Nín thở với vụ giải cứu

Thế giới nín thở với vụ giải cứu con tin tại Algeria

Nguyên thủ các nước có con tin bị bắt ở Algeria đã hủy những cuộc họp quan trọng để theo dõi vụ giải cứu con tin kịch tính tại Algeria.
Các chính phủ nước ngoài đã lên tiếng về số phận những công dân của họ bị các phần tử Hồi giáo vũ trang bắt giữ ở một nhà máy khí đốt trong sa mạc ở Algeria, khi cuộc giải cứu kịch tính đã khiến một số con tin thiệt mạng. Trong lúc những người thân của các con tin chờ đợi trong hồi hộp, các quan chức ở Algeria nói lực lượng đặc nhiệm đã kiểm soát được khu nhà ở thuộc nhà máy, nơi hàng trăm con tin đang bị giữ. Nhưng lực lượng vũ trang chính phủ hiện vẫn đang bao vây nhà máy ở In Amenas này khi an ninh chưa hoàn toàn bảo đảm và các nước có công dân ở đây hối thúc nhà chức trách sở tại không để các con tin gặp nguy hiểm. Bộ trưởng thông tin Mohamed Said nói “một số người” đã thiệt mạng hoặc bị thương và “một số lớn” các con tin được giải thoát tại nhà máy do ba công ty BP (Anh), Statoil (Na Uy) và Sonatrach (Algeria) cùng vận hành. Nhà máy có các công nhân đến từ những nước Anh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Italy, Na Uy và một số nước khác. “Chúng tôi không biết trước về cuộc tấn công,” một quan chức cấp cao của Mỹ nói với AFP, đồng thời nói chính quyền Mỹ “khuyến cáo mạnh mẽ” nhà chức trách Algeria coi sự an toàn của các con tin là ưu tiên hàng đầu. Công ty xây dựng Nhật Bản JGC nói họ đã xác nhận được sự an toàn của ba nhân viên công ty tại Algeria, nhưng vị trí của 14 người khác vẫn chưa rõ. Những kẻ bắt cóc, tự nhận có liên hệ với Al Qaeda, nói quân đội đã không kích và mở chiến dịch trên bộ ở nhà máy gần biên giới với Libya này khiến 34 con tin thiệt mạng, nhưng hiện chưa thể xác nhận lại tin tức này. Những kẻ bắt cóc nói với hãng tin Mauritania ANI rằng họ “sẽ giết tất cả các con tin nếu lực lượng chính quyền tiến vào nhà máy.” Họ cũng tuyên bố hành động này là để đáp trả chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp tấn công các phần tử vũ trang Hồi giáo nổi dậy ở Mali, nước láng giềng của Algeria. Bộ trưởng nội vụ Algeria Dahou Ould Kablia nói những kẻ tấn công đến từ bên kia biên giới phía Libya, theo các tin tức tình báo. Thủ tướng Anh David Cameron đã hủy một bài phát biểu quan trọng về chính sách châu Âu để theo dõi cuộc khủng hoảng con tin, mô tả tình hình tại nhà máy “rất tồi tệ.” “Chúng ta đã biết có một người (công dân Anh) thiệt mạng. Lực lượng vũ trang Algeria hiện đang tấn công nhà máy,” ông Cameron nói. “Tình hình rất nguy hiểm, không chắc chắn và diễn biến nhanh, và tôi cho rằng chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng có thêm tin xấu.” Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông nhận được những tin tức cập nhật liên tục về tình hình “tồi tệ” ở đây. Bộ trưởng ngoại giao Italy Giulio Terzi gọi cái chết của những con tin là “một thảm kịch vì hành vi tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố.” Các tay súng Hồi giáo chiếm giữ nhà máy vào ngày thứ Tư trong một cuộc tấn công khiến hai người thiệt mạng. Truyền hình Algeria nói gần 600 công nhân Algeria và bốn người nước ngoài, hai người Anh, một người Pháp và một người Kenya, đã được giải thoát trong chiến dịch ngày thứ Năm. Chính phủ Ireland thông báo một công dân nước họ đã được giải thoát. Tổng cộng có 41 người nước ngoài bị giữ làm con tin.
Thế giới nín thở với vụ giải cứu con tin tại Algeria ảnh 1
Mokhtar Belmokhtar một mắt, kẻ nhận trách nhiệm chỉ huy vụ bắt cóc (Nguồn: AFP)
Chiến binh Hồi giáo Mokhtar Belmokhtar, một người thánh chiến Hồi giáo quốc tịch Algeria một mắt và có liên hệ với Al Qaeda, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Belmokhtar, biệt danh “Không thể bị bắt” và “Ngài Marlboro” vì các hoạt động buôn lậu thuốc lá và hành tung xuất quỷ nhập thần, gần đây là một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của tổ chức Al Qaeda Hồi giáo Maghreb (AQIM) trong vùng. Nhưng ông bị đẩy ra khỏi tổ chức này vào cuối năm ngoái và tự lập một nhóm có tên gọi “Những kẻ trả nợ máu.” Trước đây, Belmokhtar từng bị cáo buộc tiến hành các vụ bắt cóc và giết người cả với người Algeria và người nước ngoài. Kẻ chỉ huy chiến dịch bắt cóc ở hiện trường, Abu al-Baraa, có thể đã bị tiêu diệt, theo ANI. “Chúng tôi yêu cầu quân đội Algeria rút quân khỏi khu vực nhà máy để thương lượng”, Abu al-Baraa trước đó nói với kênh truyền hình Al-Jazeera. Nhưng chính quyền Algiers nói họ không thương lượng “với những kẻ khủng bố.” Trong khi đó, tình hình ở Mali tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại vùng Sahel, Romano Prodi, nói các chiến dịch can thiệp quân sự trên bộ và trên không của Pháp ở Mali là cách duy nhất để ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan “thành lập một nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố ở trung tâm châu Phi.” Tại Brussels, Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius nói các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể đưa quân giúp Pháp ở cựu thuộc địa Tây Phi này. Ngày thứ Năm, thêm quân Pháp đã được đổ xuống Mali, nâng tổng số binh sĩ Pháp ở đây lên 1.400, theo lời Bộ quốc phòng. Bộ cũng nói mức tối đa có thể triển khai ở đây là 2.500 binh sĩ. Một nhóm binh sĩ quốc tế khác từ Chad cũng tới Mali trong khi gần 100 binh sĩ Nigeria và Chad nữa đang trên đường sang đây để hình thành nên lực lượng chung Tây Phi với 5.000 binh sĩ. Bộ quốc phòng Pháp nói chiến sự diễn ra “ở một số khu vực”, nhưng không có chiến sự ở vùng Diabaly, cách thủ đô Bamako 400 km về phía bắc, nơi phần đông quân Pháp đồn trú./.
Thế giới nín thở với vụ giải cứu con tin tại Algeria ảnh 2

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục