Những kịch bản cải tổ cho chính phủ Malaysia

Theo một quan chức chính phủ Malaysia, việc sắp xếp lại chính phủ là cần thiết để phản ánh đúng tình hình nhân khẩu học của đất nước, giúp chính phủ có thể tiếp tục đấu tranh cho sự ổn định.
Những kịch bản cải tổ cho chính phủ Malaysia ảnh 1Thủ tướng Mahathir Mohamad. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Giới chính trị tại Malaysia đang lan truyền ngày càng mạnh mẽ tin đồn rằng Thủ tướng Mahathir Mohamad có kế hoạch cải tổ chính phủ theo cách thức chưa từng có tiền lệ, và điều này sẽ làm rung chuyển quốc gia châu Á này một khi nó thực sự diễn ra.

Theo bài báo đăng trên The Star, cuộc cải tổ này có thể diễn ra trước phiên họp tiếp theo của Hạ viện. Ý định nói trên của ông Mahathir xuất hiện từ một vài tháng trước, song rất ít người thực sự chú ý.

Nguyên nhân là do ý tưởng về việc tiếp nhận phe đối lập vào một chính phủ được bầu một cách dân chủ có vẻ quá phức tạp và mạo hiểm đối với hầu hết phe phái chính trị.

Tuy nhiên, ý tưởng này ngày càng khả thi khi các nhân vật chóp bu của cả phe cầm quyền và đối lập đều lên tiếng khẳng định rằng kế hoạch cải tổ chính phủ đang được xúc tiến và giới chức đã bắt đầu các hoạt động hậu trường.

Kịch bản ít cực đoan nhất là việc các đối tác trong mặt trận Muafakat Nasional (diễn đàn được lập ra giữa đảng Mặt trận Dân tộc Mã Lai thống nhất- UMNO và đảng Hồi giáo liên Malaysia- PAS, hai đảng lớn nhất trong phe đối lập) chính thức ủng hộ ông Mahathir để đảm bảo tính hợp pháp cho chính phủ của Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền, điều mà PH đang cần.

Những người ủng hộ kịch bản này cho rằng tổng cộng 79 nghị sỹ của UMNO, PAS và đảng Gabungan Parti Sarawak (GPS) đã ký vào tuyên bố có tính pháp lý cho phép ông Mahathir có được sự ủy thác của họ để làm những điều cần thiết.

[Lộ diện những cơn sóng ngầm' trong liên minh cầm quyền Malaysia]

Những người tin vào kịch bản này cũng cho rằng ngoài 27 nghị sỹ của đảng Bersatu (đảng do Mahathir làm chủ tịch), ông Mahathir còn có được sự ủng hộ của 8 nghị sỹ đảng Warisan (đại diện bang Sabah) và 15 nghị sĩ của đảng Công lý Nhân dân (PKR- đảng trực thuộc PH có số ghế lớn nhất tại Hạ viện).

Một chính trị gia UMNO tại bang Pahang còn nói rằng Chủ tịch UMNO Ahmad Zahid Hamidi, người từng ủng hộ Chủ tịch PKR Anwar Ibrahim, cũng đã ký vào biên bản nhất trí ủng hộ Mahathir.

Kịch bản có tính “quá khích” hơn là đảng Hành động Dân chủ (DAP) sẽ nằm ngoài chính phủ sau cải tổ. Nguyên nhân là do mối quan hệ đã trở nên xấu đi giữa ông Mahathir và một số lãnh đạo của DAP liên quan đến vấn đề chuyển giao chức vụ thủ tướng.

Điều đáng nói là trên thực tế, DAP với 42 ghế nghị sỹ tại Hạ viện là đảng có tính ổn định nhất trong liên minh cầm quyền, lại bị coi là nguyên nhân gây bất ổn cho chính phủ.

Theo chính trị gia tại bang Pahang nói trên, có 5 nghị sỹ DAP cũng đã nhất trí đứng về phía Mahathir. Điều quan trọng của kịch bản “quá khích” này nằm ở chỗ, người ta không thể đơn giản quay lưng với một đối tác liên minh mà không có lý do xác đáng.

DAP thường cư xử như thể đảng này vẫn thuộc phe đối lập như trước đây và lãnh đạo DAP có thói quen phản đối hoặc tỏ ra như vậy khi lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Mahathir phải thực hiện chức trách của mình. Tuy nhiên, đây khó có thể là lý do thuyết phục cho việc loại DAP khỏi chính phủ.

Khi được hỏi về những đồn đoán liên quan đến việc cải tổ chính phủ, một Bộ trưởng PH trả lời rằng khi “mọi chuyện đến mức không thể chịu đựng được, người ta nên làm gì?”

Quan chức này thậm chí còn bóng gió nói rằng Thủ tướng Mahathir từng tuyên bố sẵn sàng “loại bỏ các khối ung thư” khi cần thiết.

Hơn nữa, sự xuất hiện bất thường của ông Mahathir và Bộ trưởng Kinh tế Azmin Ali (Phó Chủ tịch PKR) tại tiệc mừng Năm mới của người Hoa của đảng Gerakan mới đây được nhìn nhận là tín hiệu mà Mahathir muốn gửi đến chủ tịch PKR Anwar Ibrahim và Tổng thư ký DAP Lim Guan Eng rằng ông hoàn toàn có những lựa chọn khác khi cần đến các đảng phái đa sắc tộc.

Cũng liên quan đến DAP, mới đây trên tờ The Star, tác giả Johan Jaaffar đã có bài phân tích với tựa đề “Tại sao DAP là nguy cơ đối với PH,” trong đó nêu ra những gì đang xảy ra đối với chính phủ và ngụ ý rằng sẽ có một điều gì đó xảy ra.

Một quan chức cấp cao của chính phủ nói với The Star rằng sự thay đổi trong chính phủ không còn là một điều trong tưởng tượng, mà là một diễn tiến chính trị không thể tránh khỏi.

Theo quan chức này, việc sắp xếp lại chính phủ là cần thiết để phản ánh đúng tình hình nhân khẩu học của đất nước hoặc là nhằm giúp chính phủ có thể tiếp tục đấu tranh cho sự ổn định, điều cần thiết cho sự phát triển chung.

Nhiều lãnh đạo UMNO và PAS đã thể hiện sự ủng hộ đối với Mahathir, dù không phải tất cả mọi thành viên của UMNO đều hào hứng với ý tưởng làm việc với kẻ thù (UMNO coi Mahathir là đối thủ sau khi ông rời bỏ đảng này và lập đảng mới).

Hội đồng Tối cao của UMNO sẽ họp vào ngày 7/2, trong khi Ban chấp hành trung ương của PAS sẽ có cuộc họp một ngày sau đó. Sau đó, Hội đồng Muafakat Nasional (diễn đàn chung của UMNO và PAS) sẽ họp vào ngày 11/2, dự kiến sẽ đưa ra quyết định tập thể về việc ủng hộ Mahathir cải tổ chính phủ.

Một chính trị gia đến từ bang Kelantan cho rằng, hình ảnh của PH đã bị lu mờ và đảng này giống như đang đi ra biển trên con tàu sắp đắm.

Nhà bình luận chính trị Khaw Veon Szu nhận định PH khó có thể “sống sót” qua cuộc bầu cử tới, bằng chứng là sự thất bại của liên minh này trong 5 cuộc bầu cử bổ sung vừa qua.

Theo nhà bình luận này, đây là một trò chơi chính trị vô cùng nguy hiểm. Những tác dụng phụ sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ và cử tri sẽ mất niềm tin vào các tiến trình chính trị.

Thủ tướng Mahathir đã từng thừa nhận rằng chính phủ do ông lãnh đạo có thể là chính phủ một nhiệm kỳ. Song Mahathir là một người có ý chí không dễ bị khuất phục, là chính trị gia không bao giờ biết đầu hàng.

New Straits Times gần đây dẫn lời Thủ tướng Mahathir phát biểu rằng ông có biết việc UMNO và cả PAS có thể giành sự ủng hộ cho ông để ông có thể nắm giữ chức vụ Thủ tướng trọn nhiệm kỳ, thay vì 2 năm theo cam kết trong nội bộ PH.

Phát biểu với báo giới, ông Mahathir cho rằng nếu UMNO và PAS muốn ủng hộ ông, họ có thể làm điều đó tại Hạ viện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục