Những rủi ro có thể ảnh hưởng đến kinh tế Indonesia trong năm 2019

Xu hướng tiết kiệm chi tiêu, nguy cơ các khoản đầu tư trực tiếp bị đình lại chờ kết quả bầu cử, chính sách tiền tệ và việc Mỹ bảo hộ thương mại có thể ảnh hưởng đến kinh tế Indonesia trong năm 2019.
Những rủi ro có thể ảnh hưởng đến kinh tế Indonesia trong năm 2019 ảnh 1Đường phố ở thủ đô Jakarta. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng tin Antara ngày 5/6 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati, chỉ ra 4 rủi ro có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này trong năm 2019.

Những phân tích này được đưa ra trong một buổi làm việc với Hạ viện để thảo luận về Khung kinh tế vĩ mô 2019.

Rủi ro đầu tiên được đề cập là xu hướng tiết kiệm chi tiêu cho tiêu thụ và sự thay đổi trong các mô hình tiêu thụ, khiến dòng vốn không được chuyển vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Tiếp đến là nguy cơ các nhà đầu tư có thể đình lại các khoản đầu tư trực tiếp để chờ kết quả bầu cử sẽ diễn ra vào năm sau.

[Indonesia giám sát mạng xã hội để ngăn chặn khủng bố]

Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ, không chỉ ở Mỹ và châu Âu, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực tài chính cũng là yếu tố tiềm ẩn rủi ro.

Bà Sri Mulyani nhận định: “Chính sách thuế của Mỹ cũng là một rủi ro đối với dòng tiền dành cho các nước đang phát triển, trong đó có Indonesia”.

Ngoài ra, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ sẽ có thể ảnh hưởng đến hiệu suất xuất khẩu và diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là yếu tố mà Indonesia cần cảnh giác.

Trên cơ sở những nhận định này, chính phủ Indonesia đã sẵn sàng đối mặt và chuẩn bị các biện pháp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực như đưa ra chính sách tài chính khuyến khích đầu tư, cạnh tranh và xuất khẩu, hướng nền kinh tế đến tăng trưởng chất lượng. Chúng bao gồm các ưu đãi cho đầu tư và chi tiêu mở rộng có thể dẫn đến năng suất và tính bền vững của phát triển cơ sở hạ tầng.

Các chương trình Đối tác công-tư (PPP) sẽ được khuyến khích để nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chuẩn bị các nguồn lực hỗ trợ xã hội nhằm hỗ trợ kịp thời cho người nghèo.

Bà Sri Mulyani cho biết thêm, sức mạnh tổng hợp giữa chính quyền trung ương và khu vực sẽ được thúc đẩy để khuyến khích tiêu dùng.

Chính phủ cũng duy trì sự đảm bảo về mặt pháp lý và chính sách bền vững có lợi cho kinh doanh và đầu tư. Điều đó sẽ đảm bảo tính liên tục của cải cách chính sách nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và hấp dẫn của Indonesia như một điểm đến đầu tư tốt và giữ lạm phát ở mức kiểm soát để duy trì sức mua.

Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ và mở rộng sang các thị trường mới ở châu Phi, Trung Đông và Đông Âu cũng sẽ là những ưu tiên của Chính phủ Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục