“Niềm hạnh phúc 167” với người nghèo đèo Pha Đin

Quyết định 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người nghèo làm nhà ở đã tạo niềm vui cho người nghèo trên con đèo Pha Đin.
Quyết định 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người nghèo làm nhà ở đã tạo niềm vui, hạnh phúc, thổi một luồng sinh khí mới, tạo động lực để từng ngày, người dân tộc Mông trên con đèo Pha Đin huyền thoại phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo, dựng xây quê hương .

Đã gần 3 năm, nhưng với chị Lầu Thị Dí, sinh năm 1972, bản Chế Á, xã Tỏa Tình - xã nằm trọn trên đèo huyền thoại Pha Đin, vẫn vẹn nguyên niềm vui sướng khi trở thành chủ nhân căn nhà gỗ vững chãi, khang trang.

Trong ngôi nhà gỗ 3 gian, rộng trên 30 m2, được dựng lên theo phong tục tập quán của người Mông, mà chị được thụ hưởng từ chương trình 167, bồi hồi kể lại: hơn 20 tuổi, chị lập gia đình và ra ở riêng. Sau khi sinh nở, nhà có thêm miệng ăn nên kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Khi đứa con trai bước vào tuổi đến trường, cũng là lúc chồng chị dính vào nghiện hút rồi bỏ nhà đi biệt xứ... Một mình nai lưng làm lụng, vẫn không lo nổi mái nhà.

Cuối năm 2009, nhờ số tiền hỗ trợ của chương trình 167 và khoản tiền dành dụm, vay mượn bà con, chị đã làm được căn nhà mới với tổng trị giá gần 30 triệu đồng. “Mình vui lắm chứ. Không có tiền hỗ trợ của Nhà nước thì mình không thể làm nhà được đâu. Có nhà kiên cố rồi, mình không sợ bão, gió, không sợ lạnh nữa. Đến nay mình mới yên tâm về cuộc sống của mình và của con mình sau này”, chị Dí nói trong xúc động.

Tạm biệt chị Dí, chúng tôi ngược núi, cắt rừng theo chân ông Vừ Giống Sính - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tỏa Tình về bản Hua Sa A, tìm đến nhà của Lầu A Dà. Chờ đợi đến lúc mặt trời đứng bóng mới thấy chủ nhà từ trên nương về. Giải thích việc mình về muộn, anh Dà cười nói: “Vợ điện thoại bảo là có cán bộ đến, mình vội lên đường về ngay, nhưng nương ở trên núi, xa nhà lắm....”.

Qua lời kể của anh Dà chúng tôi được biết: Cũng giống hoàn cảnh như chị Dí, vợ chồng anh Dà cũng gặp nhiều khó khăn. Từ ước mơ có được ngôi nhà mới, vợ chồng anh đã cố gắng làm lụng, cắt hết các khoản chi tiêu của vợ chồng, mong sớm dành dụm đủ số tiền dựng nhà. Nhưng khốn nỗi, vợ chồng anh cũng không thể thực hiện được ước mơ của mình vì những năm mất mùa, những đận giáp hạt, vợ chồng anh phải “xâm” đến số tiền đã chắt góp để lo miếng ăn cho 4 thành viên trong gia đình. Hơn 10 năm, gia đình anh phải sống trong căn nhà tre nứa tạm bợ, rách nát. Mãi đến cuối năm 2010, nhờ số tiền hơn 14 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với số tiền chắt chiu bao năm, vợ chồng anh đã dựng được ngôi nhà gỗ khang trang, không thua kém gì các hộ dân khác cùng bản.

Ở xã Tỏa Tình, nơi quanh năm chỉ có nắng, gió, sương và mây mù, niềm vui mừng, hạnh phúc khi có nhà mới, thoát khỏi cảnh sống tạm bợ không chỉ có anh Dà, chị Dí, mà 40 hộ nghèo khác như gia đình anh Sùng Dũng Lầu, Mùa Súa Cớ, Vàng A Khứ... ở 7 bản Háng Tầu, Sông Ia, Chế Á, Lồng, Hua Sa A, B... cũng có được.

Ông Mùa A Dình, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình cho biết: Việc triển khai thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ người nghèo làm nhà ở, xã Tỏa Tình gặp những khó khăn đặc thù của xã miền núi, vùng khó khăn như trình độ dân trí thấp, kinh tế những đối tượng được thụ hưởng quá nghèo... Nhận thấy Quyết định 167 là cơ hội để Tỏa Tình xóa nhà tạm tranh tre, vách đất, nên xã đã đồng lòng, ra sức triển khai thực hiện.

Ở Tỏa Tình, công tác rà soát, sàng lọc, bình xét hộ nghèo diễn ra công khai, dân chủ, nên đã lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng, nhờ đó được người dân nhiệt tình ủng hộ. Công việc làm nhà ở cho người dân, theo ông Dình nói, thì đó là những “ngày hội”: Người dân trong bản ai cũng góp sức chung tay tham gia từng ngày công, giúp nhau dựng nhà, tình cảm làng bản qua đây càng mật thiết, đoàn kết hơn. Nhờ vậy, Tỏa Tình đã sớm hoàn thành nhà ở cho 100% số gia đình thuộc diện 167.

Ông Vừ Giống Sính, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tỏa Tình, thành viên Ban chỉ đạo 167 cấp xã cho biết: Nhà xây dựng theo chương trình 167 hoàn thành, khi nghiệm thu, bàn giao cho dân đưa vào sử dụng, phải đảm bảo các điều kiện về diện tích, yếu tố vững bền theo tiêu chí đã đề ra. Trung bình mỗi căn nhà có diện tích gần 30m2, tuổi thọ trên dưới 20 năm, nên nhiều thế hệ có thể sống, sinh hoạt trong cùng một mái nhà.

Hiện xã Tỏa Tình có 430 hộ dân tộc Mông, với hơn 2.000 nhân khẩu sinh sống. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn xã chiếm trên 20% thì đến đầu năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 10,7%. “Lợi ích mang lại từ chương trình 167 đối với xã là rất lớn. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là nhờ chương trình 167, xã đã triệt để xóa bỏ được nhà ở tạm bợ, tranh tre, tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn”, ông Sính nói./.

Xuân Tiến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục