Tờ The Indian Express đã đăng bài viết của nhà bình luận chính trị hàng đầu Ấn Độ C. Raja Mohan cho rằng Ấn Độ phải kiểm soát tốt hơn trong cách can dự với các nước láng giềng.
Nội dung bài viết như sau:
Chuyến thăm Sri Lanka của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar hôm 5/1 và chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Nepal P Gyawali tới Ấn Độ đã đưa ngoại giao láng giềng của Ấn Độ trở lại trọng tâm. Hai chuyến thăm cũng nêu bật những câu hỏi từ lâu về vai trò của Ấn Độ trong nền chính trị nội bộ của các quốc gia Nam Á khác.
Việc Ấn Độ không muốn bị lôi kéo vào vụ hỗn loạn chính trị mới nhất ở Kathmandu đã thu hút nhiều sự chú ý. Hành động khước từ của New Delhi trái ngược với nỗ lực tích cực của Bắc Kinh nhằm duy trì sự đoàn kết của đảng cộng sản cầm quyền ở Kathmandu. Liệu có phải cuối cùng Ấn Độ đã thừa nhận nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội nộ của các nước láng giềng? Và liệu Bắc Kinh có đang phá vỡ nguyên tắc không can thiệp vào các xã hội khác hay không? Câu trả lời là: Không hẳn như vậy.
Cả New Delhi và Bắc Kinh đều không rời bỏ truyền thống cơ bản trong chính sách đối ngoại đối với các nước láng giềng. Can thiệp vào các nước láng giềng là "một đặc điểm truyền thống" trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ không thể đứng ngoài nền chính trị nội bộ của các nước láng giềng, điều được thể hiện khá rõ trong tuyên bố của Ngoại trưởng Jaishankar tại Colombo.
Ông Jaishankar đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Colombo trong việc giải quyết những kỳ vọng của người Tamil thiểu số ở Sri Lanka về “bình đẳng, công lý, hòa bình và phẩm giá” trong một Sri Lanka thống nhất.
Trong bối cảnh Trung Quốc trở nên hùng mạnh và lợi ích của họ ở khu vực láng giềng bắt đầu tăng lên, họ quyết tâm định hình các động lực tại các xã hội khác. Hành động hiện nay của Trung Quốc ở Nepal không phải là một ngoại lệ; nó là một phần rất lớn trong chiến lược can thiệp hiện tại của Trung Quốc trên khắp châu Á và hơn thế nữa.
Trên thực tế, Ấn Độ và Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng các quốc gia khác nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Có thể gọi đây là hành động "đạo đức giả" khi các nước lớn luôn tìm cách can thiệp vào các nước khác nhưng lại ra sức né tránh các mối đe dọa tiềm tàng đối với chủ quyền của chính mình. Ấn Độ và Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Gần đây nhất, Ấn Độ đã phản ứng mạnh mẽ trước những bình luận của Thủ tướng Canada Justin Trudeau ủng hộ nông dân Ấn Độ biểu tình phản đối chính phủ.
Mỹ và các đồng minh cũng thường xuyên chỉ trích các chính sách đối nội của Trung Quốc, gần đây nhất là hành động của Bắc Kinh ở Hong Kong. New Delhi và Bắc Kinh cùng cáo buộc nhau can thiệp vào chính trị trong nước của họ.
[Tự chủ kinh tế có làm giảm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực?]
Can thiệp là một phần của đời sống chính trị quốc tế và luận điệu về chủ quyền trong ngôn ngữ ngoại giao quốc tế có xu hướng là những lời "đạo đức giả." Tất cả các cường quốc - lớn hay nhỏ - thường xuyên vi phạm nguyên tắc chủ quyền. Khái niệm chủ quyền quốc gia không bao giờ là tuyệt đối. Khả năng bảo vệ chủ quyền của một quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh toàn diện của một quốc gia. Các cường quốc lớn có xu hướng can thiệp nhiều hơn và các quốc gia nhỏ hơn tìm cách kiểm soát điều này thông qua cân bằng chính trị với các nước láng giềng lớn của họ.
Đối với Ấn Độ, câu hỏi không phải là lựa chọn giữa can thiệp và không can thiệp. Vấn đề ở đây là kiểm soát cẩn thận sự tương tác không thể tránh khỏi giữa các tiến trình chính trị trong nước của Ấn Độ và các nước láng giềng.
Với bản chất địa lý chính trị của Nam Á, rất ít vấn đề có thể được tách biệt trong lãnh thổ của riêng các quốc gia. Ngoài ra còn có sự căng thẳng giữa bản sắc văn hóa chung ở tiểu lục địa và quyết tâm của các quốc gia nhỏ hơn trong việc xác định một bản sắc độc lập với Ấn Độ. Những di sản cay đắng của “Cuộc chia cắt vĩ đại” (Partition) khiến các động lực chính trị trong nước của Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan bị ràng buộc với nhau và làm phức tạp thêm sự tương tác của họ với tư cách là các thực thể có chủ quyền riêng biệt.
Mối quan hệ của Ấn Độ với các nước láng giềng nhỏ hơn cũng bị ảnh hưởng bởi quyền bá chủ trong quá khứ của Ấn Độ và những thách thức đang nổi lên đối với nước này.
Ấn Độ không thể đứng ngoài cũng như không nên can dự vào mọi cuộc xung đột nội bộ ở các nước láng giềng trong khu vực lân cận. Câu hỏi thực sự là khi nào cần can thiệp và khi nào nên né tránh? Hiện không có công thức duy nhất để định hướng chính sách trong vấn đề này. Điều đó phụ thuộc vào phán đoán chính trị trong các tình huống cụ thể.
Nếu khái niệm chủ quyền quốc gia bị giới hạn bởi hoàn cảnh, thì hiệu quả của sự can thiệp của bên thứ ba cũng vậy. Những can thiệp từ bên ngoài vào chính trị trong nước của các nước láng giềng hiếm khi thành công và tạo ra những hậu quả không lường trước. Ấn Độ có thể khuyến khích nhưng không thể thực sự buộc Colombo và Kathmandu tôn trọng quyền của người Tamil và Madhesi.
Tuy nhiên, với sự liên kết phức tạp ở biên giới Nam Á, New Delhi cũng không tránh khỏi việc đối mặt với những vấn đề khó khăn này. Tiểu lục địa này từng là một không gian địa chính trị tích hợp với một di sản văn minh chung, nhưng nó đã trở thành các quốc gia có chủ quyền riêng biệt ở Nam Á. Nhận thức được thực tế “kép” này, hiện không quá khó để xác định các nguyên tắc định hướng sự can dự của Ấn Độ.
Như Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã hứa với lãnh đạo Sri Lanka tại Colombo, “Ấn Độ sẽ luôn là đối tác và người bạn đáng tin cậy” và cam kết tăng cường quan hệ song phương “trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, cùng quan tâm, tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ lẫn nhau." Đây không phải là những nguyên tắc dễ dàng tuân theo, nhưng việc nhắc tới “sự tôn trọng lẫn nhau và cùng chia sẻ” chắc chắn được hoan nghênh.
Việc New Delhi nhất quán theo đuổi khuôn khổ này có thể giúp Ấn Độ quản lý tốt hơn động lực phức tạp trong việc can dự với các nước láng giềng./.