Những vấn đề định hình quan hệ Mỹ-EU nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden

Các quan chức Mỹ và EU sẽ gặp nhau tại Brussels vào tháng Sáu tại hội nghị thượng đỉnh song phương nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng bao gồm thương mại, công nghệ, biến đổi khí hậu và Trung Quốc.
Những vấn đề định hình quan hệ Mỹ-EU nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo trang mạng Carnegie Endowment for International Peace, chính quyền mới của Mỹ đã mang lại sự thay đổi đáng hoan nghênh trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong các vấn đề gai góc như thương mại, công nghệ, biến đổi khí hậu và Trung Quốc.

Một cuộc tái thiết quan hệ ngoại giao đầy đủ của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) đang được tiến hành để sửa chữa và xây dựng lại các mối quan hệ bị suy yếu. Nhiều nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ hài lòng với mức độ hợp tác và những thông điệp mà đội ngũ của ông Biden đưa ra, cũng như mong muốn nâng cao quan hệ Mỹ-EU.

Giọng điệu mới và tích cực hơn chắc chắn là một sự thay đổi đáng hoan nghênh, nhưng chính quyền của ông Biden vẫn chưa mang lại bất kỳ đột phá cụ thể nào về chính sách trong việc giải quyết những bất đồng kế thừa từ chính quyền tiền nhiệm.

Các quan chức Mỹ và EU sẽ gặp nhau tại Brussels vào tháng Sáu tại hội nghị thượng đỉnh song phương. Hai bên sẽ cần xác định một cách nghiêm túc liệu các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thân thiện hơn dưới thời Tổng thống Biden có thể khôi phục và tái tạo lại chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương truyền thống hay không.

Những mục tiêu chính là giải quyết tốt hơn các vấn đề quan trọng, bao gồm thương mại, công nghệ, biến đổi khí hậu và Trung Quốc.

Nỗ lực “tái thiết” quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Mặc dù có sự khởi đầu ngoại giao hơi chậm chạp do COVID-19 và sự chậm trễ trong việc bổ nhiệm và phê chuẩn các quan chức mới trong chính quyền của ông Biden, cường độ thúc đẩy ngoại giao của Mỹ gần đây đã khiến một số nhà ngoại giao châu Âu ngạc nhiên.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã tham gia cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU ở Brussels vào tháng Hai, tham gia vào hai cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có mặt trong cuộc họp trực tiếp cấp bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ở London.

Ông Blinken và các đồng nghiệp của ông cũng đã tích cực tham gia vào các hoạt động song phương và khu vực ở cấp độ nhỏ hơn với các quốc gia châu Âu riêng lẻ. Một hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ ở cấp lãnh đạo, lần đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2014, sẽ diễn ra vào tháng Sáu tại Brussels, sau các hội nghị thượng đỉnh của NATO và G7.

Bên cạnh việc tái cam kết với mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, ông Biden cũng đang bận rộn với việc tái can dự ở cấp độ đa phương toàn cầu. Ngoài việc gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi thuận khí hậu và những nỗ lực không ngừng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Biden đã gia nhập lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tham gia sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX, khôi phục lại tài trợ của Mỹ cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc và tái gia nhập các diễn đàn đa phương như G7 và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Trong khi EU sẵn sàng cho việc hợp tác sâu hơn với Mỹ và các đối tác chung chí hướng khác, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến dân chủ-công nghệ, hầu hết các nước châu Âu vẫn ủng hộ sự can dự đa phương với Bắc Kinh và đề phòng việc trở thành công cụ trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc.

Do đó, các nước này sẽ miễn cưỡng trong việc chấp nhận hoàn toàn cái được gọi là chương trình nghị sự thế giới tự do của ông Biden.

Hiện vẫn còn tồn tại những vấn đề căng thẳng ngoại giao riêng lẻ giữa Washington và các nước châu Âu - chẳng hạn như về Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI) của EU với Trung Quốc, đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), những phàn nàn về việc Mỹ theo chủ nghĩa dân tộc vaccine và việc vẫn thực hiện thuế quan theo Mục 232 được áp đặt bởi chính quyền Tổng thống Trump.

[Mỹ-EU có triển vọng giải quyết được tranh chấp thương mại]

Dù vậy, chiến dịch của chính quyền Tổng thống Biden nhằm sửa chữa và xây dựng lại mối quan hệ với châu Âu đã tỏ ra hiệu quả. Các nhà ngoại giao châu Âu nhìn chung hài lòng với mức độ can dự ngoại giao của Mỹ và cho rằng chính quyền của ông Biden đang có một khởi đầu tốt đẹp, cả về mặt phát đi thông điệp và tạo ra bầu không khí phù hợp cho mối quan hệ này.

Đồng thời, các quan chức châu Âu nhanh chóng chỉ ra rằng vẫn chưa có nhiều bước đi cụ thể được thực hiện và chính quyền Mỹ đã phớt lờ hầu hết các đề xuất mà EU đưa ra ngay sau chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử năm ngoái. Các quan chức chính quyền của ông Biden cho rằng nhiều sáng kiến chính sách vẫn đang được xem xét và chuẩn bị triển khai trong những tháng tới.

Các quan chức Mỹ cũng phàn nàn rằng một số nước châu Âu phản ứng một cách dè dặt của Berlin và Paris đối với lời kêu gọi chung tay đối phó lại Trung Quốc của ông Biden.

Thương mại: Giữ tham vọng trong tầm kiểm soát

Là một trong những lĩnh vực chính sách xuyên Đại Tây Dương bị ảnh hưởng mạnh nhất trong bốn năm qua, thương mại khó có thể trở nên dễ dàng dưới thời chính quyền của ông Biden.

Nhưng với chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc về kinh tế của ông Trump, bao gồm việc áp thuế theo điều khoản an ninh quốc gia Mục 232 đối với các nhà sản xuất thép và nhôm của châu Âu và sử dụng quá mức các biện pháp trừng phạt đặc quyền đối với một số thực thể châu Âu, việc thiết lập lại các mối quan hệ với EU chắc chắn đòi hỏi Mỹ giải quyết những bất đồng trong thương mại song phương này.

Mặc dù các quan chức chính quyền của ông Biden đã nói về sự cần thiết phải chấm dứt cuộc chiến thương mại với châu Âu, nhưng tiến triển cho đến nay vẫn rất chậm. Thành tựu có ý nghĩa duy nhất cho đến nay là việc tạm dừng 4 tháng việc áp thuế bổ sung trong vụ tranh cãi Airbus-Boeing, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng có thể tạo tiền đề cho một giải pháp toàn diện cho tranh chấp thương mại kéo dài tại WTO về trợ cấp bất hợp pháp.

Đại diện thương mại mới của Mỹ, bà Katherine Tai đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề này và đã gây ấn tượng với một giọng điệu tích cực trong các cuộc đối thoại với những người đồng cấp EU, những người cũng hy vọng hai bên có thể đạt được tiến bộ.

Nhưng hiện tại, thuế quan đối với thép và nhôm theo Mục 232 vẫn còn hiệu lực và có vẻ sẽ vẫn tồn tại cho đến khi vấn đề dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu được giải quyết.

Điều này khiến các nhà ngoại giao châu Âu, những người coi mức thuế này không công bằng, cảm thấy lo lắng. Trừ khi tìm ra giải pháp nhanh chóng, EU có kế hoạch tiếp tục tăng gấp đôi mức thuế trả đũa của mình vào ngày 1/6, chỉ vài tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ tại Brussels diễn ra.

Thay vì xây dựng một chương trình nghị sự thương mại chung đầy tham vọng, phần lớn trọng tâm hiện tại được dành cho việc giải quyết các xích mích thương mại song phương và đảm bảo rằng những bất đồng còn lại cuối cùng không ảnh hưởng đến mối quan hệ tổng thể Mỹ-EU.

Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu do ông Biden đề xuất đã được hầu hết người châu Âu đón nhận và là một ví dụ điển hình về sự lãnh đạo kinh tế toàn cầu thông minh của Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh vào tháng Sáu cũng tạo cơ hội để khởi động lại lộ trình ba bên Mỹ-EU-Nhật Bản nhằm cải tổ WTO, mặc dù quá trình này khó có khả năng mang lại những kết quả tức thì.

Do đó, các quan chức châu Âu hầu như không mong đợi ông Biden sẽ là một đối tác có thể làm thay đổi quan hệ thương mại ngay cả khi vấn đề sẽ trở nên ít đối kháng hơn. Mặc dù các thỏa thuận thương mại theo lĩnh vực nhỏ, hợp tác trong việc xây dựng các quy định và tiêu chuẩn, cũng như mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có thể nằm trong tầm tay, nhưng việc quay trở lại các cuộc đàm phán thương mại tự do toàn diện xuyên Đại Tây Dương như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama bị loại trừ hoàn toàn.

Trên thực tế, những lời nói của chính quyền Tổng thống Biden về một “chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu” và chương trình nghị sự “Mua hàng Mỹ,” với việc nhấn mạnh trọng tâm vào việc tìm kiếm việc làm cho người Mỹ và ít đề cập đến các đối tác đáng tin cậy, đã khiến người châu Âu lo lắng rằng khuynh hướng bảo hộ của ông Trump vẫn ở đó.

Ngay cả kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ của ông Biden cũng là có vấn đề. Khả năng tiếp cận thị trường mua sắm công của Mỹ của các công ty châu Âu là điểm mấu chốt trong thất bại của các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) dưới thời Tổng thống Obama.

Theo đó, EU đang giữ kỳ vọng ở mức thấp, đồng thời thừa nhận rằng EU cũng có khả năng sẽ hướng phần lớn trọng tâm thương mại của mình sang nơi khác. Bài kiểm tra quan trọng cho cả hai bên tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ vào tháng Sáu sẽ là liệu họ có thể xoay xở để loại bỏ những bất đồng song phương và ổn định mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương hay không.

Hai bên cũng cần cô lập các bất đồng để không ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, đạt được tiến bộ đáng kể trong cải cách WTO và giải quyết các thách thức thương mại có tính hệ thống bắt nguồn từ Trung Quốc theo một cách có tính phối hợp hoặc ít nhất là bổ sung nhau.

Kỹ thuật số và công nghệ: Mối quan tâm chung nhưng cách tiếp cận khác biệt?

Trong khi hợp tác xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề kỹ thuật số và công nghệ là ưu tiên không cao đối với chính quyền của ông Trump, chính quyền Tổng thống Biden đã báo hiệu các kế hoạch dành sự quan tâm nhiều hơn cho lĩnh vực này.

Có nhiều cơ hội để nâng cao hợp tác EU-Mỹ trong lĩnh vực này, nhưng cũng có thể có một số khó khăn. Một mặt, chính quyền của ông Biden dự kiến sẽ coi việc quản lý các nền tảng trực tuyến và các quy định chống độc quyền đối với các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) là những ưu tiên lớn trong nước, do đó đưa Washington và Brussels xích lại gần nhau hơn trước.

Những vấn đề định hình quan hệ Mỹ-EU nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phần mình, EU đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ trong việc tham gia với chính quyền của ông Biden về các vấn đề kỹ thuật số và công nghệ. Đại diện cấp cao Josep Borrell và Ủy viên EU phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager đều đưa ra đề nghị về sự cần thiết phải có một “liên minh công nghệ” với Washington, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đã kêu gọi một “bộ luật” chung xuyên Đại Tây Dương để kiểm soát sức mạnh của các công ty công nghệ lớn và chống lại việc lan truyền thông tin sai lệch.

Để thúc đẩy đối thoại cấp cao về các vấn đề kỹ thuật số, EU đã ủng hộ việc thành lập một Hội đồng Công nghệ và Thương mại xuyên Đại Tây Dương mới để thúc đẩy đổi mới và thiết lập tiêu chuẩn chung về các công nghệ mới.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực ban đầu, chương trình nghị sự kỹ thuật số xuyên Đại Tây Dương cần nhiều thời gian mới đạt được tiến triển. Thử thách ban đầu là liệu hai bên có thể giải quyết những bất đồng về thuế kỹ thuật số hay không.

Bất chấp những tín hiệu tích cực gần đây trong các cuộc đàm phán về thuế kỹ thuật số giữa Mỹ và Pháp, chính quyền của ông Biden được cho là đang chuẩn bị đưa ra các mức thuế trả đũa đối với Áo, Italy, Tây Ban Nha và Anh để đáp lại thuế dịch vụ kỹ thuật số của các nước này.

Tuy nhiên, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu do ông Biden đề xuất, nếu được thực hiện thành công, sẽ loại bỏ nhu cầu về thuế dịch vụ kỹ thuật số có phạm vi hẹp hơn nhưng cũng mang tính phân biệt đối xử hơn. Nhờ đó, những bất đồng xuyên Đại Tây Dương này sẽ được loại bỏ khỏi chương trình nghị sự.

Một thách thức trước mắt khác là liệu một khuôn khổ mới cho việc truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương có thể thay thế cho lá chắn quyền riêng tư EU-Mỹ đã thất bại hay không.

Hơn nữa, các cuộc thảo luận ngày càng tăng của EU xung quanh chủ quyền kỹ thuật số và đề xuất gần đây của EC về việc quản lý các nền tảng trực tuyến và cải tiến chính sách cạnh tranh chống lại Big Tech có thể làm phức tạp hóa hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU có thể cung cấp điểm khởi đầu cho các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu về cách chống lại phát ngôn thù địch và thông tin sai lệch trên mạng. Tuy nhiên, Đạo luật thị trường kỹ thuật số có khả năng gây tranh cãi hơn nếu nó tạo ấn tượng với chính quyền và Quốc hội Mỹ rằng EU đang cố tình nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) mới của EU dường như được chính quyền của ông Biden đón nhận, nhưng đối thoại xuyên Đại Tây Dương về AI vẫn còn trong giai đoạn sơ khai.

Sau nhiều tháng tranh cãi, chính quyền của ông Biden được cho là đã sẵn sàng chấp nhận đề xuất của EU về Hội đồng Thương mại và Công nghệ. Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden sẽ cần nhanh chóng vạch ra kế hoạch tổ chức giải quyết các vấn đề kỹ thuật số và công nghệ ở trong nước như thế nào, cũng như cách phản ứng với các đề xuất mới nhất của EU. Cho đến khi những điều này được giải quyết, vẫn còn quá sớm để dự đoán rằng hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong lĩnh vực này có thể đạt được trong tương lai gần.

Biến đổi khí hậu: Cháy bỏng với nhiệt huyết

Tổng thống Biden đã cam kết vấn đề chống biến đổi khí hậu trở thành tâm điểm trong chương trình nghị sự ở cả trong nước và quốc tế. Thông báo trong ngày đầu tiên nhậm chức của ông về việc tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, việc bổ nhiệm ông John Kerry làm đặc phái viên về biến đổi khí hậu, các mục tiêu mới đầy tham vọng về khí hậu trong nước của Mỹ và sự thành công hồi tháng Tư của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đã góp phần trấn an các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Washington thực sự trở lại với tư cách là đối tác quan trọng trong các vấn đề khí hậu.

Mặc dù vậy, các quan chức châu Âu không hoàn toàn bị thuyết phục với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ về ngoại giao khí hậu do những di sản của ông Trump để lại gần đây và nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa tiếp tục phản đối chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, EU cũng có tham vọng lãnh đạo trong lĩnh vực này.

Cả hai bên đều nhiệt tình thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương sâu hơn về khí hậu. Chương trình nghị sự do EU đề xuất với chính quyền của ông Biden được đưa ra ngay sau chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử năm ngoái đã liệt kê "việc mua bán khí thải, định giá và đánh thuế khí carbon" là các vấn đề ưu tiên.

Trong một tuyên bố chung EU-Mỹ nhân chuyến thăm của ông Kerry tới Brussels hồi tháng Ba, hai bên cam kết “đổi mới mối quan hệ liên minh vững mạnh của chúng ta trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu”. Đáng chú ý là tuyên bố chung này đã đề cập đến cam kết chung của cả hai bên đối với việc không phát thải khí carbon vào năm 2050.

Mặc dù có thái độ tích cực, nhưng vẫn có rất ít sáng kiến chung cụ thể được đưa ra thảo luận. Trong khi các quan chức châu Âu rất vui mừng khi Mỹ quay lại bàn thảo luận, thì sự hoài nghi đối với tham vọng giảm phát thải của Mỹ lại chiếm ưu thế.

Ông Biden gần đây đã xác nhận mục tiêu giảm 50% phát thải khí CO2 vào năm 2030, chỉ thấp hơn một chút so với mức 55% của EU, khi đang chờ sự hỗ trợ của Quốc hội cho dự luật cơ sở hạ tầng khổng lồ ở trong nước. Mặc dù vậy, cách ông Biden thực hiện để đạt được điều đó, dựa nhiều vào cách tiếp cận thúc đẩy bởi thị trường và sự đổi mới của khu vực tư nhân, khác với cách tiếp cận mang nặng tính quản lý và phụ thuộc vào các cơ chế như mua bán khí thải của EU.

Hơn nữa, một trong những đề xuất hàng đầu của EU - Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM, thuế điều chỉnh đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không có cơ chế đánh thuế khí thải carbon) - dường như không được chính quyền của ông Biden ủng hộ vào lúc này.

Trích dẫn tác động tiềm tàng của đề xuất này đối với khả năng cạnh tranh kinh tế, ông Kerry cho biết ông lo ngại với những kế hoạch của EU và kêu gọi các nhà lãnh đạo đợi cho đến sau Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự định diễn ra tháng 11 tại Glasgow (Anh), mới tiến hành thuế quan mới.

Washington cũng không cùng quan điểm với Brussels trong đề xuất phân loại đầu tư bền vững của EU và đã đưa ra kế hoạch đi theo con đường riêng của mình, bất chấp những lời kêu gọi từ các đối tác châu Âu về một cách tiếp cận xuyên Đại Tây Dương chung.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Mỹ hồi tháng Tư, hội nghị thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh EU-Mỹ vào tháng Sáu và hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng Mười sẽ tạo cơ hội cho các quan chức Mỹ và châu Âu nắm bắt tiến trình trước hội nghị thượng đỉnh COP26 tại Glasgow vào tháng 11.

Có rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương về khí hậu - ví dụ như công nghệ xanh, tài chính bền vững, khả năng phục hồi và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Tiến bộ quan trọng nhất có thể chỉ đơn giản đến từ việc đảm bảo rằng các kế hoạch về khí hậu ở trong nước của cả hai bên đều phù hợp và bổ sung cho nhau ở mức có thể.

Trung Quốc: Tập hợp hay chia rẽ các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương?

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, hợp tác giữa Mỹ và EU trong vấn đề Trung Quốc thường xuyên không nhiều do xung đột về chính sách, lợi ích khác nhau và mức độ tin cậy thấp.

Mặc dù coi Trung Quốc là thách thức hệ thống hàng đầu, ông Biden đã cam kết đưa cách tiếp cận chung với các đồng minh và đối tác, như châu Âu, trở thành trọng tâm trong chiến dịch của mình để cạnh tranh với Trung Quốc tốt hơn.

EU cũng thể hiện sự quan tâm đến việc phối hợp với chính quyền của ông Biden trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, nhưng thận trọng với việc chọn bên trong cuộc cạnh tranh đang ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một dấu hiệu ban đầu cho thấy EU có khuynh hướng đi theo con đường của riêng mình là việc kết thúc đàm phán Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI) với Bắc Kinh hồi tháng 12 năm ngoái, bất chấp lời kêu gọi tham khảo trước ý kiến của Washington từ Jake Sullivan, người chuẩn bị là Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden.

Mặc dù quyết định của EU về việc tiến tới CAI khiến một số người trong đội ngũ của ông Biden thất vọng, nhưng không cản trở việc chính quyền của ông Biden can dự tích cực với châu Âu trong vấn đề Trung Quốc. Ngược lại, các quan chức Mỹ đã khéo léo tạo lý do cho cách tiếp cận chung xuyên Đại Tây Dương bằng cách tránh việc buộc châu Âu phải đưa ra lựa chọn bên này hoặc bên kia. Trong cuộc gặp với các ngoại trưởng châu Âu tại Brussels hồi tháng Ba, ông Blinken trấn an rằng Washington “sẽ không buộc các đồng minh phải lựa chọn ‘chúng tôi hay họ’ với Trung Quốc,” nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “cùng nhau đẩy lùi Trung Quốc và thể hiện sức mạnh trong thống nhất.”

Do đó, người châu Âu nói chung cảm thấy yên tâm về cách tiếp cận tổng thể của chính quyền của ông Biden đối với Trung Quốc, trong đó họ nhận thấy những điểm tương đồng với cách nhìn của EU trong việc mô tả Trung Quốc là “đối tác, người cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống.”

Đến thời điểm này, tương lai của CAI có vẻ ngày càng không chắc chắn với việc các thành viên nổi bật của Nghị viện châu Âu (EP) hiện đang công khai bày tỏ sự hoài nghi đối với thỏa thuận này.

Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với các thành viên EP và các thực thể khác được coi là một bước leo thang lớn và là bước ngoặt khiến các nhà lãnh đạo châu Âu càng thêm bi quan về triển vọng hợp tác với Trung Quốc và làm giảm hơn nữa khả năng CAI sớm được phê chuẩn.

Con đường phía trước của hợp tác Mỹ-EU

Chính quyền của Tổng thống Biden và đội ngũ cố vấn đã tích cực tham gia vào các hình thức ngoại giao khác nhau để khôi phục niềm tin vào sự lãnh đạo của Mỹ sau nhiệm kỳ tổng thống đầy sóng gió của ông Trump.

Tuy nhiên, câu hỏi thực sự là liệu các đối tác xuyên Đại Tây Dương có thể tận dụng mối quan hệ ngoại giao được cải thiện để loại bỏ những bất đồng song phương kế thừa từ chính quyền của ông Trump và đưa ra một loạt chính sách “cùng thắng” trong năm tại nhiệm đầu tiên của ông Biden hay không.

Với các mùa bầu cử sắp diễn ra ở cả Đức và Pháp lần lượt vào năm 2021 và 2022, cũng như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm 2022, việc khởi động mối quan hệ EU-Mỹ cần phải diễn ra ngay bây giờ, trước khi các nhà lãnh đạo chủ chốt bận tâm và tập trung hơn vào vấn đề trong nước.

Washington nên xem xét bốn lĩnh vực trước mắt để chuyển quan hệ với EU từ các ngôn từ hoa mỹ thành những tiến triển thực tế tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng Sáu.

Trước tiên, ông Biden cần tìm cách giải quyết các bất đồng chính trong thương mại song phương. Mặc dù là một khó khăn lớn, nhưng cần tìm ra một giải pháp lâu dài trong cuộc tranh chấp giữa Airbus-Boeing, chứ không chỉ trì hoãn với một đợt gia hạn tạm thời khác.

Hơn nữa, đại diện thương mại Mỹ không nên chậm trễ thực hiện việc loại bỏ thuế quan đối với thép và nhôm của EU theo Mục 232, vì những lĩnh vực này mang tính biểu tượng, cản trở sự liên kết trong các vấn đề khác như Trung Quốc và củng cố những lo ngại của châu Âu về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Bên cạnh đó, ông Biden nên làm rõ rằng kế hoạch “Mua hàng Mỹ” ở trong nước của mình không có nghĩa là đóng cửa đối với các công ty châu Âu hoạt động tại Mỹ.

Thứ hai, chính quyền Mỹ nên giải quyết các khiếu nại chính đáng của châu Âu về chủ nghĩa dân tộc vaccine của Mỹ và tìm cách cung cấp vaccine ngừa COVID-19 do Mỹ sản xuất cho thị trường châu Âu để cho phép các chiến dịch tiêm chủng của châu Âu tăng tốc và phòng ngừa việc nền kinh tế châu Âu bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, cả Mỹ và EU nên nỗ lực hỗ trợ những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, như Ấn Độ, bằng vaccine và các thiết bị y tế quan trọng khác.

Thứ ba, Mỹ cần nhanh chóng tìm ra cách tương tác tốt nhất và đáp ứng các đề xuất mới nhất của EU về quản lý AI, kiểm soát nội dung trực tuyến và quản lý các Big Tech. Để đạt được tiến bộ trong các vấn đề cấp bách về kỹ thuật số như truyền dữ liệu, chính quyền của ông Biden nên chấp nhận đề nghị của EU thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ xuyên Đại Tây Dương và đưa ra các ý tưởng để định hình việc chuyển giao và chương trình nghị sự của mình nhằm có một cấu trúc hiệu quả để giải quyết các tranh chấp và phát triển một chiến lược chung xoay quanh các vấn đề ưu tiên về công nghệ. Ưu tiên hàng đầu đối với một tổ chức như vậy là việc điều chỉnh các quy định của EU và Mỹ về trí tuệ nhân tạo cho phù hợp với nhau.

Thứ tư, ông Biden nên làm việc với EU trong các sáng kiến chung về khí hậu trước hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11, bắt đầu bằng việc tham gia vào kế hoạch đánh thuế biên giới khí carbon của EU. Nếu các đối tác xuyên Đại Tây Dương có thể thống nhất được với nhau, thì họ sẽ có một vị thế vững chắc để thiết lập các quy tắc thương mại mới giúp thúc đẩy một nền kinh tế khí carbon thấp.

Hơn nữa, ông Biden nên làm rõ chương trình nghị sự trong nước Xây dựng lại tốt hơn (Build Back Better) của mình là mở cửa đối với các công ty châu Âu như thế nào và hai bên nên thảo luận về sự chồng chéo tiềm tàng với Thỏa thuận Xanh (Green Deal) của EU. Cuối cùng, chính quyền của ông Biden nên hợp tác chặt chẽ với EU trong việc theo đuổi một cách tiếp cận chung hướng tới sự tham gia của Trung Quốc trong các vấn đề khí hậu trước thềm COP26. Việc này sẽ giúp trấn an người châu Âu rằng chiến lược chung đối với Trung Quốc của Mỹ không chỉ là sự đối đầu với Bắc Kinh.

Bên cạnh những bước đi ngắn hạn này, chính quyền của ông Biden cũng có thể tham gia với EU để phác thảo các tham số của một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương tham vọng hơn trong tương lai ba năm rưỡi tới để triển khai tại hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ. Không còn thời gian để lãng phí. Chỉ để có lại sự hòa hợp tốt hơn không thể là mục tiêu cuối cùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục