Những tác động từ vụ Đại sứ Mỹ ở Libya thiệt mạng

Vụ sát hại đại sứ Mỹ tại Libya đã làm chấn động thế giới, thách thức khái niệm Mùa xuân Arập và ám ảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Vụ sát hại đại sứ Mỹ tại Libya đã làm chấn động thế giới, thách thức khái niệm Mùa xuân Arập và ám ảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi tiếp nối cuộc biểu tình chống Mỹ ở đại sứ quán nước này tại Cairo vì một đoạn phim chống Hồi giáo do dân nghiệp dư làm ở Mỹ. Những thông tin ban đầu cho biết đại sứ Mỹ ở Libya, Chris Stevens, 52 tuổi và là một người ủng hộ nhiệt tình cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, cùng ba người Mỹ khác đã bị sát hại khi một đám đông giận dữ tấn công họ trong lúc những người này tìm cách thoát khỏi chiếc xe của mình. Nhưng hiện những tin tức mới lại nói ông chết vì nghẹt thở do khói sau khi mắc kẹt trong một khu nhà bị các phần tử vũ trang Hồi giáo tấn công bằng súng phóng lựu. Các quan chức Mỹ đang điều tra khả năng vụ tấn công là một âm mưu của những phần tử Al Qaeda trà trộn tại Libya.
[Quốc tế cực lực lên án vụ sát hại đại sứ Mỹ ở Libya]
Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Hillary Clinton nói cái chết của ông Stevens “là cú sốc với lương tâm” của mọi dân tộc thuộc mọi tôn giáo, nhưng nói đó chỉ là hành động “tàn bạo của một nhóm nhỏ” và khẳng định Washington sẽ không quay lưng lại với Libya. Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh tăng cường an ninh cho các phái bộ ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới, giữa những lo ngại các cuộc biểu tình chống Mỹ diễn ra sau một bộ phim có ngân sách thấp phỉ báng nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed. Tại Cairo, những người biểu tình chống Mỹ đã đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài đại sứ quán nước này ở Ai Cập. Những cuộc biểu tình cũng đã nổ ra trong ngày 12/9 bên ngoài các phái bộ Mỹ ở Morocco, Sudan và Tunisia. Tại Tunis thủ đô Tunisia, cảnh sát đã sử dụng hơi cay với một đám đông khoảng vài trăm người.
Những tác động từ vụ Đại sứ Mỹ ở Libya thiệt mạng ảnh 1
Chiếc xe bị đốt bên trong ngôi nhà của cơ quan ngoại giao Mỹ ở Benghazi (Nguồn: AFP)
Obama đã chỉ trích đối thủ Mitt Romney sau khi hy vọng tổng thống của phe Cộng hòa chỉ trích những phản ứng ban đầu của chính quyền về sự cố ở Cairo, mà ông Romney cho là quá mềm mỏng thay vì bảo vệ các giá trị Mỹ. “Thống đốc Romney có thói quen bắn trước rồi mới ngắm,” ông Obama nói trong một cuộc phỏng vấn với CBS News. Mỹ đã bắt đầu sơ tán tất cả nhân viên trong phái bộ ở Benghazi, đưa họ sang Đức trước, nơi một số người bị thương đang được điều trị. Một nhóm 50 lính thủy đánh bộ cũng đã được triển khai để đảm bảo an toàn cho đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tripoli, nơi số nhân viên đã được giảm bớt vì lo ngại về an ninh. Các nhân viên ngoại giao Mỹ bị sốc và rất đau buồn trước sự kiện vừa rồi. Hàng trăm người đã đổ ra sân phía nam ở Bộ ngoại giao, nơi ông Obama đi thẳng sang từ Nhà Trắng để cùng bà Clinton tưởng niệm những người đã khuất. Trong khi đó, bí ẩn tiếp tục che phủ nhân thân của đạo diễn bộ phim đã gây ra những cuộc biểu tình. Một người Mỹ-Israel tự nhận là Sam Bacile đã lên truyền thông Mỹ nói ông thực hiện bộ phim với ngân sách 5 triệu USD từ sự trợ giúp của 100 người Do Thái, nhưng không ai tìm được thông tin gì về một người có tên như thế.
Những tác động từ vụ Đại sứ Mỹ ở Libya thiệt mạng ảnh 2
Người biểu tình giận dữ đốt cờ Mỹ ở Cairo, Ai Cập (Nguồn: AFP)
Một phiên bản tiếng A-rập của bộ phim tiếng Anh này đã được nhóm Thiên Chúa giáo Coptic của Ai Cập dịch ra và vài đoạn đã được chiếu trên truyền hình Ai Cập, gây ra các cuộc biểu tình. Steve Klein, một cố vấn của bộ phim, phủ nhận việc Israel có liên quan, và nói Bacile, mà ông thừa nhận chỉ là tên giả, rất đau buồn khi nghe tin về cái chết của Stevens. “Ông ấy rất buồn vì ngài đại sứ bị sát hại”, Klein nói. Quốc hội Libya đã lên án vụ bạo lực ở Benghazi và ngày thứ Tư đã đề cử nhà kỹ trị Mustafa Abu Shagur làm thủ tướng mới trong một cuộc bỏ phiếu khá sát sao. Nhiệm vụ đầu tiên của ông Shagur là lập lại trật tự trong bối cảnh các nhóm vũ trang vẫn còn hoạt động mạnh khắp Libya./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục