Ninh Thuận, Bình Phước giúp lao động, người sử dụng lao động khó khăn

Tỉnh Ninh Thuận ủy quyền cho UBND huyện, thành phố phê duyệt danh sách lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch; còn tỉnh Bình Phước thống nhất hỗ trợ 700.000 đồng/người mất việc.
Ninh Thuận, Bình Phước giúp lao động, người sử dụng lao động khó khăn ảnh 1Các địa phương ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm giải quyết chi trả kinh phí cho người thuộc diện thụ hưởng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tỉnh Ninh Thuận khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn; bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại khoản 12, mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận ủy quyền cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố phê duyệt danh sách lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, cho biết Sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố cũng chủ động ban hành quyết định thành lập tổ thẩm định hồ sơ hỗ trợ và quyết định phê duyệt danh sách lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

[Ninh Thuận tập trung xử lý các ca bệnh phát sinh trong khu cách ly]

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 1 (từ ngày 17-31/7), Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố cơ bản hoàn tất việc triển khai chính sách đối với 100% lao động tự do.

Cụ thể: Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 21.296 lao động với kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng; xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 112 lao động/12 đơn vị; xác nhận cho 1 lao động ngừng việc tại 1 đơn vị.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định phê duyệt 294 hồ sơ hỗ trợ hơn 895 triệu đồng cho các trường hợp bị tạm hoãn hợp đồng lao động và nuôi con nhỏ, lao động hoạt động nghệ thuật, hộ kinh doanh.

Các địa phương đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ và chi hỗ trợ đợt 1 cho 2.659 lao động tự do với gần 4 tỷ đồng, đạt 100% đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng.

Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tiếp tục xét và phê duyệt hỗ trợ đợt 2 cho các đối tượng được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh đồng ý bổ sung, đủ điều kiện thụ hưởng chính sách theo quy định (nhóm đối tượng 1, 2).

Với nhóm đối tượng 1, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các huyện đã căn cứ dữ liệu quản lý thu thực hiện giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, 18.538 lao động tại 1.119 đơn vị được tạm tính giảm mức đóng trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022) là hơn 5,7 tỷ đồng.

Ninh Thuận, Bình Phước giúp lao động, người sử dụng lao động khó khăn ảnh 2Chi trả kinh phí cho người thuộc diện thụ hưởng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Đối với nhóm đối tượng 2, Bảo hiểm xã hội địa phương đang giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của 6 tháng (từ 8/2021 đến tháng 1/2022) cho 1 đơn vị với 4 lao động hơn 19 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 340 lao động của 22 đơn vị; xác nhận danh sách người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cho 46 lao động của 2 đơn vị...

Bình Phước hỗ trợ 700.000 đồng cho mỗi lao động mất việc

Ngày 13/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã ký công văn về việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập, sinh viên khó khăn do dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước thống nhất mức hỗ trợ 700.000 đồng/người đối với công dân Bình Phước là người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập, không có dự trữ và sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ nguồn cung cấp trang trải chi phí sinh hoạt đang ở lại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cũng đã thống nhất hỗ trợ những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật đang ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai số tiền 1 triệu đồng/người, thông qua dịch vụ chuyển tiền bưu điện.

“Đã có 70 công dân của tỉnh Bình Phước đang ở lại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh chuyển qua đường bưu điện số tiền hỗ trợ là 70 triệu đồng,” đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Phước cho biết.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 32.000 người dân ở Bình Phước, chủ yếu là lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Trong số hơn 32.000 người đã được chi tiền hỗ trợ, có hơn 29.500 người là lao động tự do, 500 người trong diện F1, F0 được hỗ trợ tiền ăn và hơn 2.000 người thuộc đối tượng khác.

Trên địa bàn Bình Phước có gần 81.000 đối tượng trong diện thụ hưởng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí trên 140 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục