Những người cha đơn thân trải lòng khi Tết đến

Cảnh "gà trống nuôi con," bên cạnh làm bố, người đàn ông còn phải học cả cách "làm mẹ." 

Người Việt ta có câu "sẩy cha thì ăn cơm cá, sẩy mẹ lót lá mà nằm" với hàm ý chỉ sự chăm sóc của người cha đối với con cái không thể bằng người mẹ. Đối với người phụ nữ, đó là thiên chức nhưng với những ông bố đơn thân thì khác.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, không chỉ lo lắng chi tiêu, chăm sóc, dạy dỗ con cái, các ông bố cũng có cơ hội thử sức với những công việc vốn từ xưa đến nay được cho là của phụ nữ. Và, nhiều trường hợp có thể chứng minh, câu tục ngữ trên của "các cụ" không hẳn lúc nào cũng đúng.

Những ông bố 2 trong 1

Bắt đầu câu chuyện của mình bằng một ký ức buồn, anh Trình Tuấn, sinh năm 1984, quê Nghệ An, cựu thành viên của BKAVPro Robocon, chia sẻ về cái Tết đầu tiên làm một người bố đơn thân.

"Tôi trở thành người cha đơn thâm bắt đầu từ một nỗi đau. Bã xã qua đời khi con bé mới 10 ngày tuổi. Tôi gần như tuyệt vọng," anh Tuấn xúc động.

Để đứa con bé bỏng được bú sữa mẹ, anh Tuấn đã phải đi xin sữa từ nhiều bà mẹ khác.

"Lần đầu đi xin, không ai để ý đến tôi, lần thứ hai tôi nhờ bạn bè cùng kêu gọi các mẹ giúp đỡ. Kết quả là có rất nhiều mẹ đồng ý, nhiều đến nỗi có lúc tủ lạnh nhà tôi hết cả chỗ để,” anh Tuấn chia sẻ.

Vậy là cứ 3 ngày, anh lại mang túi trữ sữa tới xin các mẹ cho con gái. Nhớ lại, cái Tết đầu tiên của bố con anh Tuấn, trước một tuần, "bà mẹ" này phải xách túi đi xin sữa về trữ đông cho con gái bú dần.

Tết năm nay, cho con gái về quê, ông bố trẻ vẫn chạy khắp nơi gom sữa để mong cho con khỏi thiếu sữa mẹ. Trên đường về, đến cửa soi hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất thì anh bị chặn lại. Sau khi giải trình, cuối cùng anh cũng đưa được gần 10 lít sữa về cho con gái Tết này.

Anh cho biết, số sữa này không đủ cho con gái trong những ngày sắp tới. Anh về sau, sẽ gom thêm từ các mẹ mang về cho con.

May mắn hơn anh Tuấn, anh Trần Thắng, sinh năm 1966, ở Mễ Trì, Hà Nội lại làm bố đơn thân khi hai cô con gái đã cứng cáp. Vốn quen chăm chút học hành, mẹ, hai cô con gái của anh Thắng dù học rất giỏi nhưng chẳng biết làm gì. Bản thân anh cũng vậy, nay cũng phải tự vận động.

Anh gọi cái Tết năm ngoái là cái Tết "xấu hổ." Anh quên bẵng cả thủ tục cúng ông Công ông Táo. Nhà cửa cuối năm, anh thuê người dọn dẹp. Nhà sạch được mấy hôm, lại hơn cái ổ chuột. Hò hai cô công chúa đi làm thì chúng quét cũng như không.

"Sợ hãi" nhất là khoản nấu ăn. Ngày Tết, món nọ món kia rườm rà, đến cái mâm cơm cúng anh cũng chẳng biết có những gì. Mâm ngũ quả thì thôi, cố lắm mà vẫn trông "méo mó."

Sau Tết, anh lên hẳn một kế hoạch để thay đổi, gọi vui là: "Đeo tạp dề lên và dạy con."

Thế là suốt một năm vừa qua, anh cố gắng dành thời gian cùng con đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Bố con anh học nấu ăn qua Internet, qua sách, qua bà nội. Mọi thứ dần được cải thiện.

"Làm rồi hỏng, hỏng nhưng vẫn phải làm. Có khi không nuốt được món mình nấu nhưng bố con vẫn cười hề hề với nhau, rất vui vẻ," anh Thắng nói.

Và những áp lực không nhỏ

Anh Mạc Tuấn Tùng, sinh năm 1975, ở Xuân Đỉnh, Hà Nội, làm bố đơn thân của cậu bé 3 tuổi, chia sẻ: "Biết là không thể hoàn toàn thay thế được sự chăm sóc của người mẹ nhưng tôi hết sức cố gắng. Ngoài làm kinh tế, tôi cố gắng đảm đương cả việc phụ nữ: Tắm cho con, ru con ngủ, nấu nướng... Con trai đang tuổi bi bô, hỏi rất nhiều. Đôi khi, cũng không biết phải giải thích cho con như thế nào nữa."

Với những đứa con lớn như anh Thắng, chúng đã ý thức được, có thể hiểu và thông cảm cho bố mẹ thế nhưng anh lại không dễ dàng tiếp cận đời sống riêng tư của các con.

"Bố và con gái, nhiều khi chúng cũng không biết chia sẻ thế nào. Tôi chỉ âm thầm theo dõi con, để xem chúng phát triển ra sao. Có những việc 'thầm kín' của con gái đang lớn, tôi cũng mạnh dạn trao đổi chân thành, thẳng thắn với con bằng những kinh nghiệm của mình," anh Thắng chia sẻ.

Với các bé còn nhỏ tuổi như anh Tùng, anh Tuấn, rồi đến giai đoạn bắt đầu nhận thức của trẻ, các anh sẽ phải đối mặt với việc giải thích cho con hiểu hoàn cảnh của mình và mọi thứ chúng tò mò.

Cái khó nữa mà ba ông bố phải thừa nhận đó chính là tác động ngoại cảnh từ nhiều phía.

Ví như anh Tuấn, khi con gái được 3 tháng, bà nội kiên quyết cho cháu uống sữa ngoài. Biết con cần sữa mẹ, anh đấu tranh và chịu vất vả đi xin sữa cho con mới yên tâm. Anh Tùng thì cho biết, cũng vì gia đình chia cách, nhiều khi điên đầu với việc mỗi người dạy con một nẻo, chưa kể có sự tham gia của ông bà nội ngoại.

"Mình sẽ cố gắng dành nhiều thời gian cùng Ủn ở bên ngoại để tạo sự kết nối bền chặt giữa Ủn và mẹ vì tình mẫu tử đã sớm bị chia lìa," anh Tuấn chia sẻ.

Những người cha đơn thân trải lòng khi Tết đến ảnh 1Bé Ủn trong vòng tay bố. (Ảnh: NVCC)

"Tôi từng bị ông anh trêu là người đàn ông 'mặc váy' nhưng tôi nghĩ, nữ công gia chánh, nội trợ ư, đàn ông chúng tôi cũng có thể làm và dạy con điều ấy. Mình xác định không đi bước nữa. Con cái lớn rồi, phải dạy dỗ chúng nên người, đấy mới là điều quan trọng," anh Thắng vui vẻ.

Cảnh "gà trống nuôi con," bên cạnh làm bố, người đàn ông còn học cả cách "làm mẹ." Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, họ cũng phải gồng lên để có thể làm tròn trách nhiệm. Vì thế, dù phải phải xách túi đi xin sữa hay đeo tạp dề dạy con, bất cứ người bố nào cũng sẵn sàng vì tình thương vô bờ bến với những đứa con./.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản, Dân số và Gia đình, ngày nay, đàn ông nuôi con một mình đang có chiều hướng gia tăng với nhiều lý do: Vợ qua đời, ly hôn, hôn nhân đồng tính...

Một thực trạng là, trong xã hội của Việt Nam từ trước đến nay, người đàn ông không được trang bị về những kỹ năng chăm sóc gia đình nên khi thiếu vắng người phụ nữ, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó ta mới thấy, việc giáo dục bình đẳng giới để xây dựng người cha, người mẹ toàn diện dù đơn thân hay không là rất quan trọng.

Việc chăm sóc gia đình, đặc biệt là chăm sóc trẻ cần phải có kỹ thuật, nghiệp vụ mà bẩm sinh các ông chồng không thể bằng các bà vợ. Giải pháp dành cho các ông bố đơn thân ở đây là cần phải tìm hiểu xây dựng những kỹ năng cần thiết thông qua các khóa học kỹ năng làm bố, qua sách báo, qua kinh nghiệm của người khác, không được chủ quan và tích cực tham gia các tổ chức xã hội...

Bên cạnh đó, để tiếp cận tâm lý trẻ, các ông bố đơn thân cần gỡ bỏ tính bảo thủ, gia trưởng, biết đặt mình vào địa vị của trẻ, theo sát, học hỏi, phát triển cùng trẻ.

Các ông bố cần nhớ, trách nhiệm không phải ở ngoài xã hội mà trách nhiệm quan trọng là phát triển tốt cuộc sống gia đình./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục