1, liên kết vùng tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh với trục giao thông Bắc-Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Cầu Nhật Tân: Điểm nhấn kiến trúc và văn hóa của Hà Nội

Được khởi công từ tháng 3/2009, điều làm nên khác biệt của cầu Nhật Tân so với các cây cầu khác là bởi thiết kế hai mặt phẳng dây văng liên tục chưa từng được áp dụng trên thế giới.

Sau khi hoàn thành, cầu Nhật Tân sẽ là cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp nhất, hiện đại nhất, dài nhất nước ta, đồng thời tạo ra điểm nhấn kiến trúc văn hóa tô điểm cho thủ đô.

Tổng chiều dài dự án gần 9km, trong đó riêng cầu qua sông dài 3.755m. Cầu Nhật Tân được chọn là dự án tiêu biểu khởi công để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Hướng tuyến cầu cũng là cung đường ngắn nhất từ trung tâm thủ đô đến Sân bay quốc tế Nội Bài, góp phần giảm lưu lượng giao thông trên cầu Thăng Long và Chương Dương, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phụ cận.

Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu đi qua địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội do Ban quản lý dự án 85 làm đại diện chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 13.626 tỷ đồng.

Đường cao tốc Láng-Hòa Lạc: Tuyến đường phát triển của thủ đô mở rộng

Cuối tháng 10/2009 vừa qua, đường cao tốc Láng-Hòa Lạc đã được thông xe làn đường cao tốc trái, không những giải tỏa được áp lực giao thông cho toàn tuyến mà các nhà thầu và chủ đầu tư đã cán đích đúng hạn được điểm mốc đầu tiên của “cuộc đua đường trường”, đưa dự án hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ tạo mối liên kết giữa thủ đô Hà Nội với khu vực quy hoạch đô thị mới Hoà Lạc cũng như toàn bộ vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Sau ngày Hà Nội mở rộng, tuyến cao tốc Láng-Hòa Lạc còn mang trên mình trọng trách là tuyến đường trục hướng tâm phát triển kinh tế xã hội,liên kết các vùng của thủ đô trên con đường công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

Theo cam kết của tổng thầu Vinaconex và các nhà thầu, làn đường cao tốc bên phải sẽ thông xe vào 30/6/2010, đường gom trái thông xe vào 30/6/2010 và đường gom phải thông xe vào 31/7/2010 để kịp ngày đại lễ của thủ đô.

Đường vành đai 3: Thỏa mong đợi của người dân

Theo mục tiêu ban đầu, Dự án đường vành đai 3 Hà Nội có vị trí quan trọng đặc biệt để phục vụ SEA Games 22 và là động lực phát triển đô thị phía Tây Nam thành phố Hà Nội.

Hơn thế đường vành đai 3 hoàn thành sẽ góp phần giải quyết ách tắc giao thông cho thủ đô đang là gánh nặng lên hầu hết các tuyến đường chính của Hà Nội.

Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, dự án chỉ dài hơn chục km này lại được coi là công trình “vướng mắc trường kỳ” về giải phóng mặt bằng gây ra không ít điều tiếng. Đặc biệt tại nút giao Thanh Xuân, đây có thể coi là “điểm nóng” kéo dài nhiều năm không thể giải tỏa do khiếu kiện của người dân.

Tuy nhiên, đây cũng nút giao ghi dấu ấn đậm nét của sự quyết tâm giải phóng mặt bằng của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội cũng như tinh thần quyết liệt ra quân đồng loạt cưỡng chế giải phóng mặt bằng của các lực lượng từ công an, quân đội, thanh tra giao thông và dân quân tự vệ.

Hiện nay, các nhà thầu đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm hoàn thành phần mặt đường có thể thông tuyến trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, góp phần giảm gánh nặng giao thông và thỏa sự mong chờ bấy lâu của người dân thủ đô./.

Hải Quang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục