Gác rừng dãy Hoàng Liên

Những người gác rừng cuối dãy Hoàng Liên

Trong mắt những kẻ dưới xuôi chúng tôi, đó lại là cả một pho truyện "vạm vỡ" về những người gác rừng cuối dãy Hoàng Liên.
Trần Đăng Hùng, thâm niên 9 năm cắm rừng cùng đồng bào người Mường, Dao đất Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) hổn hển vượt dốc cao đưa chúng tôi đi “ngó rừng”.

Xen lẫn trong tiếng thở mạnh, tiếng không khí trên cao ù ù là những câu chuyện rất gan ruột của người gác rừng cuối dãy Hoàng Liên Sơn.

9 năm cá mắm, lạc khô

Nhìn trên bản đồ đất nước, rừng quốc gia Xuân Sơn tựa như đốt xương sống kéo dài cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn. Sừng trời Khau Phạ (cách gọi dãy núi này của người Mông Tây Bắc) sau khi chạy dài, chạy mỏi theo hướng Đông Nam đến đây bỗng dưng muốn nghỉ. Và thế là, núi chững lại. Núi lô xô dồn nhau nằm ngủ đáy rừng Xuân Sơn.

Ngồi trên lưng chừng núi, anh Hùng nheo mắt nhìn con đường nhựa tít tắp như một mảnh lụa trắng chạy xuống đồng bằng, bảo: “9 năm trước, chưa có đường vào cửa rừng. Mỗi lần có công việc gì, anh em lại phải cơm nắm, muối vừng lội suối cả mấy ngày”.

Trong những ngày đầu tiên ấy, để tự túc cuộc sống cho anh em, đồng chí Giám đốc Vườn khi đó, ông Trần Đăng Lâu còn kỳ công vận động cán bộ “gùi” thóc ngoài huyện lị vào trong núi. Rồi, như thủa hồng hoang, mấy anh em lại xoay trần ra giã, sàng sẩy, tích trữ dần để ăn.

Phần vì đường xa, phần khác do Vườn nằm tận sâu trong đáy núi, nên anh em gác rừng sợ nhất lũ về. Mỗi lần như thế, nước ào ạt cuốn phăng cả đường. Nước đỏ ngầu, hun hút chảy tạo thành một vựa lụt, ngăn giữa Vườn và đồng bào ngoài huyện lị.

Nguyễn Văn Phong, Đội trưởng Đội chuyên trách bảo vệ rừng kể: “Mưa Xuân Sơn là mưa quẩn. Có khi đang nắng chang chang, bỗng mây va vào vách đá, đổ nước ào ạt. Những con dốc cao trơn tuột, không xe nào leo nổi”.

Những lúc như thế, vào buổi tuần rừng, anh em phải kiếm ngay một chỗ bằng phẳng nhất, vững trãi nhất đợi mưa tan.

Đập vỡ, đường lở. Cây cuốn phăng. Trạm gác cửa rừng bỗng chốc bị cô lập hẳn. Anh em chỉ còn biết trụ lại với nhau bằng cá mắm, lạc khô và rau rừng.

Ngồi kể lại những chuyện ấy, họ chỉ cười, coi đó là việc đương nhiên.

Anh Hùng, phó trưởng phòng quản lý rừng và bảo tồn thiên nhiên đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện rất thật của chính mình. Quê ở Phúc Thọ, nhưng anh đã phải duyên Xuân Sơn khi lập gia đình cùng một cô  giáo cấp 2 nơi này.

1 năm trước, anh được lệnh chuyển về Chi cục Kiểm lâm Hà Nội công tác. Nhưng, hàng ngày, đánh vật với bụi đường, khói xe, anh lại thấy nhớ đất rừng.Xuân Sơn, nhớ những bữa cơm chỉ có đồ khô với anh em gác rừng.

Rốt cục, anh lại quay trở về với rừng như duyên định sẵn.

Nuôi lợn rừng như... nuôi chó trong nhà!

Ăn gió, nằm sương, ngủ núi nên tính cách những "kẻ gác rừng" cuối dãy Hoàng Liên thành ra cũng vạm vỡ đến lạ kỳ.

Mặc dù mắt còn đỏ vằn sau đêm canh rừng nhưng Nam, Trưởng trạm Xuân Sơn vẫn xắn cao quần… bắt gà thết khách.

Lên núi 9 năm có lẻ, Nam đen nhẻm như người bản địa. Tóc để rối, thuốc lào thì roen roét từng hơi. Đến nước uống cũng phải tìm cho bằng được rễ cây 3 lõi, hắn mới chịu dùng. Nếu không có đôi mắt to luôn nhìn vào người đối diện và giọng nói rất “xuôi”, có lẽ chúng tôi đã nhầm anh với những đồng bào Mường, Dao quanh đó.

Anh Hùng, người dẫn đường cặm cụi thì ha hả cười bảo: “So với cậu Nam, đồng bào mình trên này chưa giỏi được bằng”. Lý do anh đưa ra là cả mấy bản Xuân Sơn chẳng ai có thể thuần hoá lợn rừng và bắt nó trông nhà như chó giống Nam được.

7 giờ tối. Cơm nước dọn ra khoảnh sân rộng của trạm. Tiếng bát đũa chạm nhau canh cảnh. Lũ chó gác cũng đã vẫy tít đuôi chờ được cho ăn. Lúc này, một “ông lợn” lông dựng đứng không hiểu từ đâu ngoe nguẩy, ụt ịt đi vào.

Nhìn một lượt đám người, vị khách lạ lại hớn hở vẫy đuôi và sà vào sát mâm… chờ đợi. “Ông lợn” to gấp 4 lần chú chó nhà, da đen nhẻm vẫn còn loang lổ bùn. Đây cũng là thành viên mới nhất gia nhập trạm gác rừng với thâm niên 2 năm có lẻ.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Nam kể, "ông lợn" này vốn được khai sinh giữa rừng. Hai năm trước, anh em đi tuần phát hiện ra một đàn lợn. Con mẹ đã bị sập bẫy, bầy con lít nhít còn bé như quả dưa gang cứ quẩn quanh không chịu đi. Động lòng, anh em bàn nhau giữ lại con khoẻ nhất, mang về trạm… nuôi làm giống.

Lợn rừng trong tự nhiên vốn rất dữ, và đặc biệt không thích làm bạn với người. Thoáng thấy tiếng nói, lợn đã chạy biến đi. Gặp đám thợ săn, lợn độc còn có thể đánh lại cho đến khi kiệt sức. Vì vậy, lúc bấy giờ, cái ý định thuần hóa và nuôi lợn rừng của Nam được nhiều người coi là điên rồ.

Những ngày đầu, không có mẹ, lợn con chỉ nằm im một góc. Cứ tảng sáng, lợn lại dũi đất, ụt ịt phá rào đòi chạy. Anh em phải cắt cử nhau canh chừng. Được 1 tuần, lợn mới nguôi và đòi ăn trở lại.

“Cực nhất là mấy ngày ấy, nó lúc nào cũng đói. Một buổi phải cho ăn 5 bữa,” Nam nhớ lại.

Nhưng, để thuần được cái “tính rừng” trong ông lợn bây giờ kể cũng lắm công phu. Nam phải nấu rau rừng với nước gạo loãng, bỏ thêm chút muối thành một hỗn hợp lừa cho lợn ăn.

Tập ăn xong, nhưng lợn vẫn dữ. Nam phải nhốt chung nó với đàn lợn nhà. Mất hơn tuần quần nhau tơi bời, lợn rừng quen mới quen hơi.

Đặc biệt, "ông lợn" rừng Xuân Sơn có tính khí chẳng khác chó canh nhà là mấy. Đi chơi đâu thì đi, chỉ cần nghe thấy tiếng xe máy lạ, ông lại bò về tận nơi, nghếch nghếch mũi nhìn.

Thoáng đó đã hơn 2 năm. Giờ, "ông lợn" dữ đã khoanh tròn mình bên chiếu, mắt lim dim cho lũ chó nhà liếm láp. Chốc chốc, "ông lợn" lại khìn khịt mũi, vẫy tít đuôi khi được ai vứt cho miếng gì.

Đôi mắt gã gác rừng tên Nam đến đây bỗng dưng sáng bừng lên. Anh bảo, ăn gió, ngủ sương quen rồi, nên nuôi cả "ông lợn" này cũng có gì là lạ. Nhưng thật ra, trong mắt những kẻ dưới xuôi như chúng tôi, đó lại là cả một câu chuyện lạ kỳ về những người gác rừng cuối dãy Hoàng Liên.

"Homestay" nơi đáy rừng

Trong những câu chuyện lạ kỳ và luôn luôn huyễn hoặc khách xa của những người gác rừng ở tận lưng chừng trời, những tưởng dấu vết của văn minh còn lâu mới tới được nơi này.

Nhưng đi gần hết cuối con đường dẫn vào rừng, 2 dãy nhà sàn gọn gàng tươm tất hiện ra sau cơn mưa rừng khiến những người lạ như tôi phải ngỡ ngàng.

Đôi vợ chồng người Mường có cái tên “rất rừng”, chồng là Bàn Sơn Lâm, vợ tên Trần Thị Lâm niềm nở đón khách. Giới thiệu sơ qua về 2 dãy nhà, bà chủ của khu nhà nghỉ bảo: 20.000 đồng/đêm, đón khách 24/24 giờ.

Nói xong, nhìn vào 2 dãy nhà khang trang như cái cớ bà nhớ lại câu chuyện đón khách người rừng lúc nửa đêm. Mới chỉ cách đây vài ngày, có 2 cô gái ăn mặc lôi thôi lếch khoảng 3 giờ sáng bước vào gõ cửa. Nhìn thấy chân tay của 2 vị khách trẻ lấm lem, mặt đầy bùn đất, phía dưới chân còn rướm máu, bà Lâm hoảng quá tưởng là... ma rừng!

”Thì ra đi lạc trong rừng gần 1 ngày, họ là dân phượt liều lĩnh phi xe máy từ tận Hà Nội. Rồi đi bộ xuyên qua lõi rừng, leo lên tận đỉnh Xuân Sơn”, nhìn khách mắt tròn mắt dẹt, bà Lâm hỉ hả kể.

Ông Lâm chen vào câu chuyện, cơ ngơi giữa rừng này chỉ toàn tiếp những vị khách đột xuất như vậy.

Từ trung tâm xã Văn Luông, huyện Tân Sơn cách rừng quốc gia 20. Khoảng 20 cây số đường trải nhựa không có bất kỳ một nhà nghỉ hay chỗ trọ nào, vậy nên từ khi mới có ý định trong đầu, mọi người bảo vợ đôi vợ chồng này là... gàn.

Thực chất cái gàn của ông Lâm chỉ “phát tiết” sau lần du hí Bắc Cạn, Sa Pa. Câu chuyện “kiếm tiền từ rừng” mà không phải chặt cây triệt rừng này cuốn hút ông lão miền rừng đến kỳ lạ.

Thế là, ông Lâm quyết tâm "đốt" sạch gia tài từ chiếc xe máy cà tàng đến sổ đỏ, rồi lại lạy lục anh em họ hàng vay để có số tiền 200 triệu đồng dựng nhà ngay khúc cua vào cửa rừng.

Rồi cái công trình đó cũng thu về cho ông, bà Lâm mỗi năm hơn 30 triệu đồng, chỉ tính riêng tiền phòng.

Từ ngày có nhà nghỉ mọc lên, khách đến với Xuân Sơn cũng nhiều hơn, anh Hùng cán bộ Vườn Quốc gia nói.

Anh Hùng cũng nói thêm, từ lúc đóng cửa rừng, người dân được hưởng chế độ nhà nước cho việc bảo vệ rừng. Nhưng những đồng tiền ấy chỉ là hỗ trợ đời sống, có những nhà nghỉ  như của ông bà Lâm thì việc kiếm miếng ăn từ rừng không còn phải nhọc nhằn, chui lủi chặt gỗ lậu, săn bắt thú rừng như trước nữa. Rồi Vườn quốc gia sẽ phát triển, tiềm năng thì nhiều nhưng quả thật tới giờ để rừng sinh lợi vẫn còn khó quá..../.
Bách - Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục