Những loại nhạc lạ lùng tại Festival âm thanh HN

Lần đầu tiên VN có một Festival về âm thanh thu hút số lượng lớn các nghệ sĩ làm nhạc đương đại thế giới đến vậy, với 80 nghệ sĩ.
Với Liên hoan âm thanh Hà Nội 2010, lần đầu tiên tại Việt Nam có một Festival về âm thanh thu hút số lượng lớn các nghệ sĩ làm nhạc đương đại trên thế giới đến vậy, với 80 nghệ sĩ đến từ 16 quốc gia ở bốn châu lục.

Các nghệ sĩ biết và đến với Liên hoan từ các nguồn khác nhau, quen nghệ sĩ Trí Minh từ những liên hoan âm nhạc thế giới trước đó, được bạn bè rủ, tìm thấy thông tin về Festival trên mạng...

Và những cái tên nổi tiếng trong làng nhạc đương đại thế giới lần lượt xuất hiện trong suốt ba ngày diễn ra Festival từ 26 đến 28/3 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

Thế giới ít biết tới nhạc đương đại châu Á

Trong buổi hội thảo về âm nhạc đương đại diễn ra vào 14 giờ ngày hôm qua (26/3), nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ về lịch sử âm nhạc đương đại, con đường đến với âm nhạc đương đại của từng cá nhân, những mối quan tâm chung về sự phát triển âm nhạc đương đại.

Theo nghệ sĩ C-drik đến từ Bỉ - chuyên chơi noise music, người chuyên sưu tầm các thể loại âm nhạc khắp nơi trên thế giới, sáng lập website nổi tiếng về các thể loại âm nhạc, các nghệ sĩ chơi nhạc trên thế giới - SYRPHE.com - mối quan tâm của anh là âm nhạc đương đại đến từ châu Phi, châu Á.

Trên thực tế, trên thế giới nói chung và châu Âu nói riêng, người ta chỉ biết đến âm nhạc đương đại của Nhật Bản và một ít của Trung Quốc, chưa biết nhiều đến âm nhạc đương đại châu Á, càng không biết đến âm nhạc đương đại châu Phi.

Nghệ sĩ C-drik được sinh ra ở châu Phi, hiện tại, một bộ phận gia đình của anh vẫn sống ở châu Phi. Anh quan tâm đến âm nhạc từ nhỏ. Khi trao đổi âm nhạc với bạn bè qua những băng thu, C-drik phát hiện ra các dòng âm nhạc rất hay ở Nam Phi.

Từ đó, anh nhận ra còn nhiều dòng chảy âm nhạc đương đại ở khắp nơi trên thế giới chưa được biết đến như Tây Tạng (Trung Quốc), Mông Cổ; hoặc hình thành rất sớm như ở Indonesia vào năm 1963, ở Hàn Quốc là năm 1959.

Để thu thập được các dòng âm nhạc khác nhau này, C-drik nhờ bạn bè của mình là những người ham mê du lịch, đi đến đâu thu băng nhạc của nước đó đem về cho anh. C-drik biết đến âm nhạc đương đại Trung Quốc cách đây 12 năm do quen biết với một nhóm nghệ sĩ người Trung Quốc.

Để tìm hiểu âm nhạc Trung Đông, mặc dầu bạn bè ngăn cản khi C-drik có ý định đến xứ sở còn bom rơi, đạn nổ nhưng anh vẫn quyết tâm đến để rồi thấy âm nhạc đương đại vẫn tồn tại ở các nước đó, các nghệ sĩ chơi nhạc cũng không khó khăn như người ta vẫn tưởng.

Chỉ nghe trực tiếp mới cảm nhận được

Đến với Festival này, C-drik trình diễn tác phẩm pha trộn từ nhạc punk, hip-hop và điện tử công nghiệp (một loại nhạc nghe như tiếng dập, di chuyển của máy móc công nghiệp, mang lại cảm giác nặng nề). Anh muốn mang đến một thể loại âm nhạc mới mẻ mà nhiều người chưa từng biết.

C-drik muốn tìm hiểu phản ứng của người nghe, họ thích hay không thích? Ngạc nhiên hay không? Và qua đó khẳng định những gì anh trình diễn tại Festival này là hoàn toàn mới. Ngược lại, khi đến với Festival, C-drik cũng mong muốn thu nhận lại những làn sóng âm nhạc mới ở Việt Nam cùng những điều anh chưa từng biết.

Một nghệ sĩ khác đến từ Nhật, Spaky Quano, biết đến Festival qua mạng. Sau đó, nhờ lời động viên cũng như giới thiệu của bạn bè về âm nhạc đương đại Việt Nam mới mẻ, đang căng tràn năng lượng và niềm hứng khởi, Spaky Quano quyết tâm tham gia.

Khi trình diễn tác phẩm của mình, Spaky Quano muốn bày tỏ phong cách âm nhạc của mình. Đó là một thể loại âm nhạc không giới hạn, vượt qua sự tưởng tượng của con người và mang một chút màu sắc ma quái. Để có tác phẩm này, Spaky Quano đã dùng bộ âm thanh tạo hiệu ứng để làm nhạc.

Với DJ Space360 người Thái Lan, anh đến dự Festival theo lời mời của Trí Minh. Trước đó, từng biểu diễn với Trí Minh, Space360 nhận ra sự pha trộn giữa cafe del mar (một loại âm nhạc rất thịnh hành trên thế giới), ambient (cũng một loại nhạc phổ biến khác, có khả năng tạo ra không gian mới) và các yếu tố của âm nhạc Việt Nam. “Chỉ có thể nghe trực tiếp mới cảm nhận được hết”, Space360 nói.

Space360 bắt đầu chơi nhạc thể nghiệm từ năm 2002. Trước đây, Space360 đã theo khóa học nhạc cổ điển, dự nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về âm nhạc, còn chuyên ngành được đào tạo bài bản của anh là điện ảnh.

Nghe nhạc từ bé, và khi làm phim, anh chỉ chọn làm âm nhạc cho phim, và khi thể nghiệm nhạc điện tử, Space360 mới thực sự được chơi nhạc theo cách riêng của mình, đồng thời vẫn có thể kết hợp với các nghệ sĩ khác.

Tự bỏ tiền túi để lo vé máy bay, tiền cátxê hầu như không có khi tham gia Festival, 80 nghệ sĩ chơi nhạc đương đại từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam với nhu cầu giao lưu về âm nhạc, học hỏi và mang đến cho công chúng yêu nhạc Việt Nam tác phẩm thể nghiệm riêng của mình./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục