Những ngày giáp Tết. Khi người dân thủ đô đổ xô nhau đi mua đào, sắm tết thì ở một góc khuất đây đó vẫn có những cảnh đời, những số phận mà với họ, Tết là một sự xa vời và xa xỉ.
Mong có tiền mua cho cháu bánh chưng
Trong túp lều tạm dưới gầm cầu thang từ trên đê sông Hồng đi xuống đường Hồng Hà, chỗ cổng chợ Long Biên có hai bà cháu lặng ngồi nhìn mọi người chen chân đi sắm Tết. Buổi sáng, người bà kéo tấm bạt che trên gầm cầu thang để cho ánh nắng xuân tràn vào, xua bớt đi cái mùi ẩm mốc vẫn thường trực nơi đây.
Trong lều chẳng có gì ngoài một tấm gỗ mỏng kê làm giường cùng một tấm chăn đã sờn cũ. Cuối giường là chiếc thúng nhỏ đựng những ấm, cốc chén, vài bao thuốc lá dang dở. Ấy là tất cả tài sản, những món đồ mưu sinh của hai bà cháu.
Ngồi ghé bên mép chiếc giường, tôi hỏi bà cụ về chuyện tết. Bà cụ tên Đạm (quê Yên Mĩ, Hưng Yên) năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. “Con trai tôi mất sớm. Vợ nó lấy chồng khác mãi tận Bắc Giang, để lại đứa cháu nhỏ cho tôi nuôi. Ngày ngày tôi bán nước, bán thuốc kiếm vài đồng bà cháu nuôi nhau. Nào có biết Tết là gì.”
Em Nguyễn Thị Hồng Anh – cháu nội bà Đạm năm nay đã mười tuổi. Thấy bà nhắc đến mẹ, em khã nói: "Mẹ em tuy ở Bắc Giang nhưng cũng lên Hà Nội để bán hoa quả trong chợ Long Biên. Cả ngày mẹ ở chợ, tối cũng về đây ngủ với hai bà cháu." Nhìn tấm gỗ nhỏ kê làm giường chỉ đủ cho một người lớn nằm, tôi thắc mắc vậy ba mẹ con, bà cháu sẽ nằm ngủ ra sao. “Mẹ em ngủ ngồi, còn hai bà cháu thì nằm,” Hồng Anh giải thích.
23 tháng Chạp nhưng bà Đạm cũng không có gì để tiễn chân ông Công, ông Táo. Bà bảo: “Ban ngày tôi kéo tấm bạt che lên, bày hàng bán nước, bán thuốc; tối lại chăng lên lấy chỗ để ngủ. Ngày nào đắt khách thì kiếm được đôi ba chục. Bữa có thì mua một suất cơm hai bà cháu ăn chung, bữa không lại ăn bánh mì. Tết thì cũng không có gì hơn.”
Hôm nay bà không dọn hàng vì buổi chiều hai bà cháu sẽ về quê. Hỏi bà, bà định về quê ăn Tết ư? Người bà mắt đã kèm nhèm khẽ cười buồn: “Ở quê, tôi đâu còn nhà cửa, anh em thân thích gì đâu. Hai bà cháu về quê giỗ tổ rồi mai lại lên đây thôi. Nhà không có, tiền cũng không lấy gì mà ăn Tết chứ?”
Rồi bà bảo, Tết có cái vui hơn ngày thường là bà sẽ được dọn hàng lên phía trên vỉa hè đường đê bởi chị bán hàng nước trên đó sẽ nghỉ ăn Tết. Lên trên đó, hàng của bà sẽ đắt khách hơn, biết đâu có đủ tiền mua cho đứa cháu nhỏ cái bánh chưng. “Mình già rồi chẳng cần gì nữa. Chỉ thương con bé, đến cái bánh chưng cũng không có,” bà ngậm ngùi...
Tết này tranh thủ đi làm ôsin
Hai người phụ nữ cong lưng gánh những thùng hàng từ chiếc xe tải đậu ngoài cổng chợ vào khu hàng hoa quả. Trong cái nắng đầu xuân có phần gay gắt, gương mặt họ lấm tấm những giọt mồ hôi. Guồng chân nhanh hơn để chuyển chỗ hàng cho mau. Hết hàng, hai người đứng tựa bên mái hiên phía sau gian hàng bán mũ để nghỉ lấy sức chờ mối hàng tiếp.
Thấy chúng tôi tới hỏi xem có ai ở lại làm trong dịp Tết này, hai người bỗng hào hứng. “Em thuê người giúp việc trong mấy ngày Tết hả? Nhà có người già cần chăm sóc hay sao? Thế em định trả bao nhiêu tiền một buổi?”, người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, gương mặt sạm lại vì nắng hỏi dồn dập.
Chị bảo chị tên Phạm Thị Hoa, người Hưng Yên. Nhà chỉ cách Hà Nội 60km nhưng Tết này chị không về nhà xum họp “Người ta giàu có, Tết sắm sửa được cái này cái khác mới vui. Mình chả có nên Tết cũng không khác ngày thường là bao. Thôi thì ở lại tìm việc làm, kiếm chút tiền cho đứa con nhỏ đi học,” chị chia sẻ.
Rồi chị lại kể, chồng chị trước đi làm thợ hồ, chẳng may sập giàn giáo, mạng không mất nhưng cũng chẳng còn sức để làm bất cứ việc gì. Đã hai năm nay, anh chỉ nằm một chỗ. Gánh nặng gia đình với hai con nhỏ và một người chồng mất sức lao động đổ lên đầu người đàn bà nhỏ nhắn. Ở quê chị làm ruộng, cấy lúa nhưng không đủ ăn.
Theo chân các chị em trong xóm, cứ hết mùa vụ chị lên làm cửu vạn ở chợ Long Biên. Chị bảo cũng định Tết về nhà nhưng nghĩ lại, thấy thương thằng bé út đang học lớp năm sẽ không có tiền đi học nếu mẹ không đi làm nên ở lại. Đứa con gái lớn của chị đã phải bỏ dở lớp bảy khi bố nó bị tai nạn, còn thằng nhỏ chị phải cố cho nó đi học.
“Bây giờ thì cứ làm ở đây, vài bữa nữa đi kiếm việc khác. May ra có nhà nào thuê làm ôsin trong mấy ngày Tết thì tốt. Các chị ở đây bảo một ngày có thể kiếm được 200.000 đến 300.000 đồng. Chỉ cần làm 3, 4 ngày Tết là có thể kiếm được gần triệu bạc, bằng tiền kiếm cả tháng ở đây. Chỗ tiền ấy cũng đủ trang trải cho ba bố con ở nhà khi ra Giêng. Nhất là thằng bé có tiền nộp học,” chị nói.
Đang ngã giá với chúng tôi, thì có người gọi đi chuyển hàng tiếp, thế là hai người phụ nữ lại tất tả quẩy gánh đi. Trước khi đi, chị còn nói vội: “Các em cứ khảo giá kỹ đi. Cần tìm chị thì lại ra đây, từ giờ đến cận Tết chị vẫn gánh hàng ở chợ này.”
Trời về trưa. Nhiều người đổ lên cầu Long Biên cùng với túi to túi nhỏ đồ sắm Tết. Nắng đã có phần gay gắt nhưng không che nổi những người mặt hồ hởi, với những nguyện ước năm cũ qua đi, năm mới sẽ đến cùng nhiều may mắn và hạnh phúc. Bất giác thấy chạnh lòng khi nghĩ về mơ ước của một người bà nghèo, chỉ mong đắt hàng hơn một chút để có tiền mua cho đứa cháu nhỏ chiếc bánh chưng cho có không khí Tết mà thôi./.
Mong có tiền mua cho cháu bánh chưng
Trong túp lều tạm dưới gầm cầu thang từ trên đê sông Hồng đi xuống đường Hồng Hà, chỗ cổng chợ Long Biên có hai bà cháu lặng ngồi nhìn mọi người chen chân đi sắm Tết. Buổi sáng, người bà kéo tấm bạt che trên gầm cầu thang để cho ánh nắng xuân tràn vào, xua bớt đi cái mùi ẩm mốc vẫn thường trực nơi đây.
Trong lều chẳng có gì ngoài một tấm gỗ mỏng kê làm giường cùng một tấm chăn đã sờn cũ. Cuối giường là chiếc thúng nhỏ đựng những ấm, cốc chén, vài bao thuốc lá dang dở. Ấy là tất cả tài sản, những món đồ mưu sinh của hai bà cháu.
Ngồi ghé bên mép chiếc giường, tôi hỏi bà cụ về chuyện tết. Bà cụ tên Đạm (quê Yên Mĩ, Hưng Yên) năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. “Con trai tôi mất sớm. Vợ nó lấy chồng khác mãi tận Bắc Giang, để lại đứa cháu nhỏ cho tôi nuôi. Ngày ngày tôi bán nước, bán thuốc kiếm vài đồng bà cháu nuôi nhau. Nào có biết Tết là gì.”
Em Nguyễn Thị Hồng Anh – cháu nội bà Đạm năm nay đã mười tuổi. Thấy bà nhắc đến mẹ, em khã nói: "Mẹ em tuy ở Bắc Giang nhưng cũng lên Hà Nội để bán hoa quả trong chợ Long Biên. Cả ngày mẹ ở chợ, tối cũng về đây ngủ với hai bà cháu." Nhìn tấm gỗ nhỏ kê làm giường chỉ đủ cho một người lớn nằm, tôi thắc mắc vậy ba mẹ con, bà cháu sẽ nằm ngủ ra sao. “Mẹ em ngủ ngồi, còn hai bà cháu thì nằm,” Hồng Anh giải thích.
23 tháng Chạp nhưng bà Đạm cũng không có gì để tiễn chân ông Công, ông Táo. Bà bảo: “Ban ngày tôi kéo tấm bạt che lên, bày hàng bán nước, bán thuốc; tối lại chăng lên lấy chỗ để ngủ. Ngày nào đắt khách thì kiếm được đôi ba chục. Bữa có thì mua một suất cơm hai bà cháu ăn chung, bữa không lại ăn bánh mì. Tết thì cũng không có gì hơn.”
Hôm nay bà không dọn hàng vì buổi chiều hai bà cháu sẽ về quê. Hỏi bà, bà định về quê ăn Tết ư? Người bà mắt đã kèm nhèm khẽ cười buồn: “Ở quê, tôi đâu còn nhà cửa, anh em thân thích gì đâu. Hai bà cháu về quê giỗ tổ rồi mai lại lên đây thôi. Nhà không có, tiền cũng không lấy gì mà ăn Tết chứ?”
Rồi bà bảo, Tết có cái vui hơn ngày thường là bà sẽ được dọn hàng lên phía trên vỉa hè đường đê bởi chị bán hàng nước trên đó sẽ nghỉ ăn Tết. Lên trên đó, hàng của bà sẽ đắt khách hơn, biết đâu có đủ tiền mua cho đứa cháu nhỏ cái bánh chưng. “Mình già rồi chẳng cần gì nữa. Chỉ thương con bé, đến cái bánh chưng cũng không có,” bà ngậm ngùi...
Tết này tranh thủ đi làm ôsin
Hai người phụ nữ cong lưng gánh những thùng hàng từ chiếc xe tải đậu ngoài cổng chợ vào khu hàng hoa quả. Trong cái nắng đầu xuân có phần gay gắt, gương mặt họ lấm tấm những giọt mồ hôi. Guồng chân nhanh hơn để chuyển chỗ hàng cho mau. Hết hàng, hai người đứng tựa bên mái hiên phía sau gian hàng bán mũ để nghỉ lấy sức chờ mối hàng tiếp.
Thấy chúng tôi tới hỏi xem có ai ở lại làm trong dịp Tết này, hai người bỗng hào hứng. “Em thuê người giúp việc trong mấy ngày Tết hả? Nhà có người già cần chăm sóc hay sao? Thế em định trả bao nhiêu tiền một buổi?”, người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, gương mặt sạm lại vì nắng hỏi dồn dập.
Chị bảo chị tên Phạm Thị Hoa, người Hưng Yên. Nhà chỉ cách Hà Nội 60km nhưng Tết này chị không về nhà xum họp “Người ta giàu có, Tết sắm sửa được cái này cái khác mới vui. Mình chả có nên Tết cũng không khác ngày thường là bao. Thôi thì ở lại tìm việc làm, kiếm chút tiền cho đứa con nhỏ đi học,” chị chia sẻ.
Rồi chị lại kể, chồng chị trước đi làm thợ hồ, chẳng may sập giàn giáo, mạng không mất nhưng cũng chẳng còn sức để làm bất cứ việc gì. Đã hai năm nay, anh chỉ nằm một chỗ. Gánh nặng gia đình với hai con nhỏ và một người chồng mất sức lao động đổ lên đầu người đàn bà nhỏ nhắn. Ở quê chị làm ruộng, cấy lúa nhưng không đủ ăn.
Theo chân các chị em trong xóm, cứ hết mùa vụ chị lên làm cửu vạn ở chợ Long Biên. Chị bảo cũng định Tết về nhà nhưng nghĩ lại, thấy thương thằng bé út đang học lớp năm sẽ không có tiền đi học nếu mẹ không đi làm nên ở lại. Đứa con gái lớn của chị đã phải bỏ dở lớp bảy khi bố nó bị tai nạn, còn thằng nhỏ chị phải cố cho nó đi học.
“Bây giờ thì cứ làm ở đây, vài bữa nữa đi kiếm việc khác. May ra có nhà nào thuê làm ôsin trong mấy ngày Tết thì tốt. Các chị ở đây bảo một ngày có thể kiếm được 200.000 đến 300.000 đồng. Chỉ cần làm 3, 4 ngày Tết là có thể kiếm được gần triệu bạc, bằng tiền kiếm cả tháng ở đây. Chỗ tiền ấy cũng đủ trang trải cho ba bố con ở nhà khi ra Giêng. Nhất là thằng bé có tiền nộp học,” chị nói.
Đang ngã giá với chúng tôi, thì có người gọi đi chuyển hàng tiếp, thế là hai người phụ nữ lại tất tả quẩy gánh đi. Trước khi đi, chị còn nói vội: “Các em cứ khảo giá kỹ đi. Cần tìm chị thì lại ra đây, từ giờ đến cận Tết chị vẫn gánh hàng ở chợ này.”
Trời về trưa. Nhiều người đổ lên cầu Long Biên cùng với túi to túi nhỏ đồ sắm Tết. Nắng đã có phần gay gắt nhưng không che nổi những người mặt hồ hởi, với những nguyện ước năm cũ qua đi, năm mới sẽ đến cùng nhiều may mắn và hạnh phúc. Bất giác thấy chạnh lòng khi nghĩ về mơ ước của một người bà nghèo, chỉ mong đắt hàng hơn một chút để có tiền mua cho đứa cháu nhỏ chiếc bánh chưng cho có không khí Tết mà thôi./.
Đỗ Hương (Vietnam+)